Cùng đồng bào vượt bão | Hà Nội tin mỗi chiều
Trong những thời điểm bão số 3 hoành hành, dù lo sợ trước sự tàn phá của thiên tai, thế nhưng trong khó khăn, người Việt Nam vẫn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau.
Ấm áp tình người trong cơn bão số 3
Đã rất nhiều năm rồi người dân Hà Nội mới chứng kiến một trận bão kinh hoàng như vậy. Cây cối gãy đổ, nhiều nơi bị mất điện, mất liên lạc tạm thời trong đêm 7/9.
Thế nhưng, trong thiên tai bão lũ, những câu chuyện cảm động về sự giúp đỡ giữa người với người được chia sẻ khiến ai cũng cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương tràn ngập.
Ngày 7/9 và 8/9, trong những khu vực bị bão đổ bộ, nhiều người dân dư chỗ ở đã mở cửa đón người đến trú tạm và hỗ trợ nhu yếu phẩm. Thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội, những nơi trú bão cho người vô gia cư hoặc người cần tránh bão khẩn cấp được chia sẻ rộng rãi, từ đó, tình nghĩa đồng bào được lan tỏa.
Chiều 7/9, trên diễn đàn ô tô, một thành viên đăng một danh sách tổng hợp các địa chỉ là căn hộ, nhà chung cư mini cùng số điện thoại để nhờ cộng đồng lan tỏa đến những người đang gặp khó khăn về chỗ ở khi bão đang cận kề Hà Nội.
Không chỉ dùng nhà riêng giúp đỡ người cần tránh siêu bão Yagi, vợ chồng chị Phương Anh ở số 47 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, còn sẵn sàng bỏ tiền thuê taxi cho mọi người đến trú tại nhà mình. Ngay khi quyết định giúp đỡ mọi người, vợ chồng Phương Anh đã xuống siêu thị mua lương thực, nhưng hàng hóa không còn nhiều. Hàng xóm biết chuyện đã gửi rất nhiều đồ ăn thức uống đến hỗ trợ.
Trong số 20 người đến nhà chị Phương Anh, có một người vô gia cư, còn lại phần lớn là các bạn sinh viên có nhà bị tốc mái, vỡ cửa kính, hoặc người lao động kẹt lại Hà Nội do nhà xa không thể về được. Một số khác vừa mới lên Hà Nội tìm việc và chưa có chỗ trọ ổn định. Bên ngoài bão dông, gió giật nhưng trong căn nhà này thật ấm áp, bình an bởi tình người.
Không chỉ là chỗ ở, tình người trong mưa bão còn được thể hiện trên những cung đường. Một trong những hình ảnh nổi bật và được chia sẻ nhiều nhất mấy ngày qua là cảnh tượng trên cầu Nhật Tân, Hà Nội.
Hàng loạt xe tải, ô tô đã đi chậm lại, thành hàng chắn gió để giúp các xe máy di chuyển an toàn qua cầu trong cơn bão. Khoảnh khắc này đã được người dân ghi lại và lan tỏa rộng rãi trên khắp các nền tảng xã hội, với vô số lời khen ngợi và tự hào từ cư dân mạng.
Hàng loạt xe tải, ô tô đã đi chậm lại, thành hàng chắn gió để giúp các xe máy di chuyển trên cầu Nhật Tân.
Tại Quảng Ninh, Hải Phòng, những nơi siêu bão đi qua, rất nhiều những câu chuyện tốt đẹp lan tỏa trên mạng xã hội, khiến nhiều người xúc động, như: xe ô tô nối đuôi nhau di chuyển với tốc độ chậm để che chắn gió bão cho người đi xe máy qua cầu, dừng xe cứu khách bộ hành đang lao đao trong mưa gió.
Sau cơn bão số 3, những chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Bắc Giang đã liều mình cứu dân giữa dòng lũ dữ.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, nhiều nơi thuộc huyện Sơn Động, Lục Ngạn bị chia cắt do nước lũ dâng cao sau khi cơn bão số 3 hoành hành. Tại vùng bị ngập sâu, thuyền, ca nô không đến được, cách cứu người dân khỏi vùng lũ là kết bè từ những thân cây chuối để đưa người, tài sản đến nơi an toàn.
Hình ảnh đầy cảm xúc về những người chiến sĩ quên mình cứu dân, vì dân phục vụ tại nơi lũ dữ chắc chắn sẽ đọng lại mãi trong ký ức người dân nơi đây.
