Cũng nên 'cách mạng' về giáo dục - đào tạo

Để chuẩn bị tâm thế bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cùng với việc tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế như triển khai cuộc 'cách mạng' về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trên cơ sở 'địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm', gắn với đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, hạ tầng số… theo một số chuyên gia chúng ta đồng thời cũng phải thực hiện cuộc 'cách mạng' về giáo dục - đào tạo.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để chuẩn bị tâm thế bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cùng với việc tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế như triển khai cuộc “cách mạng” về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trên cơ sở “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, gắn với đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, hạ tầng số… theo một số chuyên gia chúng ta đồng thời cũng phải thực hiện cuộc “cách mạng” về giáo dục - đào tạo.

Con tôi đang học lớp 8, về nhà cứ “kêu” các môn khoa học tự nhiên như hóa, lý khó, học không hiểu. Tưởng con mình học dốt, song hôm họp phụ huynh, hầu như cha mẹ nào cũng “kêu” con học kém môn này. Sau đó, cô giáo chủ nhiệm giải thích, trước chưa thực hiện cải cách, nên cấp 2 (từ lớp 7) các em học sinh đã được học liên tục, bài bản các môn này. Nhưng nay, do học “cách nhật”, đại khái học “thoáng qua”, một thời gian sau lại tiếp tục học… không có tính liên tục, nên các bạn khó tiếp thu.

Còn khi con học online, đích thân thầy giáo dạy toán cũng nói về sự bất hợp lý về giáo trình. Đồng thời, thầy nêu ý kiến như Lao động Thủ đô một số lần đã đề cập: Lẽ ra Bộ Giáo dục và Đào tạo phải là cơ quan biên soạn sách giáo khoa, chỉ có Bộ này mới có quyền biên soạn sách giáo khoa, còn các đơn vị khác tham gia đấu thầu về in ấn, xuất bản. Nhưng nay chúng ta triển khai mô hình “xã hội hóa” khâu viết sách, nên mỗi trường dùng một đầu sách. Điều này đến ngay cả thầy giáo khi phụ đạo cho các em ở các trường khác nhau, các em cũng khó tiếp thu. Đấy là chưa kể, hiện tại có quá nhiều sách tham khảo, sách giáo khoa chưa đủ, thầy cô còn hướng dẫn mua thêm, phụ huynh cũng tự ý mua thêm dẫn đến tình trạng “loạn sách” tham khảo.

Trở lại câu chuyện giáo dục, xét cho cùng quốc gia nào cũng vậy, mục đích của giáo dục - đào tạo là giáo dục cho học sinh hoàn thiện nhân cách, trở thành con người nhân văn, sống có ích cho gia đình, xã hội; đào tạo ra nguồn lao động đáp ứng nhu cầu xã hội và đất nước.

Nhìn lại bức tranh giáo dục và đào tạo hiện tại, dường như đang thiếu hai điều đó. “Ngôn ngữ là công cụ của tư duy”, muốn có hành động đẹp phải bắt đầu từ lời nói đẹp. Về vấn đề này, phải công nhận chưa bao giờ học sinh, sinh viên (từ bậc tiểu học đến bậc đại học) nói tục như hiện tại. Ai cũng biết, thậm chí xét thành “vấn nạn” nói tục, nhưng vẫn chưa có biện pháp triệt tiêu hiệu quả. Trong khi đó, về mảng đào tạo từ bậc tiểu học đến đại học vẫn nặng về lý thuyết. Đặc biệt, cấp giáo dục phổ thông, bên cạnh nặng về kiến thức, còn nặng cả về căn bệnh thành tích. Học sinh tối ngày lao vào vòng xoáy của học hành, thi cử không có thời gian cho tư duy. Lĩnh vực kỹ năng sống và hướng nghiệp gần như bị bỏ trống.

“Giáo dục - Đào tạo là quốc sách hàng đầu”, để chuẩn bị tâm thế bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc nhằm hiện thực hóa khát vọng đất nước hùng cường cùng với việc tháo “điểm nghẽn” cơ chế, nên chăng chúng ta cũng song hành thực hiện cuộc cách mạng về giáo dục và đào tạo.

Hà Lê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cung-nen-cach-mang-ve-giao-duc-dao-tao-181126.html
Zalo