Cúm gia cầm không thể bị lãng quên

Virus cúm gia cầm H5N1 đã lây lan sang các loài có nguy cơ tuyệt chủng ở Nam Cực, nhưng rủi ro của nó đối với đa dạng sinh học, nông nghiệp và sức khỏe con người vẫn chưa được khám phá nhiều.

Các kiểm lâm của National Trust dọn xác chim trên đảo Staple, Northumberland, Vương quốc Anh. Ảnh. Nguồn: Guardian.

Các kiểm lâm của National Trust dọn xác chim trên đảo Staple, Northumberland, Vương quốc Anh. Ảnh. Nguồn: Guardian.

Tàn phá đa dạng sinh học

Với ít nhất 280 triệu con chim đã chết kể từ tháng 10/2021, chủng cúm gia cầm H5N1 có khả năng lây nhiễm cao đã tàn phá gia cầm và gây ra sự sụt giảm đột ngột lớn nhất về quần thể chim hoang dã trên thế giới trong nhiều thập kỷ. Hàng triệu con chim hoang dã bị giết, trong đó có hàng chục nghìn loài có nguy cơ tuyệt chủng. Động vật có vú cũng không thoát khỏi loại virus này.

Dữ liệu mới được công bố trên Nature Communications, ghi nhận sự lây lan của căn bệnh này ở cực Nam của Trái đất - nơi nó đã gây ra cái chết hàng loạt ở hải cẩu voi và hải cẩu lông. Đợt bùng phát này đã ảnh hưởng đến mọi châu lục ngoại trừ châu Đại Dương, nhưng lại có rất ít thông tin về tác động đối với đa dạng sinh học và hệ thống nông nghiệp toàn cầu, hoặc về những rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe con người.

Theo GS Ashley Banyard, nhà virus học tại phòng thí nghiệm của Cơ quan Sức khỏe động vật và thực vật Anh (APHA) và là tác giả chính của nghiên cứu, các chuyên gia đang chạy đua để tìm hiểu thêm về căn bệnh này và tìm hiểu nơi tiếp theo nó có thể đi đến. “Tôi gần như không thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra và xảy ra ở đâu” - ông Banyard nói.

Biến thể cúm gia cầm xuất hiện từ hơn 25 năm trước. Virus H5N1 có độc lực cao lần đầu tiên được báo cáo ở Trung Quốc vào năm 1996, khi nó được tìm thấy tại một trang trại ngỗng. “Lịch sử của chủng cúm gia cầm 2.3.4.4b có từ trước khi chúng ta nhận thấy những vụ chim hoang dã chết hàng loạt hiện nay. Nhưng có vẻ như đã có điều gì đó xảy ra vào năm 2021” - TS Connor Bamford - Đại học Queen's Belfast nói và cho biết, đó là thời điểm chủng này trở thành loại virus cúm gia cầm thống trị trên toàn cầu và hiện có khả năng gây bệnh cao, dễ lây lan.

Dựa trên dữ liệu từ hệ thống thông tin sức khỏe động vật thế giới, cúm gia cầm đã gây ra sự mất mát lớn và đột ngột về số lượng chim trong nhiều thập kỷ, khi một số loài chim biển sống lâu có khả năng mất vài năm để phục hồi. Nó đã dẫn đến cái chết và thảm sát hàng loạt của hơn 280 triệu con gia cầm kể từ tháng 10/2021. Không có con số tổng thể về số lượng chim hoang dã chết, nhưng ước tính hàng triệu con.

Hiện Australia và New Zealand là những nơi duy nhất vẫn chưa có ổ dịch ở các loài chim hoang dã. Vào tháng 11/2021, trường hợp đầu tiên ở Bắc Mỹ được ghi nhận tại Newfoundland, Canada. Đến giữa năm 2022, hơn 230 ổ dịch đã được ghi nhận ở động vật hoang dã và nó đã lây lan khắp Canada và Mỹ.

Vào tháng 10/2022, dịch bệnh đã đến Nam Mỹ. Nó lan rộng khắp lục địa (6.000km) trong vòng chưa đầy 6 tháng, đến Tierra del Fuego vào tháng 4/2023. Tổng cộng có hơn 500.000 con chim hoang dã đã chết ở Nam Mỹ.

Vào tháng 10/2023, cúm gia cầm đã đến đảo Nam Georgia cận Nam Cực. Nó đã giết chết khoảng 10 loài động vật ở Nam Cực, bao gồm hải cẩu lông, hải cẩu voi và chim cánh cụt gentoo.

Vào tháng 3 năm nay, cúm gia cầm bắt đầu lây lan trong đàn gia súc ở Mỹ. Đây là lần đầu tiên phát hiện virus cúm gia cầm ở bò, với hơn 100 đàn bị ảnh hưởng và có thể còn nhiều đàn khác chưa được báo cáo. Mèo và chuột trong chuồng cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với H5N1 nên chúng có thể lây lan virus ra môi trường rộng hơn ngoài trang trại.

Rủi ro đối với con người?

Theo báo cáo gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), khi virus tiến hóa, nó có thể trở thành mối đe dọa lớn hơn đối với con người. Đã có 9 trường hợp mắc H5N1 ở người tại Mỹ. Các quan chức cho biết, dự kiến sẽ có nhiều người mắc bệnh hơn. Theo TS Nirav Shah - Phó Giám đốc CDC, càng có nhiều ca nhiễm ở bò thì nguy cơ lây nhiễm ở người càng cao.

TS Shah cũng cho biết, nguy cơ cúm gia cầm lây lan sang người là mối lo ngại lớn. Cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy H5N1 lây lan giữa người với người. Nhưng trong hàng trăm trường hợp người bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với động vật trong 20 năm qua, tỷ lệ tử vong là trên 50%.

Vào tháng 10/2023, cúm gia cầm đã xuất hiện ở khu vực Nam Cực. Các nhà nghiên cứu trên thực địa đã đếm được hàng trăm xác hải cẩu chết ở Nam Georgia. Nhưng đây là một khu vực rộng lớn với ít người trên thực địa.

Theo ông Norman Ratcliffe - nhà sinh thái học về chim tại Viện Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS), nhìn chung, virus tiến hóa mà không giết chết vật chủ của chúng, chúng có xu hướng trở nên ít nguy hiểm hơn và dễ lây truyền hơn theo thời gian. Virus cũng đã di chuyển khắp thế giới, vì vậy nó không còn nhiều lãnh thổ mới để bao phủ, ngoại trừ châu Đại Dương.

Còn theo TS Connor Bamford, có thể có thêm nhiều bất ngờ nữa bởi không gian lớn hơn cho loại virus này vẫn là quần thể con người.

Theo TS Connor Bamford, dự đoán tương lai của virus cúm gia cầm độc lực cao là một trong những thách thức lớn nhất mà lĩnh vực này phải đối mặt. Có khả năng mùa này sẽ ít bị ảnh hưởng hơn do sự tích tụ khả năng miễn dịch ở những loài chim hoang dã đã bị nhiễm bệnh và sống sót trong những mùa trước. Tuy nhiên, việc có thêm các đợt bùng phát mới là có thể xảy ra.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cum-gia-cam-khong-the-bi-lang-quen-10290614.html
Zalo