Cục diện chiến trường sẽ khiến Mỹ thay đổi quan điểm về cuộc khủng hoảng ở Ukraine?

Kể từ khi cuộc xung đột diễn ra vào tháng 2/2022, Mỹ là một trong những quốc gia phương Tây hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho Ukriane, và có ý định giúp đỡ nước này cho đến khi hòa bình được ký kết. Tuy nhiên, xét về cục diện chiến trường hiện nay, phải chăng Washington đang dần thay đổi quan điểm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine?

Quan điểm của Mỹ về giải quyết xung đột ở Ukraine

Ngày 19/9, Izvestia dẫn phát biểu của Đại sứ quán Mỹ tại Moscow cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục giúp đỡ Ukraine cho đến khi các bên đạt được hòa bình chấm dứt xung đột. Mỹ nhấn mạnh rằng, các quốc gia ủng hộ “quyền chủ quyền của Ukraine để tự vệ”. Đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ và người dân Ukraine cho đến khi đạt được hòa bình lâu dài và công bằng”.

Mặc dù phái đoàn ngoại giao Mỹ không giải thích cụ thể điều kiện mang lại hòa bình và thế nào là “công bằng”, song cộng đồng quốc tế có thể hiểu về một thỏa thuận hòa bình sẽ có lợi cho Kiev và các đồng minh phương Tây. Tuy nhiên, qua phát biểu này có thể thấy quan điểm của Mỹ về việc chấm dứt xung đột Ukraine đang dần thay đổi.

 Quân đội Ukraine khai hỏa về phía các vị trí của quân đội Nga. Ảnh: AFP

Quân đội Ukraine khai hỏa về phía các vị trí của quân đội Nga. Ảnh: AFP

Theo Andrei Kortunov, Giám đốc khoa học của Hội đồng các vấn để quốc tế Nga, cho biết Washington không còn hy vọng vào một chiến thắng tuyệt đối của Ukraine trên chiến trường và điều này buộc Mỹ phải hạ thấp kỳ vọng. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi nói về bất kỳ thay đổi cơ bản nào trong quan điểm của Mỹ, cũng như mong đợi điều gì đó mang tính bước ngoặt trước khi kết thúc chiến dịch bầu cử ở Mỹ.

“Một mặt, có mong muốn bằng cách nào đó, nếu không thay đổi hoàn toàn động lực của cuộc xung đột, thì ít nhất cũng là làm chậm bước tiến của Nga và, nếu có thể, tạo điều kiện thuận lợi hơn để Ukraine tiến hành ít nhất các hành động phòng thủ. Mặt khác, do cuộc xung đột đang diễn ra quá lâu và bản thân các nước phương Tây cũng đang chịu những gánh nặng tài chính trong việc hỗ trợ Ukraine nên chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn đóng vai trò là người hòa giải", ông Kortunov cho biết.

"Do đó, sự thay đổi trong giọng điệu khi Mỹ sẵn sàng ủng hộ một loại thỏa thuận ngừng bắn nào đó, các bên ngồi vào bàn đàm phán và thúc đẩy tiến trình hòa bình giải quyết xung đột. Điều này có thể hiểu được, vì Đảng Cộng hòa thường chỉ trích đảng Dân chủ chưa làm đủ để giảm leo thang”.

Vào tháng 11/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng, việc giải quyết xung đột chỉ có thể được thực hiện sau khi lực lượng Nga rút quân khỏi Ukraine. Tiếp đó, vào tháng 4 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng lưu ý rằng, các cuộc đàm phán phụ thuộc vào nhà lãnh đạo Nga, nhấn mạnh sự sẵn sàng của Mỹ đối với các thỏa thuận có tính đến 3 nguyên tắc - chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ukraine.

Giọng điệu của Mỹ về vấn đề Ukraine thay đổi như thế nào?

Ngày 19/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Mỹ có thể ngừng viện trợ cho Ukraine trong tương lai, đặc biệt là khi có sự thay đổi về chính quyền. “Tất nhiên, mọi chính quyền (Mỹ) đều có cơ hội để thiết lập các chính sách riêng của mình. Chúng ta không thể khóa chặt tương lai”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết khi trả lời câu hỏi liệu Washington có tiếp tục tôn trọng nghĩa vụ của mình với Ukraine nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử hay không.

Theo Phó Giáo sư Dmitry Novikov, chuyên gia Trường Kinh tế Cao cấp Moscow nhận định, hiện có 3 nguyên nhân được cho là phù hợp nhất nhằm lý giải cho những thay đổi trong giọng điệu, quan điểm của Mỹ về giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Thứ nhất, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cần phải tính tới một biện pháp “hạ cánh an toàn”, để bảo đảm các mục tiêu chiến lược ở Ukraine không bị thất bại hoàn toàn. Hiện nay, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang bước vào giai đoạn nước rút gay cấn. Mặc dù đang thất thế trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, song cơ hội giành chiến thắng của ông Trump vẫn còn rất lớn, thậm chí có nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngờ về kết quả các cuộc thăm dò dư luận được truyền thông thao túng. Nếu ông Trump giành chiến thắng, không loại trừ khả năng sẽ đảo ngược hoàn toàn chính sách mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy tại Ukraine hiện nay.

