Cửa hàng tiện lợi – sân chơi của các đối thủ ngoại

Thị trường cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam chỉ chiếm 0,3% giá trị ngành bán lẻ Việt Nam, hầu hết nằm trong tay các đối tác nước ngoài, tương tự như mảng đại siêu thị và trung tâm thương mại.

Bài toán lợi nhuận luôn là vấn đề đau đầu của các chuỗi cửa hàng tiện lợi, bởi hầu hết đều “cắn răng” chịu lỗ trong thời gian dài để tìm mô hình kinh doanh thích hợp, giành thị phần.

Có bao nhiêu cửa hàng tiện lợi?

Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, đến tháng 3-2023, Việt Nam có khoảng 3.720 cửa hàng tiện lợi khắp cả nước, giảm nhẹ so với năm 2022. Trong số này có 2.600 cửa hàng tập trung tại TPHCM, số còn lại rải đều ở Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và các nơi khác. Hãng Statista cũng sử dụng các con số này.

Bên trong một cửa hàng tiện lợi của chuỗi K-Market. Đây là chuỗi thực phẩm Hàn Quốc thuộc sở hữu của một công ty Việt Nam. Ảnh: K-Market

Bên trong một cửa hàng tiện lợi của chuỗi K-Market. Đây là chuỗi thực phẩm Hàn Quốc thuộc sở hữu của một công ty Việt Nam. Ảnh: K-Market

Báo cáo tháng 9-2024 của hãng tư vấn B&Company (Nhật Bản) nói Việt Nam có 1.374 cửa hàng tiện lợi. Khảo sát của Nielsen Việt Nam cuối năm 2023 chỉ rõ, Circle K chiếm 48% về thị phần theo doanh thu, tiếp theo là Ministop (15%), GS25 (14%), Family Mart (12%) và 7-Eleven (8%).

Thực ra, hai “trường phái” cung ứng số liệu này cho thấy sự phân định tiêu chuẩn rõ ràng của các loại hình bán lẻ tại Việt Nam và sự hấp dẫn của thị trường này, bao gồm mảng cửa hàng tiện lợi. Đó cũng là sự linh hoạt của doanh nghiệp trong việc lựa chọn mô hình kinh doanh.

Theo phân loại của Bộ Công Thương, siêu thị loại 1 phải có diện tích từ 3.500 mét vuông trở lên, danh mục hàng hóa từ 20.000 mã hàng trở lên. Siêu thị loại 2 phải có diện tích 2.000 mét vuông trở lên, danh mục hàng hóa từ 10.000 mã hàng. Còn siêu thị loại 3 có diện tích từ 500 mét vuông và 4.000 mã hàng.

Trong khi đó, siêu thị mini diện tích từ 80 mét vuông trở lên và có từ 500 mã hàng. Đây chính là không gian phát triển cho các chuỗi cửa hàng tiện lợi, chuỗi siêu thị mini và mô hình kinh doanh khác.

Bà Vũ Thị Hậu, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, lý giải về sức hấp dẫn của mảng thị trường cửa hàng tiện lợi đối với các nhà đầu tư nước ngoài: “Mở một siêu thị đòi hỏi khá nhiều thời gian trong việc tìm kiếm vị trí cửa hàng thích hợp và xin hàng loạt giấy phép. Ngược lại, việc xin giấy phép và tìm địa điểm cho các cửa hàng dưới 500 mét vuông dễ dàng hơn nhiều, với chi phí đầu tư cũng thấp hơn”.

Quá trình đô thị hóa, tầng lớp trung lưu gia tăng, thói quen mua sắm thay đổi, và đặc biệt là giới trẻ đô thị ngày càng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm và dịch vụ có tính tiện lợi cao… “Đó là những yếu tố chính cho sự phát triển và tăng trưởng hai con số của các cửa hàng tiện lợi trong thời gian qua. Họ tập trung và mở rộng dần các mặt hàng ăn uống, đáp ứng nhu cầu ăn nhanh của giới trẻ, nhân viên văn phòng ở các đô thị lớn”, theo giải thích của ông Đỗ Duy Thanh, nhà sáng lập kiêm giám đốc của FnB Director. Đây là công ty chuyên tư vấn về quản trị, khởi nghiệp và nhượng quyền trong ngành kinh doanh ẩm thực.

Sân chơi của các đối thủ ngoại

Cửa hàng đầu tiên của chuỗi siêu thị mini K-Market khai trương năm 2006, chuyên bán các sản phẩm Hàn Quốc, nhưng chuỗi này thuộc sở hữu hoàn toàn của một công ty Việt Nam. Sau 19 năm kinh doanh, K-Market hiện có 69 cửa hàng ở khắp các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội và Hải Phòng, đáp ứng nhu cầu đa dạng các sản phẩm Hàn Quốc của người tiêu dùng và cộng đồng người Hàn đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Circle K là chuỗi cửa hàng tiện lợi nước ngoài đầu tiên thâm nhập thị trường Việt Nam vào năm 2008. Circle K tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2022, củng cố vị trí hàng đầu tại Việt Nam, dẫn đầu về số lượng cửa hàng, doanh số và lợi nhuận tại Việt Nam. Đến cuối năm 2024, chuỗi này có 476 cửa hàng, hoạt động 24/7 và giao hàng đến tận nhà thông qua các ứng dụng giao nhận thực phẩm. Đây chính là thế mạnh khác biệt của Circle K, khiến giới trẻ đô thị, đặc biệt là những người độc thân ưa chuộng.

