Củng cố thế trận lòng dân trước âm mưu lũng đoạn an ninh năng lượng (Bài 1)

An ninh năng lượng chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống an ninh quốc gia. Chính vì vậy, suốt những thập niên qua, ngành điện được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, từ đó có những đóng góp quan trọng, to lớn và ý nghĩa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với âm mưu muốn cản trở, làm lũng đoạn ngành kinh tế trọng điểm này ở Việt Nam, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền đả kích nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cổ xúy tư nhân hóa ngành điện, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước trên lĩnh vực này. Các đối tượng này lợi dụng sự hiểu biết chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chưa đúng đắn của một bộ phận người dân, cộng với tâm lý lo lắng khi chi phí sinh hoạt tăng lên, từ đó kích động, gây chia rẽ niềm tin của nhân dân với ngành điện nói riêng và với Đảng, Nhà nước nói chung.

Những chiến dịch “truyền thông bẩn” xuất hiện thường xuyên và đặc biệt rầm rộ vào cuối năm 2023, đầu năm 2024 và mới đây nhất là vào tháng 10-2024 - khi ngành điện tăng giá bán điện.

Bài 1: Chiêu trò bôi nhọ ngành điện, gây “lũng đoạn” lòng dân

“Giá điện tăng”, “ung nhọt EVN”, “lối kinh doanh bá đạo”, “độc quyền”, “đứa con ngỗ nghịch, Đảng nuông chiều”, “túi tham”, “trấn lột cả nước”… là những ngôn từ mang “vecter” xấu độc và cực kỳ nguy hiểm mà các thế lực thù địch thường xuyên tung trên các trang mạng xã hội khi nói về ngành điện.

Người dân cần tỉnh táo tiếp cận thông tin chính thống và thông tin xấu độc. Minh họa: Đỗ Quyên

Người dân cần tỉnh táo tiếp cận thông tin chính thống và thông tin xấu độc. Minh họa: Đỗ Quyên

Công thức truyền thông quen thuộc của các thế lực thù địch là: tô đậm những khuyết điểm, khoét sâu những cách biệt, tích cực xuyên tạc, vu cáo và kích động… Khi tiếp xúc nhiều luồng thông tin bẩn, một bộ phận người dân không nắm thông tin đầy đủ dễ bị thao túng tâm lý, từ lo lắng thông thường khi phải chi tiêu nhiều hơn trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, đến bức xúc, thậm chí suy giảm niềm tin, ác cảm đối với chủ trương của ngành điện nói riêng và chính sách của Nhà nước nói chung.

Chia rẽ mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với ngành điện và với Đảng, Nhà nước

Để thực hiện âm mưu chia rẽ, phá hoại mối quan hệ mật thiết của nhân dân với ngành điện, các thế lực thù địch tạo dư luận xã hội thông qua mỗi lần ngành điện có chủ trương tăng giá, cũng như công bố thông tin tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành và xem đó là tiêu điểm để thông tin chống phá.

Những tháng đầu năm 2024, trang t. đăng tải các video clip: “EVN là túi tham không đáy, cho 2 lần tăng giá điện vẫn báo lỗ 38 ngàn tỷ”; “Lối kinh doanh bá đạo của EVN: lời thì quan ăn, lỗ thì dân chịu”; “Bộ Công thương dùng nồi EVN biến dân thành “ếch luộc”…

Hay mới đây, ngày 13-10-2024, trang b. đăng tải thông tin tăng giá điện, thay vì tập trung tìm hiểu nguyên nhân, bối cảnh và tình hình thực tiễn…, thì trang tin này lại nhấn mạnh vào “vấn đề liên tiếp “lỗ” khủng của EVN”. Bình luận dưới bài đăng này là nhiều ý kiến bức xúc.

Cũng trong ngày này, trang U. đăng dòng trạng thái trên Facebook: “Giá điện tăng: ai là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất?”.