Thứ hai, rõ ràng, thất bại trong cuộc phản công của Lực lượng vũ trang Ukraine vào mùa hè năm 2023 là một thất vọng lớn đối với phương Tây và bắt đầu thay đổi quan điểm của giới lãnh đạo Mỹ và các nước châu Âu rằng, chiến thắng trước Nga trên chiến trường là điều không thể đạt được, điều này đồng nghĩa là cần phải đàm phán và đạt được những nhượng bộ đáng kể.

Thứ ba, bản thân Mỹ cũng dần cảm nhận được rõ hơn gánh nặng tài chính trong việc hỗ trợ cho quân đội Ukraine trong một cuộc chiến kéo dài, chưa có hồi kết. Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra vào tháng 2/2022, Mỹ là một trong những quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine khi rót hàng chục tỷ USD vào cuộc xung đột này.

Trong khi đó, ám ảnh suy thoái kinh tế vẫn đang bao trùm lên nước Mỹ. Capital Economics nhận định, nền kinh tế Mỹ vẫn đang trên bờ vực của suy thoái bất chấp chứng khoán tăng điểm trong năm nay trong bối cảnh dự báo về một cuộc “hạ cánh mềm”. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chịu áp lực lớn nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng tài chính năm 2008.

Các phương án chấm dứt xung đột ở Ukraine

Sự thay đổi quan điểm của Mỹ, mặc dù chưa được chính thức công bố, cho thấy Mỹ đang dần chấp nhận thực tế rằng việc kết thúc xung đột bằng vũ lực hoàn toàn không còn là phương án khả thi. Tuy nhiên, theo chuyên gia Dmitry Novikov, bất kỳ thay đổi lớn nào trong lập trường của Mỹ về cuộc xung đột Ukraine sẽ không xảy ra ngay lập tức. Chính trị nội bộ của Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, sẽ có ảnh hưởng lớn đến cách Washington tiếp cận cuộc xung đột này.

 Binh lính và xe tăng Ukraine trên chiến trường. Ảnh: AP

Binh lính và xe tăng Ukraine trên chiến trường. Ảnh: AP

Trước khi chiến dịch bầu cử hoàn tất, không nên kỳ vọng Mỹ sẽ thay đổi triệt để lập trường của mình. Trong ngắn hạn, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì ủng hộ Ukraine và khẳng định lập trường rằng bất kỳ giải pháp nào cho cuộc xung đột cũng phải đảm bảo chủ quyền và an ninh của Ukraine. Tuy nhiên, với những áp lực từ chiến trường và những thay đổi trong chính trị nội bộ, Washington có thể phải điều chỉnh kỳ vọng và chiến lược của mình trong tương lai gần.

Trong khi đó, với Nga, nước này sẽ khó chấp nhận bất kỳ nhượng bộ nào trong bối cảnh đang chiếm ưu thế trên chiến trường, đặc biệt là sau “cú tát” từ quân đội Ukraine tiến hành chiến dịch tấn công vào Kursk. Do đó, ưu tiên của quân đội Nga hiện nay là đẩy lùi lực lượng Ukraine ra khỏi Kursk, đồng thời tiếp đà mở rộng tấn công tại các mặt trận tại miền Đông Ukraine.

Khi đó, Nga sẽ quay trở lại các điều kiện cốt lõi trong sáng kiến hòa bình của Tổng thống Vladimir Putin đưa ra vào trung tuần tháng 6/2024 là: (1) Quân đội Ukraine rút quân khỏi các khu vực Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng (LPR), Zaporozhye và Kherson; (2) Tình trạng trung lập, không liên kết và không có lực lượng hạt nhân trên lãnh thổ Ukraine; (3) Phi quân sự hóa, phi quốc tế hóa Ukraine; (4) Ấn định quy chế cho các vùng Crimea, Sevastopol, DPR, LPR, Kherson và Zaporozhye là các vùng của Nga trong các điều ước quốc tế; (5) Dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga.

Với Ukraine, cục diện chiến sự tại Kursk sẽ đóng vai trò bước ngoặt quan trọng đối với tình hình chung của cuộc xung đột Ukraine. Bởi lẽ, để triển khai cuộc tấn công bất ngờ này, quân đội Ukraine đã chơi “một canh bạc tất tay” và sử dụng mọi lực lượng tốt nhất của mình. Nếu thất bại, quân đội Ukraine rất có thể sẽ không còn đủ sức để kháng cự nếu quân đội Nga tổ chức tấn công trở lại trong tương lai.

Gần như cùng thời điểm phía Ukraine tổ chức phản công ở Kursk, phía Nga cũng tiến hành tấn công và giành được nhiều vị trí quan trọng ở khu vực miền đông Ukraine. Điều này cho thấy quân đội Nga nhiều khả năng sẽ mở rộng chiến dịch tấn công ở mặt trận phía đông Ukraine trong tương lai, nhằm thiết lập một “vùng đệm” an toàn khác để ngăn cản những nguy cơ đối với các khu vực của Nga giáp biên giới Ukraine, như Belgorod vào Kursk. Nếu quân đội Ukraine không đủ sức kháng cự, kịch bản phân chia lãnh thổ là hoàn toàn có thể xảy ra khi chính quyền Kiev buộc phải chấp nhập nhượng bộ về lãnh thổ nhằm chấm dứt xung đột.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuc-dien-chien-truong-se-khien-my-thay-doi-quan-diem-ve-cuoc-khung-hoang-o-ukraine-post313157.html
Zalo