Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao: Gắn với người dân, phục vụ thiết thực cho nhân dân

Xác định tính chất của công tác lãnh sự và bảo hộ công dân là gắn với người dân, phục vụ thiết thực cho nhân dân, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao luôn quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Chính phủ là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…

Cục trưởng Cục Lãnh sự Doãn Hoàng Minh. (Ảnh: Tuấn Anh)

Cục trưởng Cục Lãnh sự Doãn Hoàng Minh. (Ảnh: Tuấn Anh)

Cục trưởng Cục Lãnh sự Doãn Hoàng Minh chia sẻ các kết quả nổi bật của công tác bảo hộ công dân trong năm 2024 và quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ của Cục Lãnh sự trong thời gian tới.

Thưa ông, năm 2024 là một năm đầy biến động với nhiều điểm nóng xung đột, bất ổn. Trong bối cảnh đầy thách thức đó, công tác bảo hộ công dân đã được Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai như thế nào?

Trong năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, các cuộc xung đột chưa có dấu hiệu kết thúc, thiên tai xảy ra ở nhiều nơi, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng hiện hữu, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của công dân ta ở khắp các địa bàn. Nhiều nước thắt chặt chính sách nhập cảnh, cư trú và tăng cường trục xuất người nước ngoài vi phạm pháp luật, nhập cư hoặc lao động bất hợp pháp về nước.

Trong bối cảnh đó, Cục Lãnh sự đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong và ngoài nước thường xuyên theo dõi, nắm tình hình và luôn sẵn sàng các phương án bảo hộ công dân.

Công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, cảnh giác trước các lời mời chào “việc nhẹ lương cao”, nâng cao hiểu biết và nhận thức về pháp luật, phong tục nước ngoài, đấu tranh chống di cư trái phép, được quan tâm thực hiện.

Cục Lãnh sự đã đẩy mạnh chuẩn hóa các quy trình bảo hộ công dân, đồng thời tích cực tham gia các cơ chế liên ngành để bảo hộ doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Tháng 9/2024, Bộ Ngoại giao ban hành quy trình cấp Bộ về các bước thực hiện công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài trong tình huống khủng hoảng, nâng cao tính chuyên nghiệp, kịp thời và minh bạch của công tác này.

Ông có thể cho biết các kết quả nổi bật của công tác bảo hộ công dân đã triển khai trong năm 2024?

Trong năm 2024, Cục Lãnh sự đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan liên quan, các địa phương, các Cơ quan đại diện thực hiện bảo hộ đối với hơn 16.000 công dân. Trong đó, nổi bật là việc giải cứu công dân bị cưỡng bức lao động, đưa về nước đối với 2.170 trường hợp.

Đồng thời, Cục Lãnh sự đã chủ động thực hiện và chỉ đạo các Cơ quan đại diện kịp thời khuyến cáo về các nguy cơ mất an toàn ở nước ngoài, khảo sát tình hình, nguyện vọng của công dân tại khu vực có chiến sự, thiên tai... sẵn sàng phương án sơ tán khi cần thiết.

Trong năm qua, Cục Lãnh sự đã xử lý nhiều vụ việc phức tạp, bảo vệ ngư dân và tàu cá Việt Nam, phối hợp tích cực trong công tác phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU), vận động đối tác cung cấp hồ sơ, phục vụ điều tra và xử phạt nhằm hướng tới mục tiêu gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) vào năm 2025. Bên cạnh đó, Cục Lãnh sự phối hợp với các Cơ quan đại diện đã tiến hành hỗ trợ chín vụ việc bảo hộ pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Thông qua Tổng đài bảo hộ công dân, Cục tiếp nhận gần 4.000 cuộc gọi, giải đáp và hướng dẫn công dân trong năm 2024.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và nhận diện những xu hướng, thách thức mới, phương hướng triển khai công tác bảo hộ công dân trong thời gian tới sẽ là gì, thưa ông?

Trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả công tác bảo hộ công dân trong năm 2025, Cục Lãnh sự sẽ đẩy mạnh triển khai một số biện pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tăng cường chuẩn hóa quy trình, chủ động thống kê, phân loại công dân, chuẩn bị sẵn sàng phương án bảo hộ, đặc biệt tại khu vực có nguy cơ xung đột cao.

Thứ hai, làm tốt công tác dự báo và ứng phó khủng hoảng. Theo đó, đánh giá chính xác, xây dựng kịch bản ứng phó từ sớm để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Thứ ba, chú trọng công tác bảo hộ ngư dân, tàu cá; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong chống khai thác IUU, tiến tới gỡ “thẻ vàng” của EC.

Thứ tư, tăng cường hợp tác, bao gồm rà soát, hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương và đa phương về lãnh sự, bảo hộ công dân.

