Cùng người Hải Lăng 'đi một ngày đàng...'

Từ ngày 10-17/9/2013, tôi có dịp cùng Đoàn công tác huyện Hải Lăng do Bí thư Huyện ủy Trần Ngọc Ánh làm trưởng đoàn và 22 thành viên sang công tác tại Thái Lan. Đây có thể xem là chuyến công tác 'đi trước, mở đường', góp phần hình thành nhiều ý tưởng sáng tạo trong việc định hướng phát triển kinh tế- xã hội của huyện Hải Lăng cũng như chủ động trong việc cùng với tỉnh Quảng Trị triển khai các mặt công tác để hình thành Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị hai năm sau đó.

Đoàn công tác huyện Hải Lăng công tác tại Thái Lan (từ ngày 10-17/9/2013) -Ảnh: Đ.T

Đoàn công tác huyện Hải Lăng công tác tại Thái Lan (từ ngày 10-17/9/2013) -Ảnh: Đ.T

Tìm lời giải cho trăn trở: “Trồng cây gì, nuôi con gì?”

Sau khi làm thủ tục nhập cảnh ở cầu Hữu Nghị số 1 từ Viêng Chăn (Lào) đi Nọng Khai (Thái Lan), chúng tôi đã có dịp đến tham quan trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Trọng Tấn là một Việt kiều tại tỉnh Udonthani.

Tại đây, đoàn đã tìm hiểu, học tập kinh nghiệm về công tác quản lý, tổ chức sản xuất trang trại tổng hợp với quy mô trên 100 ha, bao gồm: nuôi bò Brahman gắn với trồng cỏ nuôi bò (số lượng bò tại thời điểm chúng tôi đến trên 100 con, nhưng theo thông tin từ ông Tấn trước đó vài tháng thì số lượng đàn bò lên đến trên 300 con).

Trọng lượng bò đực giống từ 900 kg đến 1.000 kg. Bò mẹ có trọng lượng khoảng 600 kg, bình quân mỗi năm sinh 1 con; trọng lượng bê con sơ sinh khoảng 30-35 kg. Sau khi sinh khoảng 50-60 ngày, bò mẹ động dục và cho phối lại. Trang trại ông Tấn còn nuôi cá bức nước ngọt, trọng lượng mỗi con khoảng 30 - 40 kg, cá biệt có con trọng lượng đạt trên 100 kg, thời gian từ khi thả nuôi cho đến lúc khai thác gần 2 năm.

Bên cạnh nuôi bò, nuôi cá, thâm canh cây cao su, thời điểm đó, ông Tấn đang trồng thử nghiệm cây lúa loại hạt gạo đen. Theo ông Tấn, thời gian sinh trưởng của cây lúa này không quá 100 ngày, năng suất đạt khoảng 45-55 tạ/ha.

Đoàn cũng đã đến tham quan trang trại SK Pataya tại tỉnh Chonburi chuyên nuôi bò đực giống. Đây là một trong những trang trại nuôi bò lấy tinh và lai tạo các giống bò có chất lượng cao tại Thái Lan. Trang trại được đầu tư xây dựng rất bài bản, có quy mô nuôi khoảng 200 con bò giống. Tại thời điểm đầu tháng 9/2013, trang trại có khoảng 30 con bò đực Brahman trọng lượng từ 900- 1.000 kg/con chuyên lấy tinh. Tinh bò sản xuất tại trang trại đã xuất khẩu đến nhiều nước trong khu vực.

Thăm trang trại trồng mít ở tỉnh Prachin Buri, chúng tôi thấy khu vực Mường Ăm phơ, tỉnh Prachin là một trong những vùng trồng mít xuất khẩu lớn của Thái Lan, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc (quá cảnh đường bộ sang Lào, Việt Nam trên các tuyến đường 9, đường 8 và đường 12).