Trong gian khó luôn ấm áp nghĩa đồng bào!
Những người lính hy sinh trong thời bình
Câu chuyện đặc biệt xúc động trong những ngày qua là về hai chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ phòng chống bão số 3.
Người đầu tiên là Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm, sinh năm 1997, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513, Quân khu 3, Bộ Quốc phòng.
Khoảng 8h ngày 7/9, Lữ đoàn Công binh 513 tổ chức xe ô tô chở cây về chằng chống lán nhà ở cho bộ đội tại thôn Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, đó là công trình chốt chiến dịch Bình Liêu 3.
Sau khi lấy xong cây chống, trên đường về, thấy đồng đội trượt chân, có nguy cơ bị cây đè gây nguy hiểm cho các đồng đội khác, Thượng úy Khiêm lao vào đỡ, bị cây đè lên người và ngã ra. Dù được đơn vị đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Liêu cấp cứu nhưng Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm bị thương nặng, đã ra đi.
Thông tin Thượng úy Khiêm hy sinh được chia sẻ khiến nhiều người bày tỏ lòng thương tiếc người chiến sĩ ra đi ở tuổi đời còn quá trẻ. Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm đã được truy thăng quân hàm lên Đại úy. Ban Thanh niên Quân đội đã có tờ trình đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đoàn truy tặng Huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" cho Đại úy Khiêm.
Cũng trong cơn bão Yagi, Thiếu tá Trần Quốc Hoàng (37 tuổi, quê tại thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên) là cán bộ Trại giam Quảng Ninh, đã hy sinh.
Khoảng 1h sáng ngày 8/9, Thiếu tá Trần Quốc Hoàng đã dũng cảm vượt mưa gió để ra mở cổng phía sau trại giam để tháo nước trong khu giam, đảm bảo an toàn cho đồng đội và các phạm nhân đang ở bên trong. Tuy nhiên, do nước quá lớn, chảy xiết nên sau khi mở cổng, Thiếu tá Hoàng bị lũ cuốn đi.
Trại giam Quảng Ninh đã phối hợp với lực lượng cứu hộ của Công an Quảng Ninh tổ chức tìm kiếm, đến 11h30 ngày 8/9, đã tìm thấy thi thể Thiếu tá Trần Quốc Hoàng bị lũ cuốn cách hiện trường khá xa.
Chiều 8/9, trời Quảng Ninh vẫn mưa nặng hạt do ảnh hưởng của bão, trong lòng cán bộ chiến sĩ Trại giam Quảng Ninh trĩu nặng nỗi đau mất đồng đội, nhưng họ phải nén đau thương, nỗ lực hết sức để việc đưa tiễn đồng đội của mình được chu đáo nhất, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn trại giam, an toàn cho các đối tượng bị giam giữ.
Sáng 9/9, Thượng tướng Lương Tam Quang đã truy thăng cấp bậc trước hạn cho Trung tá Trần Quốc Hoàng và hỗ trợ 100 triệu đồng cho gia đình cán bộ hy sinh tại Quảng Ninh.
Nơi nào mưa bão khốc liệt nhất, nơi đó luôn có mặt các chiến sĩ quân đội, công an lăn xả, bất chấp hiểm nguy tính mạng vì nhân dân. Sự hy sinh cao cả của những chiến sĩ khi làm nhiệm vụ phòng chống bão đã tô đẹp thêm hình ảnh người lính - những người chấp nhận hy sinh ngay cả trong thời bình.
12 giờ sinh tử tìm đường sống từ biển khơi để trở về
Trong vô vàn những thông tin về tổn thất, mất mát về người và tài sản do cơn bão số 3, có lẽ chúng ta đều thấy ấm lòng bởi câu chuyện về hành trình 12 giờ sinh tử tìm đường sống từ biển khơi để trở về của thuyền trưởng Lê Văn Tiến (50 tuổi, ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
Cùng với hai đồng nghiệp, ông Tiến, thuyền trưởng tàu VT09 của Công ty TNHH Việt Thuận đã mắc kẹt ngoài khơi Quảng Ninh sau cơn cuồng nộ của bão Yagi.
Ngày 7/9, tàu sà lan số hiệu VT09, trọng tải 1.000 tấn, trong khi neo đậu tại Cột số 8 Hồng Gai đã bất ngờ bị gió bão đánh đứt cáp neo, đẩy ra khơi xa.