Các thế lực thù địch thông tin xuyên tạc về chủ trương tăng giá điện. Ảnh cắt từ màn hình

Các thế lực thù địch thông tin xuyên tạc về chủ trương tăng giá điện. Ảnh cắt từ màn hình

Mẫu số chung của các thông tin này là xuyên tạc chủ trương tăng giá điện của Nhà nước, đưa các luận điệu không có căn cứ về tình hình kinh doanh của ngành điện. Một mặt các thế lực thù địch vu khống “Đảng cố chấp bảo kê cho doanh nghiệp nhà nước”; muốn Đảng và Nhà nước “thả nổi” ngành kinh tế quan trọng này, một mặt chúng vẽ ra viễn cảnh tốt đẹp hơn nếu ngành kinh tế nền tảng này không theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguy hiểm hơn, mục tiêu chúng hướng đến là lái dư luận hướng đến mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ.

Ngoài ra, các đối tượng thù địch còn triệt để lợi dụng những hạn chế, thiếu sót trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của ngành, lợi dụng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, một số cá nhân trong ngành điện vi phạm pháp luật… để quy chụp một vài hiện tượng đơn lẻ thành bản chất của ngành; từ đó tích cực thổi phồng, tô đậm khuyết điểm.

Cũng nhằm thực hiện mục tiêu bôi nhọ cán bộ, đả phá công tác cán bộ của ngành, của Nhà nước, các đối tượng thù địch liên tục thông tin xuyên tạc về đời tư, thân thế, cách thức điều hành, quản lý của cán bộ trong ngành.

Trong khi những thông tin về ý nghĩa, mục đích, thực trạng và mức độ ảnh hưởng việc tăng giá điện đa phần người dân ít chủ động tiếp cận thì những thông tin xấu, độc liên quan đến vấn đề trên xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Mỗi clip, dòng thông tin xấu độc có nhiều người xem, bình luận tiêu cực.

Thủ đoạn mong muốn Nhà nước mất dần vai trò điều hành an ninh năng lượng

Thực tế, những chiêu trò “truyền thông bẩn” của các thế lực thù địch không thể làm ảnh hưởng đến thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta, cũng không thể thay đổi những chính sách của Nhà nước trong đảm bảo điện năng quốc gia, nhưng những tác động này cực kỳ nguy hiểm về mặt tư tưởng và nhận thức của một bộ phận người dân.

Thứ nhất, trên lĩnh vực kinh tế và an ninh năng lượng, qua các chiêu trò chống phá, có thể thấy, các thế lực thù địch đang tích cực truyền bá vào tư tưởng người dân mong muốn thu hẹp và làm suy yếu thành phần kinh tế Nhà nước, tiến tới thành lập nền kinh tế tư bản dưới sự điều khiển của chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam.

Đối với ngành điện nói riêng, cũng như các doanh nghiệp nhà nước nói chung, các thế lực thù địch mong muốn thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế theo hướng tư bản chủ nghĩa, làm cho ngành điện và các ngành khác phải lệ thuộc dần vào doanh nghiệp tư bản, Nhà nước mất dần vai trò kiểm soát, điều hành an ninh năng lượng quốc gia. Từ đó, gây lũng đoạn kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống và thu nhập người dân cũng ảnh hưởng khôn lường.

Thứ hai, trên lĩnh vực tư tưởng, tất cả các chiêu trò chống phá trên nhằm lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực, với mong muốn làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân mất phương hướng về tư tưởng chính trị để chúng dễ dàng thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Theo đó, người dân nếu không hiểu biết đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về chủ trương của Đảng, chính sách, quy định Nhà nước, trước những thông tin thực - giả đan xen, cộng với tâm lý có thể chi tiêu nhiều hơn, sẽ dễ bị hoang mang, dao động về tư tưởng, hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng, về chế độ.

Ngọc Tuấn - Lâm Viên

Bài 2: Đưa thông tin chính thống đến người dân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202410/cung-co-the-tran-long-dan-truoc-am-muu-lung-doan-an-ninh-nang-luong-bai-1-97278cd/
Zalo