Cục diện thị trường điện máy phía Bắc và Nam khác nhau ra sao?

Trong khi thị trường phía Bắc vẫn còn các chuỗi điện máy có khả năng cạnh tranh với TGDĐ, thị trường phía Nam gần như nằm trong tay chuỗi bán lẻ của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài.

Sau 7 năm thâu tóm, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) mới đây đã quyết định giải thể CTCP Thế giới số Trần Anh. Từng là "ông lớn" bán lẻ điện máy lớn nhất nhì miền Bắc, thương hiệu điện máy Trần Anh nay chính thức biến mất khỏi thị trường.

Trên thực tế, kể từ khi bị Thế Giới Di Động thâu tóm năm 2018, Trần Anh đã không còn hoạt động với tư cách một nhà bán lẻ mà chuyển hoàn toàn sang mối quan hệ đối tác, nguồn thu chủ yếu đến từ việc cho thuê mặt bằng, văn phòng, tài sản và thương hiệu.

Không chỉ loại bớt một đối thủ, việc mua lại Trần Anh còn giúp Thế Giới Di Động mở rộng quy mô hệ thống, qua đó tạo bàn đạp để chinh phục thị trường Hà Nội nói riêng và phía Bắc nói chung khi đó.

Khốc liệt thị trường phía Bắc

Mô hình chuỗi cửa hàng điện máy tại thị trường phía Bắc đã bắt đầu nhen nhóm từ đầu những năm 2000. Lúc bấy giờ, mặt hàng điện máy chưa thoát khỏi mác “xa xỉ” và chỉ được bày bán tại một số cửa hàng nhỏ lẻ.

Tháng 3/2002, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trần Anh, tiền thân của Thế giới số Trần Anh, được ông Trần Xuân Kiên thành lập với cửa hàng đầu tiên nằm trên phố Lý Nam Đế (quận Hoàn Kiếm).

Từ một cửa hàng chỉ rộng chừng 20 m2, tình hình kinh doanh thuận lợi nhờ vị thế “một mình một ngựa” giúp Trần Anh phát triển thành hệ thống 39 siêu thị điện máy có tổng diện tích mặt sàn hàng chục nghìn m2, bao phủ khắp các tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Ninh Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang.

 Trần Anh là một trong những chuỗi bán lẻ điện máy đầu tiên tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Phúc.

Trần Anh là một trong những chuỗi bán lẻ điện máy đầu tiên tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Phúc.

Sang giai đoạn 2007-2008, thị trường điện máy phía Bắc bắt đầu bùng nổ mạnh mẽ với sự xuất hiện ồ ạt của nhiều tay chơi mới như Home Center (HC), Pico, MediaMart hay Topcare. Nguyễn Kim - "ông lớn" phía Nam - và là thương hiệu siêu thị điện máy đầu tiên trên cả nước cũng quyết định “Bắc tiến” vào cuối năm 2007.

Các thế lực mới nổi không ngần ngại chi tiền xây dựng thương hiệu và mở rộng quy mô nhằm đánh chiếm thị phần. Trong thời gian ngắn, số lượng siêu thị điện máy tính riêng tại Hà Nội đã lên đến hàng trăm cửa hàng.

Không chỉ cạnh tranh về số lượng điểm bán, các chuỗi điện máy còn sẵn sàng so kè về chính sách, khuyến mãi lẫn hậu mãi. Nhiều doanh nghiệp thậm chí sẵn sàng ghìm giá sản phẩm để khẳng định sự vượt trội về giá thành so với đối thủ.

Cuộc chiến “đốt tiền” khiến các chuỗi điện máy dần kiệt quệ tài chính. Mặt khác, tình trạng dư cung thiếu cầu, kinh tế suy yếu và xu hướng cắt giảm chi tiêu đã châm ngòi cho một cuộc suy thoái của ngành bán lẻ điện máy.

Trong vòng 5 năm từ 2011 đến 2015, thị trường điện máy Việt Nam chứng kiến sự ra đời, phát triển cũng như lụi tàn của hàng loạt tên tuổi lớn. Làn sóng suy thoái bùng lên ở thị trường phía Nam với những WonderBuy, HomeOne hay Best Carings và nhanh chóng lan sang những thương hiệu phía Bắc như Topcare và Việt Long.

Trong khi đó, các chuỗi lớn như Trần Anh, MediaMart hay Pico cũng phải tìm cách cơ cấu lại hệ thống, loại bớt các cửa hàng kinh doanh không hiệu quả để giảm bớt gánh nặng cho dòng tiền và cải thiện sức khỏe tài chính.