Thứ năm, thúc đẩy di cư hợp pháp thông qua việc phối hợp các tổ chức quốc tế để xử lý các đường dây mua bán người, di cư bất hợp pháp; tiếp nhận công dân bị trả về từ các quốc gia.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin. Cụ thể là thông tin nhanh chóng, chính xác về các vụ việc bảo hộ, nỗ lực của Nhà nước, từ đó củng cố niềm tin của công dân khi sinh sống và làm việc ở nước ngoài; tăng cường cảnh báo và khuyến cáo về các rủi ro ở nước ngoài.

Thứ bảy, coi trọng công tác giám sát thông qua việc kiểm tra thường xuyên, đảm bảo các hoạt động bảo hộ công dân tuân thủ đúng pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Ban Quản lý Lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản hỗ trợ công dân Việt Nam bị nợ lương. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản)

Ban Quản lý Lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản hỗ trợ công dân Việt Nam bị nợ lương. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản)

Vừa qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao với khẩu hiệu “Phát huy truyền thống vẻ vang 80 năm của ngoại giao cách mạng Việt Nam, ra sức xây dựng nền Ngoại giao vững mạnh, toàn diện, hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Ông suy nghĩ gì về những nhiệm vụ đặt ra cho Cục Lãnh sự trong năm đặc biệt của ngành Ngoại giao?

Xuyên suốt chặng đường xây dựng và phát triển 80 năm qua của Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự luôn có những đóng góp quan trọng, thầm lặng nhưng cũng rất vẻ vang. Đó là thiết lập các cơ quan lãnh sự đầu tiên ở nước ngoài để thúc đẩy việc công nhận Nhà nước Việt Nam non trẻ, thông qua hợp tác lãnh sự góp phần phá thế bao vây cấm vận, giải quyết hài hòa những vướng mắc, vấn đề khác biệt, thúc đẩy bình thường hóa, phát triển các mối quan hệ đối ngoại theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài… góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại như ngày nay.

Trong bức tranh đầy màu sắc của đối ngoại Việt Nam, từ ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài… công tác lãnh sự và bảo hộ công dân mang gam màu trầm hơn, không nổi bật như hoạt động đối ngoại cấp cao, không sôi động như các hoạt động ngoại giao kinh tế và các lễ hội văn hóa quốc tế nhưng công tác lãnh sự gắn với luật pháp và thực tiễn cuộc sống, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích từng của cá nhân và doanh nghiệp, tổ chức.

Xác định tính chất của công tác lãnh sự và bảo hộ công dân là gắn với người dân, phục vụ thiết thực cho nhân dân, Cục Lãnh sự luôn quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Chính phủ là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tinh thần này đã được lan tỏa và phát huy từ Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho đến tất cả các đơn vị chức năng và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thực hiện công tác lãnh sự, thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt với ngành Ngoại giao, hưởng ứng khẩu hiệu thi đua mà Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã phát động chào mừng 80 năm kỷ niệm thành lập Ngành, toàn thể lãnh đạo, công chức, người lao động Cục Lãnh sự quyết tâm triển khai công tác của đơn vị trên cơ sở lấy người dân là chủ thể phục vụ, trung tâm của mọi hoạt động lãnh sự, lấy sự hài lòng, tín nhiệm của nhân dân làm thước đo đánh giá cán bộ và hiệu quả công việc. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, tôi cho rằng cần triển khai đồng bộ các giải pháp:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, quy chế sửa đổi các văn bản pháp luật, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ theo hướng đơn giản hóa thành phần hồ sơ, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường công khai, minh bạch trong công tác lãnh sự.

Hai là, triển khai nghiên cứu chuyên sâu và bài bản về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ lãnh sự, tham khảo kinh nghiệm, cách làm hay của các nước; tăng cường hợp tác quốc tế về lãnh sự để tạo thuận lợi tối đa cho người dân và kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh.

Ba là, tạo thế chủ động hơn trong công tác lãnh sự, bảo hộ công dân thông qua tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hiểu biết của công dân Việt Nam khi ra nước ngoài; chú trọng vai trò và tinh thần trách nhiệm của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, kết hợp với thường xuyên trao đổi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công vụ.

Bốn là, quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác lãnh sự ở trong và ngoài nước, bảo đảm “vừa hồng, vừa chuyên”, cán bộ vừa phải nắm vững kiến thức nghiệp vụ, lại cần bản lĩnh và trong sáng, hết lòng phục vụ nhân dân.

Huyền Trâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuc-lanh-su-bo-ngoai-giao-gan-voi-nguoi-dan-phuc-vu-thiet-thuc-cho-nhan-dan-302022.html
Zalo