Củng cố, bảo vệ chuỗi liên kết mía đường

Sau niên vụ 2023 - 2024 hồi sinh và tăng trưởng đáng kể, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Văn Lộc cho biết, ngành mía đường sẽ đối diện nhiều thách thức trong niên vụ tới; bên cạnh vấn nạn đường nhập lậu thì giá đường thế giới và trong nước đang có xu hướng giảm, như vậy, các nhà máy rất khó giữ giá mua mía tốt như hiện tại. Để thích ứng, cần tập trung củng cố, phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường.

Vị ngọt của đường vẫn chưa tròn vị

- Kể từ khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại vào năm 2021, ngành đường đã ghi nhận sự hồi sinh và tăng trưởng đáng kể trong niên vụ 2023 - 2024; cụ thể sự hồi sinh này như thế nào, thưa ông?

- Ngành đường đã hoàn thành vụ ép mía 2023 - 2024 trong tháng 6 vừa qua với sản lượng 11,2 triệu tấn mía và sản xuất được 1,1 triệu tấn đường các loại. So với hai niên vụ trước (2020 - 2021 và 2022 - 3023), sản lượng mía ép lần lượt tăng 66% và 17,9% và sản lượng đường lần lượt tăng 61 và 18,4%. Giá mua mía cũng tăng trong 5 vụ liên tiếp, hiện đạt 1,2 - 1,3 triệu đồng/tấn mía, cao hơn giá mua mía của Thái Lan khoảng 35% và tăng 152% so với niên vụ 2019 - 2020.

Cũng trong niên vụ 2023 - 2024, Việt Nam đạt mốc năng suất 6,79 tấn đường/ha, đưa Việt Nam lên vị trí số 1 về năng suất trong khu vực ASEAN.

Như vậy, trong niên vụ này, ngành đã cho thấy năng lực cạnh tranh thực sự khi tiếp tục thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương hoặc cao hơn với các nước trong khu vực trong khi vẫn giữ giá đường ở mức thấp nhất. Cụ thể, so với giá đường của Việt Nam thì giá đường của Philippines là 193%, Indonesia là 106% và Trung Quốc là 107%.

- Về cách thách thức của ngành thì sao, thưa ông?

- Tuy có sự hồi sinh nhưng cũng có nhiều thách thức khiến vị ngọt của đường vẫn chưa tròn vị, trong đó, lớn nhất là vấn đề gian lận thương mại. Bản chất đường nhập lậu chính là đường phá giá có nguồn gốc từ Thái Lan qua Campuchia và Lào rồi đưa về Việt Nam. Hiện tượng này xảy ra nhiều năm nay nhưng chưa được ngăn chặn.

Vì vậy, trước khi ngành đường thực thi cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (thuế nhập khẩu ở mức 5%), Việt Nam có 41 nhà máy đường nhưng đến niên vụ sản xuất 2021 - 2022 chỉ còn 25 nhà máy hoạt động, 16 nhà máy buộc phải đóng cửa. Điều đáng nói, hơn 100.000 gia đình trồng mía phải chuyển sang cây trồng khác.

Giai đoạn 2020 - 2022, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và khu vực biên giới bị kiểm soát chặt chẽ nên đường nhập lậu giảm bớt. Nhưng sau đó, đường nhập lậu đã tăng mạnh trở lại vào năm 2023 và đầu năm 2024 và tác động mạnh đến chuỗi liên kết sản xuất mía đường. Kể từ khi kết thúc vụ ép 2023 - 2024 đến nay, hầu như các nhà máy không thể bán được bởi đường nhập khẩu thống trị.

Ngoài ra, ngành đường đang phải đối phó với vấn nạn đường lỏng siro ngô HFCS. Trong 3 năm gần đây, tốc độ gia tăng đường lỏng nhập khẩu là 226%. Riêng năm 2023, lượng đường lỏng siro ngô HFCS đã lấy mất thị phần tương đương 300.000 tấn đường trong ngành nước giải khát, dẫn đến hệ quả thu hẹp thị phần đường trong ngành nước giải khát vụ 2023 - 2024 xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Không để giá đường vượt các quốc gia lân cận

- Trên nền tảng này, theo ông niên vụ 2024 - 2025 sẽ diễn biến như thế nào?

- Niên vụ 2024 - 2025 dự báo có nhiều thách thức khi ngoài những thách thức nêu trên, ngành phải đối phó với hiện tượng La Nina, giá vật tư nông nghiệp tăng. Dự kiến niên vụ tới sẽ còn 25 nhà máy đường hoạt động, với tổng công suất thiết kế là 124.000 tấn mía/ngày. So với niên vụ trước thì diện tích mía thu hoạch dự kiến tăng 7%, sản lượng mía chế biến tăng 5%, sản lượng đường tăng 5%.

Về xu hướng giá cả, giá đường trong nước sẽ lệ thuộc vào thị trường thế giới. Giá đường thế giới lệ thuộc nhiều vào các nước lớn, trong đó có Thái Lan, trong khi đường nhập lậu vào Việt Nam có mối quan hệ mật thiết với đường Thái Lan. Hiện, xu hướng giá đường thế giới và trong nước đang giảm, nếu giá giảm thì các nhà máy rất khó giữ giá mía tốt như hiện tại.

- Trước những vấn đề tồn đọng, để xây dựng chuỗi mía đường đủ sức cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu, giải pháp là gì thưa ông?

- Trong niên vụ tới, bản thân ngành cần tập trung củng cố phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường. Tham gia bình ổn thị trường đường là yếu tố quan trọng bảo đảm đầu ra của chuỗi liên kết sản xuất mía - đường trên nguyên tắc bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước, hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ổn định giá đường ở mức hài hòa, hợp lý với người tiêu dùng và không để giá đường vượt quá mức giá của các quốc gia lân cận. Theo dõi, kiểm soát và đối phó với hiện tượng phá giá đường hoặc hành vi ghìm hàng tăng giá khiến giá đường bị đẩy cao bất thường.

Cùng với đó, tiếp tục phòng, chống các hành vi gian lận thương mại đường; thiết lập hệ thống theo dõi thu thập các thông tin về diễn biến thị trường và các hoạt động gian lận thương mại để kịp thời cung cấp cho các cơ quan nhà nước. Triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc để giúp ngăn chặn hành vi gian lận thương mại.

Đồng thời, tập trung ổn định vùng nguyên liệu mía trong điều kiện biến đổi khí hậu. Theo đó, vận hành và tiết kiệm tốt nguồn nước, áp dụng các giải pháp công nghệ và kỹ thuật để sử dụng tối ưu nguồn nước cho cây mía. Tùy hoàn cảnh của mỗi nhà máy và các địa phương, vận dụng các nguồn hợp pháp để hình thành quỹ bảo hiểm phòng chống rủi ro biến đổi khí hậu cho người nông dân trồng mía, giúp người nông dân an tâm canh tác và phát triển cây mía.

Cuối cùng là triển khai chương trình tuyển chọn giống mía nhằm mục tiêu tối ưu hóa cơ cấu bộ giống mía, tạo ra bước đột phá trong việc tăng năng suất và chất lượng mía.

Trong việc thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, hợp lý và tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật, chúng tôi rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan nhà nước!

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Nhung thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cung-co-bao-ve-chuoi-lien-ket-mia-duong-post391775.html
Zalo