Thời điểm đó, tỉnh Prachin trồng nhiều loại giống mít có năng suất, chất lượng tốt như Thong xup chay, Chăm pa cọp, Thong pa xợt... nhưng hiệu quả cao hơn cả là giống mít Thon ma lê. Đây là giống mít có nguồn gốc từ Malaysia cho trái quanh năm, sau khi trồng chỉ 2-3 năm là bắt đầu cho thu hoạch, trọng lượng quả chín khoảng 15-20 kg, có thể xuất khẩu quả non và quả chín, mật độ trồng khoảng 350 cây/ ha. Thái Lan chủ yếu áp dụng công nghệ chiết cành trong lai tạo giống để cho năng suất cao và rút ngắn thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch.

Qua tìm hiểu bước đầu nhận thấy các giống cây trồng, vật nuôi nêu trên được đánh giá có khả năng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Hải Lăng. Huyện Hải Lăng cũng đã thống nhất với đối tác Thái Lan trong việc hợp tác chuyển giao giống, kỹ thuật để thử nghiệm các giống cây, con trên địa bàn huyện. Nếu thử nghiệm thành công sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác hiệu quả tiềm năng sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Thu hoạch cam trên vùng đồi K4, Hải Lăng -Ảnh: Đ.T

Thu hoạch cam trên vùng đồi K4, Hải Lăng -Ảnh: Đ.T

Điều đáng mừng là sau chuyến công tác tại Thái Lan không lâu, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo huyện, Hải Lăng đã thử nghiệm thành công việc thụ tinh nhân tạo tinh bò Brahman trên nền cái lai sind cho ra con lai tăng trọng nhanh, thích nghi với điều kiện tự nhiên của Quảng Trị, mở ra hướng đi mới cho chăn nuôi nông hộ, góp phần đưa đàn bò lai của huyện Hải Lăng lên 3.151 con/3.961 con như hiện nay.

Huyện cũng đã chỉ đạo thử nghiệm nhiều giống lúa mới, trong đó có lúa thảo dược có nguồn gốc từ Thái Lan duy trì đến nay với diện tích 10 ha tại Hợp tác xã Kim Long, xã Hải Quế, để phục vụ nấu rượu. Rượu nấu từ gạo thảo dược có giá bán cao gấp 1,5 lần rượu nấu từ nếp và cao gấp 3 lần rượu nấu từ gạo thông thường.

Hải Lăng cũng là huyện đầu tiên của tỉnh xác định các cây trồng, vật nuôi chủ lực và ban hành chính sách hỗ trợ phát triển. Đặc biệt, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và các tài liệu cũng như kinh nghiệm của người dân, lãnh đạo huyện Hải Lăng đã tổ chức đoàn đi nghiên cứu mô hình trồng cam tại Hương Sơn (Hà Tĩnh) và các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An.

Sau khi trở về đã bắt tay triển khai hình thành và phát triển vùng gò đồi K4 phía Tây của huyện thành vùng cây ăn quả có múi. Toàn huyện hiện có 97,8 ha cam tập trung, trong đó có 25 ha có liên kết tiêu thụ, đã được chứng nhận OCOP 3 sao, thu nhập bình quân 250- 300 triệu đồng/ha/năm.

Dự liệu trước mắt để cầm nắm tương lai

Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được thành lập theo Quyết định số 42/2015/QĐ-TTg ngày 16/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm 17 xã, thị trấn thuộc 3 huyện ven biển là Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, với tổng diện tích 23.792 ha. Sau 10 năm thực hiện, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2045. Theo phương án điều chỉnh ranh giới, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có tổng diện tích 26.092 ha, tăng 2.300 ha so với quy hoạch cũ. Trong đó, huyện Hải Lăng vẫn là khu vực trọng điểm của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Trước khi Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được thành lập (tháng 9/2015), trong chuyến khảo sát nêu trên ở Thái Lan (từ ngày 10-17/9/2013), Đoàn công tác huyện Hải Lăng đã đến tham quan, nghiên cứu khu phức hợp Maptaphut và cảng biển Laem Chabang.

Xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị những ngày đầu mới khởi động -Ảnh: Đ.T

Xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị những ngày đầu mới khởi động -Ảnh: Đ.T

Được hình thành từ năm 1981, khu phức hợp Maptaphut là khu công nghiệp lớn nhất tập trung các ngành công nghiệp nặng, năng lượng và hóa dầu tại Thái Lan, thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến thực hiện các dự án liên doanh và đầu tư trực tiếp.

