Cử tri quận Tân Bình lo trước nhiều công trình trọng điểm chậm tiến độ
Chiều 10/7, tại hội trường Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Q.Tân Bình, Tổ đại biểu Quốc hội số 5 Đoàn ĐBQH TPHCM đã có buổi tiếp xúc cử tri Q.Tân Bình sau khi kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV kết thúc.
Tổ đại biểu Quốc hội số 5 dự buổi tiếp xúc cử tri Q.Tân Bình có Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TPHCM. Mở đầu buổi tiếp xúc với cử tri Q.Tân Bình, ông Trần Anh Tuấn đã báo cáo sơ bộ kết quả kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Trong buổi làm việc chiều 10/7, các vấn đề xoay quanh loạt dự án trọng điểm đang được triển khai trên địa bàn Q.Tân Bình đã được cử tri rất quan tâm. Cử tri cho rằng, các dự án trọng điểm càng bị "ngâm" sẽ càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân cũng như "hãm đà" phát triển kinh tế của địa phương.
Cử tri Hoàng Công Sự (ngụ P13) nêu: Dự án nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa dù đã triển khai thi công song người dân vẫn chưa nhận được thông báo chính thức về việc di dời, giải tỏa và đền bù. Ngoài ra, ông Sự còn chỉ ra những tác động gây hại đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân dọc theo công trình này.
"Chúng tôi bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng ồn và bị chỉ trích là không chịu di dời, trong khi thực tế chúng tôi chưa nhận được thông báo chính thức" - ông Sự nói.
Tiếp nối ông Sự, cử tri Phạm Trung Tuyến (cùng ngụ P13) cùng chung nỗi lo liên quan đến dự án trọng điểm trong năm 2024 của TPHCM nhằm "tháo" kẹt xe cho khu vực Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Ông Tuyến nói: "Hiện trên tuyến đường này vẫn còn 2 hộ chưa dời đi, gây chậm trễ tiến độ dự án. Tôi đề nghị UBND Q.Tân Bình có hướng xử lý, hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ".
Còn với cử tri Phạm Thị Quyên (ngụ P15) đã bày tỏ sự bức xúc về việc dự án xây dựng, mở rộng đường Phạm Văn Bạch đã bị chậm tiến độ, kéo dài suốt hơn 20 năm qua. Bà Quyên chỉ ra, sự chậm trễ này đã trở thành nguyên nhân để một số hộ dân "tranh thủ" xây dựng, lấn chiếm đất trái phép.
Cử tri đến từ P15 đề nghị Q.Tân Bình cần có sự nhất quán, đồng bộ trong công tác chỉ đạo, khẩn trương khắc phục tình trạng lấn chiếm trái phép, đẩy nhanh công tác chi trả, bồi thường giải tỏa để đưa dự án... về đích.
Nhiều cử tri cũng bức xúc về dự án Kênh Hy Vọng, công trình cải thiện môi trường và giảm ngập khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, đã "trùm mền" gây ô nhiễm, ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân...
Trả lời các cử tri, bà Lê Thị Thu Sương, Phó Chủ tịch UBND Q.Tân Bình đã giải đáp, cung cấp thông tin về các dự án. Đối với dự án đường Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, bà Sương cho biết, dự án được triển khai đã gây ảnh hưởng đến đời sống của 85 hộ dân. Trong đó, có 67 hộ dân và 1 tổ chức đã được hoàn chỉnh dự thảo chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Phó Chủ tịch UBND Q.Tân Bình thông tin, hiện nay địa phương đang gấp rút cùng Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố lập, trình phê duyệt đồ án quy hoạch tổng mặt bằng tỉ lệ 1/800 của khu đất tái định cư để làm cơ sở ban hành quyết định thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư.
Với 17 trường hợp không bồi thường, hỗ trợ về đất, UBND Q.Tân Bình đã thực hiện bàn giao mặt bằng với tổng diện tích hơn 130.000 m2 (theo các quyết định thu hồi, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ của UBND Q.Tân Bình đã ban hành). Đến nay, Q.Tân Bình đã lập thủ tục bàn giao mặt bằng cho BQLDA để triển khai thực hiện dự án.
Về dự án đường Hoàng Hoa Thám mở rộng vào Nhà ga T3 thuộc Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, bà Sương cho biết, dự án triển khai đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 150 hộ dân.
Trong đó, 129 hộ đã nhận tiền bồi thường; 5 trường hợp chưa đồng ý và đã có đơn khiếu nại gửi đến các cấp; 17 trường hợp vướng thủ tục pháp lý do chưa kê khai di sản thừa kế, thế chấp tài sản, có yếu tố nước ngoài… và 2 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng sẽ được UBND Q.Tân Bình xử lý, nếu cấp bách sẽ ban hành quyết định cưỡng chế.
Liên quan đến dự án mở rộng đường Phạm Văn Bạch (qua Q.Tân Bình và Gò Vấp), Phó Chủ tịch UBND Q.Tân Bình thông tin, có khoảng hơn 700 hộ dân bị ảnh hưởng khi triển khai thi công.
Trong đó, 632/701 trường hợp đã đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ; 69 trường hợp chưa đồng thuận và đang được UBND quận tiếp tục vận động bàn đồng thuận bàn giao mặt bằng.
Về dự án Kênh Hy Vọng, Phó Chủ tịch UBND Q.Tân Bình thông tin, hiện Hội đồng nhân dân TPHCM đã thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 05 về Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. UBND TPHCM đã có quyết định giao nhiệm vụ lập báo cáo, nghiên cứu tiền khả thi các dự án cải tạo kênh và hiện các sở ngành TPHCM đang thực hiện các trình tự thủ tục để phê duyệt chủ trương thực hiện dự án.
Lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của cử tri, Trung tướng Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tiếp thu và tổng hợp đầy đủ ý kiến của cử tri để gửi đến các Bộ, ngành, cơ quan chức năng xem xét giải quyết và trả lời cử tri theo đúng quy định.
Q.Tân Bình thông tin về dự án 2 trường học bị "đắp chiếu" suốt 22 năm
Tại buổi làm việc chiều 10/7, nhiều cử tri đã nêu ý kiến về dự án xây dựng Trường THPT Tân Sơn và Trường THCS Trần Thánh Tông "đắp chiếu" 22 năm. Trả lời, bà Lê Thị Thu Sương, Phó Chủ tịch UBND Q.Tân Bình cho biết, quận đang xin ý kiến UBND TPHCM để điều chỉnh dự án xây dựng 2 trường thành 1 trường đạt chuẩn quốc gia. Theo thống kê, đến năm 2028, địa bàn phường 15 cần 76 lớp học cho 3.392 học sinh. Tuy nhiên, dự án xây dựng các trường học mới vẫn chưa được triển khai do vướng phải vấn đề đền bù và giải phóng mặt bằng. Điều này đang gây bức xúc lớn cho cư dân địa phương, đặc biệt là các học sinh tốt nghiệp tiểu học buộc phải đi học tại các phường khác.
Đến nay, UBND Q.Tân Bình đang lấy ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM về chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án xây dựng Trường THPT Tân Sơn và Trường THCS Trần Thánh Tông.