Năm 2009, Family Mart thâm nhập vào thị trường Việt Nam, mở đầu cho sự xuất hiện của các chuỗi cửa hàng tiện lợi khác của Nhật Bản như Ministop vào năm 2015 và 7-Eleven năm 2017. Hiện số cửa hàng của các chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản dao động từ 110-190.

Đến năm 2018, chuỗi cửa hàng GS25 từ Hàn Quốc vào Việt Nam và có tốc độ mở rộng thuộc loại mạnh mẽ. Tháng 8-2023, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) đã đầu tư 20 triệu đô la vào chuỗi này để thúc đẩy kế hoạch mở rộng trong hai năm kế tiếp. Vào thời điểm này, GS25 chỉ có hơn 200 cửa hàng (theo Vietdata), nhưng đến nay số cửa hàng đã lên đến 355 (theo Korea Times).

B’s Mart là chuỗi cửa hàng thuộc sở hữu của người Thái, hoạt động từ năm 2013. Chuỗi này phải chật vật để cạnh tranh với các chuỗi cửa hàng của Nhật Bản và Hàn Quốc đến sau. Ban đầu công ty này tham vọng đặt kế hoạch mở 150 cửa hàng, nhưng hiện chỉ vận hành 84 cửa hàng, chủ yếu tập trung ở TPHCM.

Đường trường thua lỗ

Các kênh thương mại hiện đại (MT) gồm đại siêu thị, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử… hiện chiếm 25-45% tổng giá trị bán lẻ tại Việt Nam, tùy theo ngành hàng, theo Brands Vietnam. Tuy vậy, các kênh truyền thống (GT) như chợ truyền thống và tiệm tạp hóa đang giảm dần vai trò trong cuộc sống đô thị hiện đại. Hãng Kantar dự báo sẽ sớm có tỷ lệ cân bằng 50-50 giữa hai kênh này trong thời gian tới.

Hãng nghiên cứu thị trường B&Company dự đoán rằng lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam, bao gồm cả cửa hàng tiện lợi, đạt 276 tỉ đô la trong năm 2024. Bộ Công Thương dự đoán thị trường có thể mở rộng lên 350 tỉ đô la trong năm 2025 này.

Chấp nhận thua lỗ để chiếm thị phần gần như là chiến lược chung trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Sự cạnh tranh gay gắt trong cả lĩnh vực bán lẻ nói chung và phân khúc cửa hàng tiện lợi đã khiến lợi nhuận trở thành chuyện tìm nguồn nước hiếm hoi giữa sa mạc.

GS25 được xem là ví dụ điển hình cho cuộc đua giành thị phần. Xuất hiện muộn so với các đối thủ Nhật Bản và Thái Lan, chuỗi này đặt mục tiêu mở 2.500 cửa hàng vào cuối năm 2027, tức sau 10 năm có mặt tại Việt Nam. Với sự hậu thuẫn của Sơn Kim Retail và Tập đoàn mẹ GS Retail của Hàn Quốc, GS25 đã chấp nhận thua lỗ ngắn hạn để giành thị phần. Mức lỗ năm 2023 theo báo cáo là 4 triệu đô la, nhưng đã giảm so với mức 6,7 triệu đô la của năm 2022.

Vì thế, GS25 đã điều chỉnh kế hoạch ban đầu, với mục tiêu chỉ còn 500 cửa hàng trong năm 2025 và 700 cửa hàng vào năm 2027, tức 28% so với tham vọng, dù có khoản đầu tư 20 triệu đô la từ IFC, theo Korea Times.

Family Mart cũng có tham vọng tương tự và cũng gặp thua lỗ như GS25, nhưng khoản lỗ năm 2023 đã thu hẹp còn 400.000 đô la. Doanh thu của Ministop và 7-Eleven đều tăng trong năm 2023, lần lượt tăng 12% và 37,4% trong năm 2023. Khoản lỗ của Ministop là 2 triệu đô la trong năm 2023, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Còn 7-Eleven lỗ 4 triệu đô la trong năm 2023.

Gam màu sáng

Giữa bức tranh xám của toàn ngành, Circle K và K-Market là hai gam màu sáng hiếm hoi.

Năm 2022, Circle K công bố mức tăng trưởng doanh thu mạnh nhất, đạt 160 triệu đô la và vượt qua hai năm lỗ lũy kế. Đây là chuỗi cửa hàng nước ngoài duy nhất báo cáo lợi nhuận vượt quá 4 triệu đô la trong năm 2022, báo cáo của Vietdata công bố tháng 7-2024 nhấn mạnh.

Chuỗi K-Market cũng có mức lợi nhuận khiêm tốn trong hai năm 2022-2023 sau 18 năm hoạt động tại Việt Nam.

Báo cáo của Vietdata đã không đề cập tình hình kinh doanh của hai chuỗi WinMart và Bách hóa Xanh do cách phân loại “cửa hàng tiện lợi” ngay từ đầu.

Nhưng hai chuỗi bán lẻ lớn nhất của Việt Nam đều không thể tránh khỏi tình trạng thua lỗ nhiều năm như các đối thủ cửa hàng tiện lợi khác. Tình hình có vẻ sáng hơn trong năm 2024 khi các bản báo cáo kinh doanh từ quí 2 và quí 3 của WinMart và Bách hóa Xanh có phần tươi tắn hơn.

Tham khảo các nguồn:

https://www.koreatimes.co.kr/www/tech/2025/01/129_389832.html

https://www.vietdata.vn/post/vietnam-s-convenience-retail-market-after-covid-19-businesses-race-for-market-share

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cua-hang-tien-loi-san-choi-cua-cac-doi-thu-ngoai/
Zalo