Cúm A vẫn tiếp tục gia tăng, nhiều người biến chứng nặng
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, tháng 1/2025, trung bình một tuần bệnh viện tiếp nhận 1.200 ca mắc cúm, tăng 4 lần so với tháng 12/2024. Trong đó, khoảng 10-15% nhập viện đều là các ca nặng.
Cúm tấn công người già, trẻ nhỏ
Tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội, số ca mắc cúm được ghi nhận tiếp tục gia tăng, nhiều ca biến chứng viêm phổi, viêm não, suy hô hấp...
Bệnh nhân nặng chủ yếu là trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai... Vào viện trong tình trạng sốt cao đột ngột 39 -39,5 độ, kèm theo mệt mỏi, ho khạc đờm, đau ngực và khó thở, cụ ông 83 tuổi (Hà Nội) được xét nghiệm dương tính với cúm A. Cụ có bệnh nền tiểu đường, huyết áp, nên có chỉ định nhập viện vào Khoa Bệnh lây đường hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Mặc dù đã được điều trị thuốc kháng virus, kháng sinh chống bội nhiễm và kiểm soát bệnh lý nền, tuy nhiên tình trạng người bệnh tiến triển nặng dần, viêm phổi và suy hô hấp tiến triển phải hỗ trợ thở oxy tăng dần sau đó được đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển khoa Hồi sức truyền nhiễm điều trị hồi sức tích cực.
![Người già mắc cúm phải thở máy điều trị ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_5_51459722/17a4998eaec0479e1ed1.jpg)
Người già mắc cúm phải thở máy điều trị ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Theo các bác sĩ Khoa Bệnh lây đường hô hấp, tại đây đã tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân cúm A nặng, trong đó đa số là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền kết hợp và một số trường hợp là phụ nữ mang thai.
Còn tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm, thời gian qua, tại đây đã điều trị cho 3.000 người mắc cúm, tăng đột biến so với mọi năm. Hầu hết các ca nhập viện điều trị đều là bệnh nhân cúm nặng có bệnh nền, ở các khoa khác chuyển sang hoặc từ tuyến dưới chuyển lên.
Ngoài người lớn, cúm A cũng tấn công trẻ nhỏ làm nhiều cháu bé khi mắc bệnh đã bị biến chứng viêm phổi.
Theo TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong tháng 11/2024, trung bình bệnh viện chỉ tiếp nhận 100-120 ca cúm/tuần, nhưng đến tháng 12/2024 đã tăng gấp 4 lần so với tháng 11 và đến tháng 1/2025, lại tăng 4 lần so với tháng 12/2024 với trung bình 1.200 ca/tuần. Trong đó, khoảng 10-15% nhập viện đều là các ca nặng.
![Trẻ em mắc cúm dễ bị viêm phổi.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_5_51459722/e9b6659c52d2bb8ce2c3.jpg)
Trẻ em mắc cúm dễ bị viêm phổi.
Sốt cao 40 độ, cháu N.T.L đột ngột co giật, mất ý thức, da tím tái, người nhà lập tức đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ đã cắt co giật và hạ sốt đường tĩnh mạch cho cháu bé. Xét nghiệm cho kết quả cháu bị viêm phế quản phổi do cúm A.
Sốt cao co giật có thể là một biến chứng nguy hiểm của cúm A, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Nếu không được xử lý kịp thời, cơn co giật có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng là tổn thương não, sặc hoặc ngạt thở, nguy cơ suy hô hấp.
Cháu Đ.B.A (7 tháng tuổi, trú tại huyện Tam Nông, Phú Thọ), sau 4 ngày sốt cao, thở khò khè, điều trị tại nhà không đỡ mới đến khám tại Trung tâm Y tế huyện được chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi, cúm A dương tính.
Cháu bé được đặt ống nội khí quản và chuyển lên tuyến trên. Tại đây cháu được chẩn đoán mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), viêm phổi nặng trên bệnh nhân cúm A. Cháu bé được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt và được thở máy theo chiến lược thông khí bảo vệ phổi và kết hợp các biện pháp hỗ trợ như thông khí nằm sấp, chống viêm, giãn cơ, mới thoát khỏi nguy kịch.
Phụ nữ mang thai có uống được thuốc Tamiflu?
Theo các bác sĩ, thời tiết nồm ẩm của mùa xuân càng là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh cúm phát triển, gây bệnh và bùng phát dịch. Cúm A sẽ gây ra biến chứng điển hình như viêm phổi. Tình trạng này xuất hiện phổ biến ở các nhóm người có yếu tố nguy cơ cao như trẻ em, người trên 65 tuổi, hay người có bệnh mạn tính như suy tim, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ gan…
Ngoài ra, cúm A còn có khả năng gây viêm bội nhiễm (viêm tai giữa, viêm mũi xoang mủ), viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm nấm huyết.
Đối với phụ nữ mang thai, mắc cúm A sẽ dễ dẫn đến biến chứng viêm phổi nặng và suy thai, sảy thai, thai chết lưu, đẻ non…
PGS.TS Trần Văn Giang - Chuyên khoa Truyền nhiễm, Phó Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, những thai phụ mắc cúm hoàn toàn có thể sử dụng Tamiflu để điều trị và hoàn toàn an toàn cho mẹ, thai nhi. Thời gian sử dụng là 48h đầu tiên, trong vòng 3-5 ngày.
BS Giang cũng nhấn mạnh, việc sử dụng thuốc Tamiflu cho thai phụ cần được chỉ định và quản lý chặt chẽ bởi các bác sĩ sản khoa. Vì có những thuốc cần chỉ định và chống chỉ định ở những phụ nữ có thai, ở trường hợp này cần điều trị để tránh biến chứng thai sản.
![Phụ nữ có thai sử dụng được Tamiflu nhưng cần được chỉ định và quản lý chặt chẽ bởi bác sĩ sản khoa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_5_51459722/4864c34ef4001d5e4411.jpg)
Phụ nữ có thai sử dụng được Tamiflu nhưng cần được chỉ định và quản lý chặt chẽ bởi bác sĩ sản khoa.
Chuyên gia cho biết thêm, các trường hợp thai phụ mắc cúm A, hay cúm B được sử dụng Tamiflu giúp triệu chứng giảm nhanh, hạn chế biến chứng nặng, khi việc thanh thải virus càng nhanh còn mang lại ý nghĩa cho người bệnh và cả cộng đồng. Đối với cộng đồng làm giảm tình trạng lây lan virus từ người bị cúm sang người khỏe mạnh.
Các BS cũng khuyến cáo, người dân không nên chủ quan khi mắc cúm, đặc biệt, không “tự làm bác sĩ”, mua thuốc về điều trị. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã mắc phải nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị khó khăn.
TS.BS Ngô Chí Cương, Phó Giám đốc Chuyên môn, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho rằng, dù cúm mùa thường được xem là bệnh nhẹ, nhưng nếu xuất hiện hai dấu hiệu sau, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay lập tức: Suy hô hấp (thở nhanh, thở nông, khó thở, co kéo cơ hô hấp, tím tái); SpO2 giảm dưới 93% (chỉ số bão hòa oxy trong máu thấp có thể dẫn đến suy hô hấp cấp).
Ngoài ra, chuyên gia đưa ra khuyến cáo về những biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả người dân cần áp dụng như tiêm phòng vaccine cúm, tuân thủ các thói quen vệ sinh cá nhân, giữ vệ sinh nơi ở, cơ quan, trường học, hạn chế tiếp xúc với nguồn lây, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người… Đặc biệt, người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.