Cục trưởng Nguyễn Anh Sơn: Thị trường quốc tế đang đặt ra thách thức với ngành gạo Việt Nam

Sự thay đổi chính sách xuất nhập khẩu gạo của các nước cùng với yếu tố xung đột địa chính trị, bảo hộ sản xuất... đã và đang ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo Việt.

Gạo Việt Nam gặp thách thức

Phát biểu tại cuộc họp đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia chiều 6/8, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, trong 30 năm trở lại đây, nền nông nghiệp của chúng ta đã thể hiện vai trò, vị thế to lớn đối với phát triển kinh tế và ổn định chính trị xã hội, tạo sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp gần 12% GDP của quốc gia (năm 2023).

Ông Nguyễn Anh Sơn phát biểu tại cuộc họp

Ông Nguyễn Anh Sơn phát biểu tại cuộc họp

Tuy nhiên, người sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục nằm trong nhóm những người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh mới và các biến động thị trường.

"Trong khi đó, diễn biến thị trường quốc tế đang đặt ra những thử thách đối với sự phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh của ngành gạo Việt Nam. Thương mại gạo thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh quyết liệt về giá cả, chất lượng giữa các nước xuất khẩu làm gia tăng áp lực cạnh tranh; sự thay đổi chính sách xuất, nhập khẩu gạo của các nước cùng với yếu tố xung đột địa, chính trị, bảo hộ sản xuất trong nước ngày càng gia tăng trên thế giới đã gây ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam...", ông Nguyễn Anh Sơn nói.

Chưa kể, việc điều chỉnh chính sách, chiến lược nhập khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa nguồn cung, hạn chế nhập khẩu, tăng cường khả năng tự túc lương thực của các quốc gia tiêu thụ lúa gạo đã tác động bất lợi tới nhu cầu thị trường, tạo sức ép về giá, ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, tại Kết luận số 81-KL/TW ngày 29 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính trị xác định an ninh lương thực quốc gia là vấn đề quan trọng, thiết yếu của đất nước trước mắt và lâu dài khi nguồn cung tiếp tục chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 đều hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực trước bối cảnh thị trường có nhiều biến động ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Để đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu bền vững, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người nhập khẩu đòi hỏi phải có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp, liên kết, điều phối một cách đồng bộ, đồng lòng, hiệu quả của tất cả các ngành các cấp, các địa phương, của cả hệ thống chính trị trong phát triển sản xuất, xuất khẩu lúa gạo trong giai đoạn hiện nay.

Hội đồng lúa gạo quốc gia: Tạo sự đồng thuận trong xây dựng và thực thi chính sách đối với lúa gạo

Quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò của lúa gạo đối với phát triển kinh tế - xã hội, kinh nghiệm của quốc tế và thực tiễn thời gian qua đều chỉ ra sự cần thiết thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia giúp tham mưu Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo bao gồm từ sản xuất đến xuất khẩu.

Ông Nguyễn Anh Sơn thông tin, Hội đồng lúa gạo với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội với sứ mệnh tạo sự đồng thuận chung trong việc xây dựng và thực thi các chính sách đối với mặt hàng lúa gạo (bao gồm cả sản xuất, chế biến, xuất khẩu).

Bên cạnh đó, theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành thực thi chính sách, vận hành các chương trình trong ngành lúa gạo. Đảm bảo sự phát triển bền vững, hướng tới sản xuất xanh, đáp ứng nhu cầu thị trường, cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa xuất khẩu với tiêu dùng nội địa và nhập khẩu.

Hội đồng sẽ thúc đẩy nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong ngành lúa gạo. Tham vấn điều phối các vấn đề mới, có tính khẩn cấp trong phát triển ngành hàng lúa gạo. Trực tiếp tổ chức và thực hiện một số hoạt động nghiên cứu, phân tích, dự báo về phát triển và hoạch định chính sách đối với ngành hàng lúa gạo.

Với sứ mệnh như vậy, Bộ Công Thương đã xây dựng chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng cũng như quy chế hoạt động của Hội đồng để Hội đồng hoạt động hiệu quả, thực chất.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã dự thảo Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách và hồ sơ liên quan về thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia và ngày 1/8/2024, Bộ Công Thương đã có công văn số 5017/BCT-XNK gửi đến các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội để xin ý kiến trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách. Một số nội dung cụ thể như sau:

Thành viên Hội đồng bao gồm 1 Chủ tịch Hội đồng: Phó Thủ tướng Chính phủ; 2 Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; đại diện lãnh đạo UBND một số địa phương

Về chức năng, Hội đồng là tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo.

Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường, thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo toàn diện, hiệu quả góp phần đảm bảo anh sinh xã hội và an ninh lương thực quốc gia, phát triển sản xuất, xuất khẩu hướng tới mục tiêu bền

Nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển ngành lúa gạo.

Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong quá trình phát triển ngành lúa gạo.

Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án có tính liên ngành về lúa gạo.

Cho ý kiến về chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách... liên quan đến ngành hàng lúa gạo thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để thu thập thông tin, phân tích đánh giá về tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành hàng lúa gạo.

Thùy Linh - Phương Lan - Cấn Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cuc-truong-nguyen-anh-son-thi-truong-quoc-te-dang-dat-ra-thach-thuc-voi-nganh-gao-viet-nam-337283.html
Zalo