Cùng đào tạo Trí tuệ nhân tạo nhưng mức học phí mỗi trường lại khác nhau

Học phí của những ngành/chuyên ngành về trí tuệ nhân tạo tại các trường đại học rất đa dạng tùy theo hệ đào tạo hay định hướng giảng dạy khác nhau.

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) là ngành tạo ra máy móc và hệ thống thông minh thông qua việc sử dụng mô hình máy tính, kỹ thuật và công nghệ liên quan, giúp thực hiện các công việc yêu cầu trí thông minh của con người.

Tại một số cơ sở giáo dục đại học, học phí các ngành đào tạo liên quan đến trí tuệ nhân tạo dao động từ 16-67 triệu đồng cho năm học 2024-2025.

 Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới. (Ảnh minh họa: Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội)

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới. (Ảnh minh họa: Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội)

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, học phí ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, thuộc hệ chương trình tiên tiến của Đại học Bách khoa Hà Nội khoảng 67.000.000 đồng.

Chương trình đào tạo ngành học này gồm các kiến thức cơ bản với định hướng khoa học dữ liệu như toán, xác suất - thống kê, trí tuệ nhân tạo, học máy, học sâu, khai phá dữ liệu, xử lý/biểu diễn dữ liệu lớn, blockchain, các kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành, cũng như các môn học liên quan đến kỹ năng đổi mới sáng tạo, và khởi nghiệp…

Ngay từ năm học thứ 2, sinh viên được làm nghiên cứu khoa học liên tục với giảng viên. Từ năm học thứ 3, sinh viên được thực tập tại doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển sinh 100 chỉ tiêu cho ngành học này bằng 3 phương thức: xét tuyển tài năng, xét tuyển dựa theo kết quả bài thi đánh giá tư duy năm 2023 và năm 2024; xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024.

Với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024, các tổ hợp môn nhà trường sử dụng là A00, A01, A02, D07.

 Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2024.

Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2024.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội (mã trường: QHI), ngành Trí tuệ nhân tạo có học phí năm học 2024-2025 là 32.000.000 đồng. Mức học phí có thể được điều chỉnh cho các năm học sau, nhưng không tăng quá 15% mỗi năm.

Dự kiến, ngành Trí tuệ nhân tạo của trường tuyển sinh 240 chỉ tiêu. Các phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển theo kết quả tổ hợp môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển (bao gồm cả dự bị đại học); Xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; Xét tuyển theo các chứng chỉ quốc tế.

Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, các tổ hợp nhà trường sử dụng để xét tuyển là A00, A01, D01.

Ngành Trí tuệ nhân tạo tại Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội được đào tạo trong 4 năm; sinh viên cần tích lũy 124 tín chỉ (chưa bao gồm các học phần Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng – an ninh). Trong nhóm các học phần tự chọn, sinh viên có thể lựa chọn định hướng Phương pháp trong trí tuệ nhân tạo hoặc Trí tuệ nhân tạo liên ngành.

 Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2024.

Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2024.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (mã trường: QSB), chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo ứng dụng, thuộc ngành Khoa học máy tính, nằm trong nhóm các chương trình tiêu chuẩn. Tổng mức học phí cho 4 năm học là 123.500.000 đồng.

Năm học 2024-2025, học phí của sinh viên chính quy chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo ứng dụng là 29.000.000 đồng. Các năm học sau, mức học phí tăng từ 1 đến 1,5 triệu đồng/năm so với năm học liền trước.

Nhà trường sử dụng 4 phương thức xét tuyển vào ngành học này, bao gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi, tài năng của trường trung học phổ thông năm 2024 theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Xét tuyển tổng hợp bao gồm các tiêu chí về học lực (kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kết quả quá trình học tập trung học phổ thông), năng lực khác, hoạt động xã hội.

Năm 2024, nhà trường dự kiến tuyển 240 chỉ tiêu cho ngành Khoa học máy tính.

 Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.

Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (mã trường: QSC) có đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo. Ngành này thuộc hệ đào tạo chính quy, có tổng học phí cho cả khóa là 156.600.000 đồng.

Năm học 2024-2025, mức học phí ngành Trí tuệ nhân tạo là 32.800.000 đồng. Trong các năm học sau, học phí được điều chỉnh tăng từ 3,2 đến 4,8 triệu đồng/năm học so với năm học liền trước.

Với ngành Trí tuệ nhân tạo, nhà trường áp dụng 7 phương thức xét tuyển là: Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo; Xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án và các phương thức khác; Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do cơ sở đào tạo tự tổ chức để xét tuyển; Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; Sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Kết hợp kết quả học tập trung học phổ thông với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển.

Năm nay, nhà trường dự kiến tuyển sinh 40 chỉ tiêu cho ngành học này. Với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024, trường sử dụng các tổ hợp A00, A01, D01, D07 để xét tuyển.