Sáng sớm 8/9, bằng sự bản lĩnh trước bão dông cùng sự may mắn kỳ diệu, con thuyền đánh cá đã đưa nhóm ba thuyền viên của tàu VT09 về lại Cột 8 sau 12 giờ kinh hoàng trên biển.
Ông Tiến, mặt lấm lem, mắt thâm quầng, vội vã gọi cuộc điện thoại cho vợ báo tin mừng. Biển Hạ Long phía sau lưng họ, sau cơn dông tố, đã dần trở lại bình yên. Trên bãi cát trải dài, lũ trẻ vô tư đuổi nhau vui đùa như chưa từng có trận bão khủng khiếp quét qua.
Quảng Ninh vươn mình lên sau bão
4 người chết, 157 người bị thương, 2.083 nhà bị tốc mái; 6 phương tiện vận tải thủy, 1 tàu du lịch, 18 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 254 cột điện bị gãy đổ; 70% cây xanh tại các đô thị bị gãy đổ; có trên 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi; 336 ha lúa bị đổ, ngập úng. Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng... là những thống kê thiệt hại sơ bộ tại Quảng Ninh sau cơn cuồng nộ bão số 3.
Đây là địa phương bị cơn bão đổ bộ với sức gió mạnh nhất, gây nhiều thiệt hại nhất. Không để Quảng Ninh phải một mình chống chọi cơn bão, cả nước đã hướng về đất mỏ với tấm lòng sẻ chia.
Chiều ngày 8/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp có mặt tại địa phương để chia sẻ, động viên các đơn vị, tổ chức cùng toàn thể nhân dân và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau bão.
Vào tối 8/9, trên trang Fanpage Thông tin Chính phủ đã chia sẻ thông tin: “Quảng Ninh mong muốn được nhường phần hỗ trợ 100 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương cho tỉnh này khắc phục hậu quả thiên tai dành cho các địa phương khu vực miền núi phía Bắc. Tỉnh sẽ tự cân đối từ các nguồn lực dự trữ, dự phòng theo quy định chung”.
Ngay lập tức, thông tin này đã nhận được hàng chục nghìn lượt thích và bình luận thể hiện sự cảm kích xen lẫn tự hào về sự sẻ chia, tương thân tương ái của Quảng Ninh dành cho các tỉnh miền núi phía Bắc cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão và hoàn lưu bão số 3.
Quảng Ninh xin không nhận không phải vì đã hết khó khăn, song tỉnh hiện có thể tự lo, tự cân đối được và mong nhường cơm sẻ áo, chia sẻ với các vùng khó khăn hơn.
Tinh thần này rất đáng trân trọng và cần được khuyến khích, cho thấy ý thức của lãnh đạo tỉnh rằng vươn lên sau bão trước hết là việc của mình, thể hiện tinh thần quyết tâm và trách nhiệm cao của địa phương.
Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Cơn bão số 3 - một trong những thảm họa lớn nhất gần đây đã một lần nữa thử thách tinh thần và ý chí của người dân Việt Nam. Trong cơn bão, chúng ta đã thấy những chiếc ô tô bảo vệ xe máy, giúp đỡ người đi đường an toàn hơn; những khách sạn, căn hộ mở cửa miễn phí cho người cần nơi trú ẩn, những chiến sĩ sẵn sàng lao mình vào cơn lũ dữ để cứu đồng bào, bảo vệ đồng đội. Các hành động này không chỉ là hình ảnh đẹp, mà còn là biểu tượng của tình người ấm áp, sâu sắc trong lòng dân tộc Việt Nam”.
Những nghĩa cử này còn chứng minh sức mạnh của sự đoàn kết, khẳng định rằng người Việt Nam luôn sẵn lòng hỗ trợ và chia sẻ trong mọi hoàn cảnh, khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng và thêm niềm tin vào con người.
Những hành động cao đẹp này không chỉ là phản ứng trước thiên tai, mà còn nhắc nhở chúng ta về giá trị của tình người trong cuộc sống hàng ngày, giúp chúng ta luôn ghi nhớ về tầm quan trọng của sự đoàn kết và chung tay vượt qua mọi thử thách để cùng nhau xây dựng một đất nước giàu mạnh, phồn vinh và hạnh phúc trên nền tảng những giá trị cao đẹp của dân tộc.