Cùng gìn giữ lời then
Từ xưa, xã Ôn Lương (Phú Lương) có gạo nếp vải ngon nức tiếng. Thì nay, vùng đất này có thêm lời then, tiếng tính của Câu lạc bộ Then Cọi, xóm Khau Lai. Bà con nhắc nhở nhau cùng tham gia đàn hát để gìn giữ nét đẹp văn hóa có tự ngàn đời của dân tộc mình.
Sau một hồi nhấn nhá nhả lời then, bà Vũ Thị Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Then Cọi, xóm Khau Lai (CLB) buông hờ cây đàn tính, nói với chúng tôi như tâm sự: Ai cũng biết đó là di sản của dân tộc mình, trong đó có dòng họ nhà mình, nhưng vì bận rộn với công việc trồng cấy, lo cho cuộc sống hằng ngày nên sao nhãng. Hiện số người biết sử dụng đàn tính và hát then, cọi rất hiếm. Vì thế, chúng tôi thành lập CLB với mục đích trao truyền, gìn giữ để tiếng tính, lời then, cọi không bị mai một.
Bà Đinh Thị Công, Phó Chủ nhiệm CLB: Tháng 10-2022, CLB được thành lập, với 10 thành viên, hầu hết là người già. Hiện có tôi và bà Hoàng Thị Thơm còn kém 1 tuổi nữa là đầy thất thập. Trẻ nhất có bà Đinh Thị Vân Anh, 55 tuổi. Ban đầu, chúng tôi tham gia sinh hoạt CLB là bởi nhận thấy mình cần có trách nhiệm với cộng đồng dân tộc trong việc gìn giữ di sản văn hóa. Rồi tập đàn, tập hát “nghiện” từ khi nào chẳng hay. Giờ cầm cây đàn để cất lên lời rừng, lời núi, thấy lòng khoan khoái, nhẹ nhõm.
Bên bàn trà, tiếng đàn, lời hát lại ngân lên như một lẽ tự nhiên. Tôi cảm nhận được những âm thanh kỳ diệu ấy từ gan ruột của những người có trách nhiệm. Âm thanh ấy nuôi lớn bao mùa nếp vải đi qua bao đời người Khau Lai. Vậy mà có lúc bưng lưng cơm nếp mới, nhiều người cao niên giật mình nhận ra trong đời sống vật chất đã vơi khó khăn, song thấy lòng chống chếnh vì nhớ một giọt đàn rơi vào thinh không cùng câu then, cọi.
Ngồi quây quần kể chuyện xưa, nói chuyện nay cũng thấy lòng phấn chấn hơn bởi ở đây, tiếng đàn tính cùng câu hát đang hồi sinh, khẳng định sức sống tinh thần mãi trường tồn trong lòng người. Càng cảm phục hơn là trong CLB, hầu hết các thành viên tham gia với ý thức trách nhiệm cộng đồng. Vì số người biết đàn tính, hát then, cọi như bà Vân được ví là của hiếm.
Ông Phan Văn Du, thành viên nam duy nhất hiện tại trong CLB: Chúng tôi bảo nhau: Không biết thì tham gia CLB để học, để cổ vũ phong trào. Chẳng mấy thời gian, chúng tôi đã vượt qua giai đoạn vụng về, tự tin để cầm cây đàn tính, bước lên sân khấu xóm trình diễn văn nghệ nhân ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy các thành viên CLB đều cao tuổi, nhưng tâm hồn trẻ trung, có ý thức cầu thị. Tôi nhận ra điều đó vì thấy mọi người trân trọng gọi một cô gái còn rất trẻ là thầy dạy. Đó là chị Chu Hải Hậu, nghệ nhân đàn tính, hát then cọi ở xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh (Phú Lương). Chị từng giành nhiều giải Nhất ở các cuộc thi văn nghệ quần chúng.
Chị Chu Hải Hậu: Tôi thấy bà con Khau Lai tâm huyết, nên mỗi lần được CLB mời sang bổ túc đàn, hát cho các thành viên, tôi đều tận tâm, hết mình. Hơn nữa, đó cũng là cách gìn giữ một nét đẹp văn hóa giàu bản sắc truyền thống của dân tộc mình.
Lời then cọi của các thành viên CLB đã nhuần nhuyễn hơn với giai điệu trên cây đàn tính. Lời hát, tiếng đàn ấy được thức dậy, mang sức sống mạnh mẽ và ngày càng lan tỏa, bay xa. Dù mới gây dựng lại phong trào đàn hát, nhưng lời ca được Unesco ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại đã và đang trao truyền cho lớp trẻ trên vùng đất Khau Lai. Giống như hương vị của đặc sản cốm nếp vải thơm mãi trên đồng làng xã Ôn Lương.