Cục Đường bộ Việt Nam thông tin tiến độ triển khai 9 trạm dừng nghỉ
Ngày 9/5, Cục Đường bộ Việt Nam thông tin về tiến độ triển khai thực hiện 9 trạm dừng nghỉ từ Thanh Hóa đến Quảng Trị.
Các trạm này gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Cam Lộ - La Sơn.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay tại dự án trạm dừng nghỉ Vạn Ninh - Cam Lộ, UBND huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư trong tháng 5/2025.
Đối với trạm Cam Lộ - La Sơn, UBND huyện Hải Lăng, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị và Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, địa phương dự kiến bàn giao sau 3 tháng, chậm so với tiến độ mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu trong tháng 4/2025.
Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu địa phương đẩy nhanh thủ tục, triển khai song song một số công việc để rút ngắn tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

Trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Phúc Tuấn.
"Các trạm dừng nghỉ Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt đã ký kết hợp đồng từ tháng 8/2024. Nhà đầu tư là Liên danh Petrolimex, thời gian hoàn thành toàn bộ dự án là 17 tháng, hoàn thành dịch vụ công sau 11 tháng.
Cục Đường cao tốc Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) đã hoàn thành công tác thẩm định cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với báo cáo nghiên cứu khả thi của 3 dự án tháng 12/2024. Tuy nhiên, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp giấy phép môi trường và Liên danh Petrolimex là doanh nghiệp Nhà nước, nên nhà đầu tư đã tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn lập thiết kế sau thiết kế cơ sở, nhà thầu xây lắp... mất rất nhiều thời gian", ông Ngô Lâm, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết.
Theo ông Ngô Lâm, hiện nay, nhà đầu tư đang tiến hành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế, lựa chọn nhà thầu,... để triển khai thi công. Theo kế hoạch sẽ bắt đầu triển khai thi công trong tháng 5/2025, dự kiến hoàn thành toàn bộ trong năm 2025.
Đối với tiến độ triển khai, các trạm dừng nghỉ cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Cam Lộ - La Sơn đã ký hợp đồng cuối tháng 3/2025. Theo hợp đồng đã ký, các nhà đầu tư rút ngắn thời gian thi công hoàn thành từ 15 tháng xuống còn từ 12-14 tháng và dịch vụ công đều hoàn thành sau 9 tháng. Như vậy, sẽ hoàn thành công trình dịch vụ công chậm nhất trước ngày 30/12/2025.
Ông Ngô Lâm cho biết thêm, công tác đầu tư trạm dừng nghỉ được Chính phủ xác định theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên các quy định của pháp luật chưa hoàn thiện, có thời điểm sắp đến ngày mở thầu nhưng vẫn phải hủy thông báo mời thầu và dừng việc lựa chọn nhà đầu tư do thay đổi quy định pháp luật. Vì vậy, đến thời điểm này mới hoàn thành công tác ký kết hợp đồng 18 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Bên cạnh đó, theo ông Lâm đa phần các trạm dừng nghỉ đều chậm công tác giải phóng mặt bằng, được bàn giao một phần mặt bằng một vài hecta theo quy mô nhỏ trước đây cùng với tuyến cao tốc khi triển khai đầu tư xây dựng. Sau khi Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các trạm dừng nghỉ đều nâng quy mô lên từ 3-5ha mỗi bên. Do đó, các ban quản lý dự án và địa phương đều phải thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng phần bổ sung từ đầu theo quy mô trạm mới nên mất nhiều thời gian.
Theo đó, lãnh đạo Cục Đường bộ yêu cầu các nhà đầu tư/doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện các thủ tục nội nghiệp và các thủ tục pháp lý liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo quy định.
Đối với các trạm đã ký hợp đồng năm 2024, ban quản lý dự án khẩn trương lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công. Với các trạm mới ký hợp đồng cuối tháng 3/2025 sớm hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi gửi các ban quản lý dự án kiểm tra, rà soát để trình cục thẩm định.
"Nhà đầu tư/doanh nghiệp chủ động, phối hợp với các ban quản lý dự án, khu quản lý đường bộ và cơ quan, đơn vị liên quan để thỏa thuận, hoàn thành các thủ tục, phương án đấu nối các hạng mục điện, cấp, thoát nước...
Đặc biệt, tăng cường tập kết thiết bị, nhân lực, vật tư triển khai công tác san lấp mặt bằng, thi công các đường vuốt nối với đường gom, đường cao tốc để đẩy nhanh tiến độ thi công sau khi hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định", ông Lâm nói.
Cục Đường bộ đề nghị các ban quản lý dự án phối hợp với nhà đầu tư/doanh nghiệp để khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, kịp thời xử lý các phát sinh tại hiện trường; hỗ trợ nhà đầu tư trong việc khảo sát, xác định và thực hiện các thỏa thuận đối với nguồn cung và đường vận chuyển vật liệu san lấp mặt bằng, bãi đổ thải... kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện các dự án, có cảnh báo kịp thời đối với các dự án chậm tiến độ.