Cục Khoáng sản Việt Nam phản hồi về loạt bài khoáng sản của VietnamPlus

Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết sẽ rà soát, tiếp thu các ý kiến góp ý mà Báo Điện tử VietnamPlus phản ánh để đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thời gian tới.

Ngày 22/10, ngay sau khi Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) đăng tải loạt bài phóng sự chuyên đề “Chảy máu” - lãng phí tài nguyên khoáng sản: Gánh nặng đè lên “vai” xã hội, lãnh đạo Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có thông tin phản hồi, trong đó nhấn mạnh loạt bài viết đã phản ánh đúng thực tế khách quan hoạt động khai thác khoáng sản đang diễn ra trên phạm vi cả nước.

Theo Cục Khoáng sản Việt Nam, thông tin trong loạt bài được phóng viên thu thập từ nhiều nguồn khác nhau đã phản ánh nhiều góc nhìn vào lĩnh vực khoáng sản, đặc biệt là vấn đề khoáng sản đi kèm (đất, đá thải). Các bài viết cũng đã có những đánh giá, nhận xét sâu về hiện trạng của hệ thống chính sách về khoáng sản của Việt Nam đồng thời chỉ ra được những tồn tại, hạn chế và đề xuất một số giải pháp khắc phục.

Trên cơ sở đó, các ý kiến góp ý của lãnh đạo các địa phương, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân đã nêu trong loạt bài sẽ được Cục Khoáng sản Việt Nam rà soát, tiếp thu để báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thời gian tới.

Mạnh dạn đột phá đổi mới chính sách, pháp luật

Cụ thể, ông Trần Phương - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID, nhằm tăng tính liên kết giữa các vùng kinh tế, Chính phủ đã đồng loạt triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm. Việc này đã làm tăng đột biến nhu cầu sử dụng các loại vật liệu san lấp, tạo áp lực lớn lên nguồn cung dẫn đến các mỏ đang khai thác không đáp ứng đủ nhu cầu.

Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo thẩm quyền đã có nhiều chỉ đạo, điều hành và ban hành các cơ chế để giải quyết các vấn đề trên.

Đơn cử, Quốc hội đã ban hành 9 nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà không phải thực hiện thủ tục cấp phép, không phải thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường. Cơ chế này cho phép nhà thầu thi công có thể tiếp cận thẳng đến nguồn vật liệu, thời gian giao mỏ ngắn, đáp ứng ngay được nguồn vật liệu cho các dự án theo tiến độ.

 Thi công tuyến chính cao tốc đoạn qua huyện Châu Thành. (Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN)

Thi công tuyến chính cao tốc đoạn qua huyện Châu Thành. (Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN)

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, công điện, văn bản chỉ đạo cho phép các địa phương điều chỉnh tăng công suất các mỏ theo cơ chế đặc thù, yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm soát sản lượng khai thác, địa chỉ tiêu thụ theo giấy phép; rút ngắn thời gian cấp phép các mỏ mới; xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng quy định, khai thác, buôn bán trái phép cát, sỏi, thậm chí thu hồi giấp phép nếu vi phạm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương điều phối vật liệu san lấp giữa các tỉnh lân cận để giảm áp lực về nguồn vật liệu san lấp.

“Các cơ chế, chính sách nêu trên đã phát huy được hiệu quả trên thực tế, tháo gỡ được nhiều khó khăn và góp phần không nhỏ trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, nhiều cơ chế, chính sách quy định trong Luật Khoáng sản năm 2010 đã không còn phù hợp với thực tiễn và bộc lộ những hạn chế, cần phải sửa đổi, bổ sung. Do vậy, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản để xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, thay thế Luật Khoáng sản năm 2010,” ông Phương nhấn mạnh.

Đề cập thêm về giải pháp sắp tới, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Trần Phương cho hay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, tổng kết, đánh giá từ thực tiễn để xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó đã mạnh dạn đột phá đổi mới chính sách, pháp luật để quản lý đối với đất đá thải mỏ theo hướng: Phân định rõ trách nhiệm quản lý; phân cấp, phân quyền cho địa phương quản lý; cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút gọn để thuận tiện cho việc quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản.

“Với những chính sách như trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường tin tưởng rằng khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này, nguồn lực từ đất, đá thải mỏ sẽ phát huy mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước đúng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 10/CT-TW và gần đây nhất là Nghị quyết 10 của Trung ương,” ông Phương nhấn mạnh.