Đối với các dự án nhà máy khí, hóa dầu và chế phẩm từ dầu khí...tại khu phức hợp này, nguồn nguyên liệu được cung cấp từ mỏ khí thiên nhiên tại vịnh Thái Lan, kết nối thông qua đường ống dài 300-400 km chạy ngầm dưới biển (80% doanh nghiệp tại Maptaphut sử dụng nhiên liệu khí). Khu phức hợp này có 5 khu công nghiệp và cảng biển, được xây dựng trên diện tích 3.500 ha, thu hút 147 dự án lớn từ 20 quốc gia, trong đó nhiều nhất là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản (40%). Hệ thống cảng biển gồm 12 cầu cảng lớn nhỏ cho tàu có trọng tải từ 40.000-150.000 DWT cập cảng. Cảng Maptaphut là cảng kết hợp đào và đắp lấn ra phía biển.

Chia sẻ với tôi sau khi tham gia Đoàn công tác huyện Hải Lăng từ Thái Lan trở về, Bí thư Đảng ủy xã Hải An Mai Văn Cai (thời điểm tháng 9/2013) cho biết: “Khi nghe đến Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, thoạt đầu ngay bản thân tôi cũng chưa hình dung ra hình hài của nó. Nhưng khi tận mắt nhìn thấy cảng biển Maptaphut và Laem Chabang nước Thái, tôi đã vững tin hơn nhiều. Ở Thái Lan, những vùng được chọn xây dựng cảng và khu phức hợp trước đây đều là những làng chài nghèo, bây giờ hết sức giàu có, sầm uất. Tôi ao ước quê mình cũng được như thế, trong tương lai gần”...

Cảng Laem Chabang là cảng đào được hình thành từ năm 1987, là cảng lớn nhất Thái Lan. Cảng được chia làm ba giai đoạn phát triển, đến năm 2010, cảng có chiều dài 4.500 m, độ sâu 18 m so với mực nước biển. Cảng có khả năng phục vụ cho tàu hàng có tải trọng lớn tới 80.000 tấn. Có 7 cầu tàu với sức chứa khoảng 6,8 triệu containers (TUEs) mỗi năm.

Tại Laem Chabang, sau khi cảng biển đi vào hoạt động đã hình thành khu công nghiệp và khu chế xuất (phi thuế quan) hoạt động hiệu quả. Tại đây, đã thu hút trên 140 doanh nghiệp đầu tư đến từ nhiều nước, tạo viêc làm cho trên 60.000 lao động. Đặc biệt, khu chế xuất thu hút nhiều lao động phổ thông làm các công việc gia công, đóng gói hàng hóa. Mô hình này có thể nghiên cứu phát triển tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị để giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nhất là khu vực tái định cư.

Sau khi tham quan, nghiên cứu khu phức hợp Maptaphut và cảng biển Laem Chabang, nhận thấy và phân tích những điểm tương đồng đối với địa phương, các thành viên Đoàn công tác huyện Hải Lăng trở về, mang theo niềm tin Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực sống động, hiệu quả. Và đúng như vậy, khi các dự án như Khu Công nghiệp Quảng Trị (giai đoạn 1), Khu Bến cảng Mỹ Thủy (giai đoạn 1) được triển khai, việc vận động Nhân dân làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư đã được huyện Hải Lăng triển khai đồng bộ với các giải pháp thích ứng, hiệu quả.

Người dân Hải Lăng từ lâu đã dự liệu được tương lai tươi sáng trên quê hương mình qua những điều “mắt thấy, tai nghe”. Và bằng sự đồng thuận, chung tay, góp sức xây dựng nên những công trình trọng điểm, những bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang tính đột phá, bứt phá, người dân Hải Lăng đã làm chủ được tương lai của mình trên chặng đường phát triển sắp tới.

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/cung-nguoi-hai-lang-di-mot-ngay-dang-190823.htm
Zalo