Cụm tin: Mưa lớn gây ngập úng cục bộ tại Diễn Châu, Nghệ An
Mưa lớn gây ngập úng cục bộ tại Diễn Châu, Nghệ An; Hà Tĩnh: Nước sông dâng cao, nhiều vùng khẩn trương ứng phó lũ lụt; Quảng Bình: Mưa lớn gây ngập sâu các huyện miền núi; Quảng Nam di dời 11 hộ dân vì vết nứt;... là những tin tức nổi bật có trong cụm tin 20/9.
MƯA LỚN GÂY NGẬP ÚNG CỤC BỘ TẠI DIỄN CHÂU, NGHỆ AN
Tại khu vực Đồng Tháng Năm, xóm Quyết Thành, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, hàng trăm mét của tuyến đường huyết mạch ra khu vực dân cư này đã bị ngập lụt khiến tình hình giao thông, đi lại của người dân hết sức khó khăn.
Là 1 trong 5 huyện, thành phố được cơ quan chức năng cảnh báo có nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại các vùng trũng thấp, khu đô thị, ven sông suối, huyện Diễn Châu có 13 xã có nguy cơ ngập lụt với độ sâu ngập lụt lớn nhất từ 0,1 - 0,5m. Nhiều ngày qua, các cống trên hệ thống hơn 20km đê biển, hơn 25km đê cửa sông đã được vận hành mở cửa xả để tiêu úng cho các địa bàn. Đặc biệt, tranh thủ mực nước triều cường thấp hơn mực nước trong đê, cống Diễn Thành tại cầu Đập Tràn là một trong 2 cống xả lớn nhất của huyện Diễn Châu đã thường xuyên mở cửa xả để tiêu úng, chống ngập cho 15.000 héc-ta vùng trũng của 2 huyện Yên Thành và Diễn Châu.
HÀ TĨNH: NƯỚC SÔNG DÂNG CAO, NHIỀU VÙNG KHẨN TRƯƠNG ỨNG PHÓ LŨ LỤT
Còn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, mưa lũ đã gây ngập cầu tràn Giang Phố sâu hơn 2m, giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Tại huyện Hương Khê cầu tràn bắc qua sông Ngàn Sâu cũng bị ngập, gây cô lập 46 hộ với 156 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre. Ngoài ra, mưa lũ đã gây ngập nhiều tuyến đường, cầu cống và các công trình hạ tầng.
Trong buổi sáng 20/9, toàn tỉnh có gần 28.000 học sinh tại 34 trường học phải tạm thời nghỉ học vì mưa lũ. Công tác ứng phó với mưa lũ đang được tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương thực hiện, nhằm giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.
QUẢNG BÌNH: MƯA LỚN GÂY NGẬP SÂU CÁC HUYỆN MIỀN NÚI
Tỉnh Quảng Bình, mưa lớn từ đêm 19/9 và rạng sáng 20/9 đã khiến nước trên sông Gianh dâng cao, gây ngập và chia cắt nhiều khu vực. Riêng tại 2 huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa, hàng trăm nhà dân bị ngập sâu. Đêm 19/9, tuyến biên giới các xã Dân Hóa, Trọng Hóa, Thượng Hóa, Hóa Sơn, (huyện Minh Hóa), Thanh Hóa huyện Tuyên Hóa có khoảng 10 bản đã bị chia cắt, nước tràn vào nhà dân. Một số đoạn đường ngập sâu, giao thông gián đoạn. Sáng 20/9, các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy và TP.Đồng Hới đã sơ tán gần 900 hộ, với hơn 3.000 người ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.
Tại vùng “rốn lũ” Tân Hóa (huyện Minh Hóa), hơn 420 nhà dân bị ngập sâu từ 0,5-2m. Địa phương đã đưa người dân di chuyển đồ đạc đến nhà phao để tránh lũ. Lương thực thực phẩm cũng được dự trữ cho khoảng 5 ngày.
QUẢNG NAM DI DỜI 11 HỘ DÂN VÌ VẾT NỨT LỚN
Tại tỉnh Quảng Nam, lực lượng chức năng huyện miền núi Nam Giang vừa phát hiện vết nứt sâu nhiều mét, chiều dài hơn 120m trên ngọn đồi phía sau khu dân cư. Lực lượng chức năng của địa phương phối hợp với Đồn Biên phòng Đắc Pring, huyện Nam Giang sơ tán khẩn cấp 11 hộ với 41 nhân khẩu của thôn 56B ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chính quyền địa phương cử lực lượng thường xuyên kiểm tra, rà soát diễn biến của thiên tai, sẵn sàng sơ tán người dân khi cần thiết. Địa phương đã vận động người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đủ dùng trong 10 ngày, đề phòng bị cô lập.