Cùng hành động để bảo vệ môi trường sống an toàn cho trẻ em
Trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu trầm trọng như hiện nay, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bão Yagi (bão số 3) xảy ra hồi tháng 9/2024 là minh chứng rõ nhất cho việc biến đổi khí hậu đang tàn phá các cộng đồng và ảnh hưởng tới hàng triệu trẻ em. Vì lẽ đó, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải hành động để mọi trẻ em có thể được lớn lên khỏe mạnh và an toàn trước các mối đe dọa về khí hậu và môi trường.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu và trẻ em đã và đang bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Những cú sốc nghiêm trọng do khí hậu gây ra như hạn hán, bão, lở đất và lũ lụt đã có tác động mạnh đến cuộc sống của hàng triệu trẻ em và gia đình. Trong những năm qua, hiện tượng khí hậu bất thường hoặc cực đoan diễn ra ngày càng thường xuyên và dữ dội dẫn đến sự gián đoạn đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, xã hội và bảo vệ trẻ em thiết yếu, gây ảnh hưởng đến khả năng sống, phát triển và đạt được tiềm năng tối đa của trẻ em.
Tác động tàn phá của thảm họa khí hậu được minh chứng rõ ràng khi cơn bão Yagi đổ bộ vào phần lớn miền Bắc Việt Nam. Bão, mưa lớn, sạt lở đất và lũ quét đã buộc hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa và nơi ở, thậm chí, nhiều người đã mất gần như tất cả người thân. Trong số đó có anh Sùng A Giàn ở xã A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đối với vợ chồng anh, bão số 3 đã để lại những ký ức đau thương nhất trong cuộc đời. Chỉ trong giây lát, ngôi nhà của gia đình anh đã bị đất đá vùi lấp. Bố mẹ, em gái và 2 con nhỏ của anh, một bé 5 tuổi và một bé 3 tuổi mãi mãi rời xa. Vợ chồng anh may mắn thoát chết là do đang đi làm việc ở nơi khác. Dù đã nhận được sự động viên, giúp đỡ của cộng đồng, song cho tới bây giờ, vợ chồng anh Giàn vẫn chưa thể dựng lại được nhà để ổn định cuộc sống, trong khi nỗi đau mất cha mẹ, em gái và con cái vẫn giằng xé tâm can vợ chồng anh mỗi ngày.
Không chỉ anh Giàn, hàng triệu gia đình khác ở miền Bắc đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, trong đó có hàng triệu trẻ em chịu ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau. Theo số liệu thống kê, gần 19 triệu người, bao gồm 5,5 triệu trẻ em, sống ở những tỉnh, thành bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Lào Cai, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Hòa Bình, Thái Nguyên và Phú Thọ. Siêu bão Yagi đã tàn phá 26 tỉnh miền Bắc, khiến 344 người chết và mất tích, trong đó, có 52 học sinh và trẻ em bị thiệt mạng. Ngoài ra, 3 học sinh khác mất tích và 8 học sinh bị thương. Uớc tính, bão đã gây thiệt hại hơn 141.000 ngôi nhà, 550 cơ sở y tế, trong khi khoảng 400.000 hộ gia đình không có nước sinh hoạt; 1.607 trường học đã bị hư hỏng và hơn 960.000 trẻ em đã bị gián đoạn học tập do trường học đóng cửa và do bị mất sách vở, dụng cụ học tập. Cho đến nay, trẻ em và các gia đình vẫn đang cố gắng để phục hồi và xây dựng lại sau bão.
Bà Silvia Danailov, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam khẳng định: "Bão Yagi đã cho thấy một sự thật rằng biến đổi khí hậu đang tàn phá các cộng đồng. Đây không phải là vấn đề của thế hệ sau, mà đã là vấn đề của chính chúng ta. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để bảo vệ trẻ em và các gia đình khỏi tác động và sự tàn phá của biến đổi khí hậu. Mọi trẻ em đều có quyền có một tương lai an toàn và tươi sáng".
Ttrong báo cáo thường niên “Tình hình trẻ em thế giới 2024", UNICEF đã đưa ra lời cảnh báo rằng, tương lai của trẻ em chưa được xác định rõ ràng và cần có những hành động khẩn cấp để bảo vệ quyền trẻ em trong một thế giới đang thay đổi. Báo cáo dự báo ba xu hướng lớn - khủng hoảng khí hậu và môi trường, thay đổi nhân khẩu học và công nghệ đột phá sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em vào năm 2050 và xa hơn thế. Báo cáo kêu gọi đầu tư vào giáo dục, dịch vụ và các thành phố bền vững cho trẻ em, nâng cao khả năng chống chịu với khí hậu của các cơ sở hạ tầng, công nghệ, dịch vụ thiết yếu và hệ thống hỗ trợ xã hội cũng như cung cấp kết nối và thiết kế công nghệ an toàn cho tất cả trẻ em.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: "Việt Nam đang ở một bước ngoặt quan trọng trong việc đối phó với những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu đối với trẻ em. Chính phủ vẫn kiên định cam kết thúc đẩy các chính sách và quan hệ đối tác nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các rủi ro liên quan đến khí hậu, đồng thời, thúc đẩy phát triển bền vững. Thông qua những nỗ lực chung, không mệt mỏi, chúng ta có khả năng biến những khó khăn như bão Yagi thành động lực để thúc đẩy phát triển. Cách tiếp cận này đảm bảo rằng, mỗi trẻ em đều có thể hy vọng vào một tương lai không chỉ an toàn và khỏe mạnh, mà còn có thể phát triển hết tiềm năng của mình".
Tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu của cộng đồng được coi là một trong những giải pháp hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai. Trong lễ kỷ niệm Ngày trẻ em thế giới năm nay, các đối tác chính phủ, các tổ chức phát triển, các cơ quan, đoàn thể và những người vận động cho các vấn đề khí hậu, trẻ em và thanh thiếu niên đã nhấn mạnh sự cần thiết phải biến các cuộc khủng hoảng khí hậu như bão Yagi thành cơ hội học tập, xây dựng khả năng phục hồi và hành động. Để các hành động về khí hậu có hiệu quả cần có sự hợp tác trên diện rộng giữa khu vực công và tư nhân, cộng đồng, trẻ em và thanh thiếu niên nhằm thúc đẩy các giải pháp thông minh về khí hậu cho tất cả các thành phần xã hội nhằm đảm bảo cuộc sống an toàn và lành mạnh cho tất cả trẻ em.
Thực tế, với nỗ lực bảo vệ trẻ em trước thiên tai, UNICEF tại Việt Nam đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục để cung cấp tài liệu học tập cho hơn 23.000 trẻ em. Ngoài ra, UNICEF cũng hợp tác với Chính phủ Việt Nam tập huấn cho nhân viên y tế, giáo viên và nhân viên trường học nhằm nâng cao khả năng chuẩn bị ứng phó với các trường hợp khẩn cấp và hỗ trợ tâm lý xã hội. UNICEF cũng tiếp tục hợp tác với các chính phủ và đối tác để lồng ghép các hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu vào các dịch vụ thiết yếu cho trẻ em, đảm bảo an toàn và phúc lợi của các em trong một môi trường nhiều biến động. Nỗ lực này bao gồm xây dựng các chương trình không chỉ giải quyết các nhu cầu trước mắt của trẻ em, mà còn nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi của các em cho tương lai.