 Nhiều ông lớn "vang bóng một thời" phải rời cuộc chơi. Ảnh: Việt Long Plaza.

Nhiều ông lớn "vang bóng một thời" phải rời cuộc chơi. Ảnh: Việt Long Plaza.

Một lãnh đạo của chuỗi MediaMart khi đó cũng từng thừa nhận thị trường phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, đã có hiện tượng cung vượt cầu.

Cuộc "thanh lọc" thị trường điện máy kéo dài âm ỉ đến năm 2018-2019, đánh dấu bằng sự kiện Trần Anh bị Thế Giới Di Động thâu tóm và VinPro rời sân chơi.

Trên truyền thông, cựu Chủ tịch Trần Xuân Kiên của Trần Anh cũng lên tiếng cho rằng thị trường này không còn nhiều tương lai.

Cục điện thị trường hiện nay ra sao?

Bất chấp bối cảnh khó khăn đó, thị trường vẫn ghi nhận sự phát triển của một số thương hiệu mới như Điện Máy Xanh, tiền thân là chuỗi Dienmay.com, của Thế Giới Di Động.

Với sự xuất hiện của Điện Máy Xanh, thị trường điện máy trong nước ngày càng cô đặc và tập trung chủ yếu trong tay các doanh nghiệp có nguồn lực tài chính lớn. Thực tế, trải qua 2 năm dịch bệnh và tình hình kinh tế khó khăn, số lượng siêu thị của các chuỗi bán lẻ đã bị thu hẹp đáng kể.

Đến nay, dù Điện Máy Xanh vẫn là chuỗi dẫn đầu và vượt xa các đối thủ về cả số lượng điểm bán lẫn doanh thu, thị trường phía Bắc vẫn còn nhiều thương hiệu lớn sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với chuỗi bán lẻ của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài.

Theo thống kê, thị trường điện máy Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung cũng có số lượng thương hiệu và siêu thị áp đảo hơn so với phần còn lại của cả nước.

Tính đến tháng 7, hệ thống Điện Máy Xanh đang có 2.034 cửa hàng trên toàn quốc, bao gồm cả các cửa hàng mô hình ĐMS. Trong đó, Hà Nội có 125 siêu thị và TP.HCM là 145 siêu thị.

Xếp ngay sau là hệ thống MediaMart với tổng cộng 346 siêu thị, riêng Hà Nội có 62 siêu thị. Ngoài Hà Nội, thị phần của MediaMart còn phân bố ở các tỉnh thành miền Bắc với hơn 238 siêu thị.

Chuỗi này cũng lấn sân sang khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đà Nẵng. Hầu hết siêu thị điện máy MediaMart có diện tích tương đối lớn, bình quân 500-5.000 m2.

Thành lập từ năm 2006, HC đến nay cũng có 43 siêu thị điện máy, riêng Hà Nội là 11 siêu thị. Điểm chung của các siêu thị HC là có diện tích rất lớn, khoảng 1.000-4.000 m2, nên thường đặt tại khu vực vành đai trung tâm thành phố.

Trong khi đó, chuỗi Pico hiện chỉ còn 7 siêu thị tại Hà Nội dù từng sở hữu 28 siêu thị trên cả nước cách đây 5 năm.

Đại diện phía Nam là Nguyễn Kim hiện có 6 siêu thị ở Hà Nội và 5 siêu thị tại một số thành phố lớn như Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Nguyên.

Tại thị trường phía Nam và TP.HCM, ngành hàng điện máy đang là cuộc cạnh tranh chủ yếu của 3 thương hiệu lớn gồm Điện Máy Xanh (145 cửa hàng); Điện máy Chợ Lớn (23 cửa hàng) và điện máy Nguyễn Kim (15 cửa hàng).

Chuỗi Điện máy Chợ Lớn trực thuộc Công ty TNHH Cao Phong là một trong những tên tuổi bán lẻ có mặt rất sớm tại thị trường Việt Nam, cũng đang có 98 siêu thị. Ngoài 23 cửa hàng ở TP.HCM, hầu hết điểm bán còn lại của chuỗi rải rác tại các tỉnh Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ.

Bên cạnh các hệ thống lớn, phần nhỏ thị phần bán lẻ điện máy được chia cho các đơn vị như AEONESHOP, BigC, HoangHa Mobile, Digi City, Thiên Nam Hòa và mới nhất là chuỗi điện máy của FPT Shop.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/cuc-dien-thi-truong-dien-may-phia-bac-va-nam-khac-nhau-ra-sao-post1494327.html
Zalo