Ngành Trí tuệ nhân tạo tại Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được đào tạo trong 3,5 năm; sinh viên cần tích lũy tối thiểu 128 tín chỉ. Trong đó, sinh viên cần học tối thiểu 8 tín chỉ các môn tự chọn theo một trong các định hướng: Trí tuệ nhân tạo – Máy học; Xử lý ngôn ngữ tự nhiên; Thị giác máy tính và Tính toán đa phương tiện.

 Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.

Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.

Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (mã trường: QST) cũng đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, tổng học phí ngành Trí tuệ nhân tạo trong 4 năm học cho khóa tuyển 2024 là 152.500.000 đồng. Trong đó, năm học 2024-2025, học phí cho sinh viên chính quy ngành này là 31.000.000 đồng.

Theo chương trình đào tạo nhà trường công bố, sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo cần tích lũy 138 tín chỉ trong thời gian đào tạo 4 năm. Năm nay, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tuyển sinh 50 chỉ tiêu cho ngành học này

5 phương thức tuyển sinh nhà trường sử dụng bao gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi quốc tế (dành cho thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình nước ngoài); Ưu tiên xét tuyển hoặc ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

 Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.

Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng (mã trường: VKU), chương trình đào tạo kỹ sư Trí tuệ nhân tạo có mức học phí 16.400.000 đồng cho năm học 2024-2025

Năm nay, nhà trường dự kiến tuyển 60 sinh viên cho ngành học này bằng 5 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; Xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo; Xét kết quả học tập cấp trung học phổ thông; Xét kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, nhà trường sử dụng các tổ hợp A00, A01, D01, D07 để xét tuyển.

Tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (mã trường: SPK), theo Đề án tuyển sinh năm 2024, ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo có mức học phí năm học 2024-2025 là 16.000.000 đồng.

Các phương thức tuyển sinh nhà trường sử dụng là: Tuyển thẳng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; Ưu tiên xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; Xét tuyển bằng điểm học bạ trung học phổ thông đối với sinh viên tốt nghiệp trung học phổ thông trong 3 năm 2022, 2023 và 2024; Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024; Xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo chương trình đào tạo nhà trường công bố, ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo được đào tạo trong 4 năm. Khối lượng kiến thức toàn khóa là 150 tín chỉ (chưa bao gồm khối kiến thức Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng - an ninh và các môn học ngoại khóa). Năm nay, nhà trường tuyển sinh 79 chỉ tiêu cho ngành học này.

 Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.

Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (mã trường: IUH) có đào tạo chuyên ngành IOT và Trí tuệ nhân tạo ứng dụng, thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông.

Đây là ngành học nằm trong khối công nghệ kỹ thuật, có mức học phí là 33.500.000 đồng cho năm học 2024-2025. Trong các năm học sau, học phí được điều chỉnh tăng không quá 10%

Nhà trường sử dụng 4 phương thức xét tuyển vào ngành học này, bao gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; Xét kết quả học tập bậc trung học phổ thông; Sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Ưu tiên xét tuyển theo đề án tuyển sinh;

Dự kiến, ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, trong đó có chuyên ngành IOT và Trí tuệ nhân tạo ứng dụng, sẽ tuyển sinh 284 chỉ tiêu.

 Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.

Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (mã trường: DCN) cũng đào tạo cử nhân ngành Robot và Trí tuệ nhân. Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, học phí bình quân các ngành/chương trình đào tạo tuyển sinh trong năm học 2024-2025 là 24.600.000 đồng. Học phí các năm học tiếp theo tăng bình quân không quá 10% /năm học.

Sinh viên theo học ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội được đào tạo trong 4 năm, phải tích lũy đủ 141 tín chỉ.

Năm nay, nhà trường tuyển sinh 60 chỉ tiêu cho ngành này bằng 4 phương thức: Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; Xét kết quả học tập trung học phổ thông theo điểm trung bình 3 học kỳ; Xét kết quả học tập trung học phổ thông theo tổ hợp 3 môn lớp 12; Xét kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Phenikaa (mã trường PKA) đào tạo ngành Kỹ thuật Robot và Trí tuệ nhân tạo với mức học phí cho năm học 2024-2025 là 33.600.000 đồng.

Nhà trường sử dụng 4 phương thức tuyển sinh bao gồm: xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học Phenikaa; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; xét tuyển dựa vào học bạ bậc trung học phổ thông; xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, nhà trường sử dụng các tổ hợp A00, A01, C01, D07 để xét tuyển.

 Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh Trường Đại học Phenikaa năm 2024.

Ảnh chụp từ Đề án tuyển sinh Trường Đại học Phenikaa năm 2024.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường dự kiến tuyển sinh 11.296 chỉ tiêu cho 55 ngành học. Trong đó, chuyên ngành Kỹ thuật Robot và Trí tuệ nhân tạo dự kiến tuyển sinh 79 chỉ tiêu.

Minh Quân

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/cung-dao-tao-tri-tue-nhan-tao-nhung-muc-hoc-phi-moi-truong-lai-khac-nhau-post244636.gd
Zalo