Cần đồng bộ với các luật để phát huy hiệu quả cao nhất

Ngoài ra, lãnh đạo Cục Khoáng sản Việt Nam cũng đề cập, làm rõ thêm một số nội dung khác mà Báo Điện tử VietnamPlus đã phản ánh trong loạt bài như liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với bauxit.

Ông Phương nhấn mạnh theo số liệu tính toán tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như bài viết (chỉ tính bauxite, nếu so sánh với giá khởi điểm của Trung Quốc, Ấn Độ thì trong 10 năm qua, số tiền có thể thất thoát là khoảng 7,5 tỷ USD) là chính xác. Tuy nhiên, khác với các quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam, ngoài tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì các tổ chức, cá nhân khai thác còn phải nộp thuế tài nguyên (các quốc gia trên thế giới chỉ áp dụng một trong hai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hoặc thuế tài nguyên).

Theo Luật Thuế tài nguyên, khung thuế là từ 7-25%. Như vậy 1 tấn bauxit ngoài tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì còn phải chịu thuế tài nguyên từ 27.300 đến 97.500 đồng. Cụ thể, thuế suất thuế tài nguyên năm 2024 là 12% tương ứng với mức thuế là 46.800 đồng.

Về sử dụng tro xỉ nhiệt điện, ông Phương nhấn mạnh hiện nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo tại Thông báo số 329/TB-VPCP ngày 16/7/2024 như sau: “Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Công ty Nhiệt điện Duyên Hải thực hiện thí điểm sử dụng tro xỉ để làm vật liệu san lấp đối với một số dự án đường giao thông của địa phương (hoặc đường cao tốc); trên cơ sở đó phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường,... đánh giá toàn bộ các chỉ tiêu cơ lý, môi trường... của tro xỉ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn làm vật liệu xây dựng.”

 Bãi thải Mỏ quặng sắt Lũng Pù của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đức Sơn ở xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Bãi thải Mỏ quặng sắt Lũng Pù của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đức Sơn ở xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Về việc không thực hiện thăm dò và phê duyệt trữ lượng đối với đất đá thải của các mỏ, theo ông Phương, việc thăm dò khoáng sản về nguyên tắc chỉ tập trung vào các khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm. Riêng đối với đất đá tầng phủ của mỏ (đất đá thải) chỉ bố trí các công trình thăm dò khi có nhu cầu khai thác, thu hồi và sử dụng loại khoáng sản để tránh lãng phí vì: Đối với các mỏ kim loại và những mỏ nằm sâu dưới tầng phủ, việc bố trí các công trình đủ để xác định trữ lượng đối với phần đất đá thải sẽ phải đầu tư một khoản chi phí rất lớn; nhu cầu sử dụng đất đá thải làm vật liệu san lấp chỉ xuất hiện theo từng thời điểm, ở từng khu vực và chủ yếu ở các khu vực khan hiếm nguồn vật liệu san lấp.

Ông Phương cũng cho hay việc dự kiến nhập khẩu cát từ Campuchia chỉ để giải quyết nhu cầu thiếu hụt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bởi khu vực này không có tiềm năng về khoáng sản, bao gồm cả vật liệu xây dựng thông thường, cũng hầu như không có nguồn đất đá thải của mỏ.

Về hoàn thiện cơ chế, chính sách, ông Phương nhấn mạnh dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được Chính phủ trình Quốc hội cơ bản đã giải quyết được các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, đặc biệt là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường phân cấp, phân quyền.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả khi Luật đi vào cuộc sống cần phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của các Luật có liên quan như Luật Đất đai (đã được thông qua), Luật Đấu giá tài sản (đã được thông qua), Luật Quy hoạch (đang dự kiến sửa), Luật Thủy lợi (đang dự kiến sửa trong Luật Địa chất và Khoáng sản), Luật Năng lượng nguyên tử (đang dự kiến sửa trong Luật Địa chất và Khoáng sản)./.

 Hình ảnh bãi thải, hồ chứa chất thải của Nhà máy tinh chế quặng Minh Sơn ở huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Hình ảnh bãi thải, hồ chứa chất thải của Nhà máy tinh chế quặng Minh Sơn ở huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cuc-khoang-san-viet-nam-phan-hoi-ve-loat-bai-khoang-san-cua-vietnamplus-post986715.vnp
Zalo