Cử tri mong muốn tháo gỡ 'điểm nghẽn' trong giải ngân vốn đầu tư công

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 5/11, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nhiều cử tri Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân trên địa bàn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước. Đến cuối tháng 10/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh mới đạt 22,2%. Trong khi đó, số liệu công bố tại Kỳ họp, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 10 của cả nước ước đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo ông Trương Hiền Phương (chuyên gia kinh tế - tài chính), hiện Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang đẩy mạnh những giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” trong giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, với diễn biến triển khai các dự án đầu tư công hiện nay, nhiều khả năng việc giải ngân khó đạt mục tiêu đã đề ra.

Ông Trương Hiền Phương cho rằng, có hai nguyên nhân chính khiến giải ngân đầu tư công trong năm nay chưa như kỳ vọng. Về khách quan, thời gian qua, ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn, do đó việc đáp ứng nguyên vật liệu xây dựng như cát, đá… cho các dự án đầu tư công, nhất là ở khu vực phía Nam chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất xây dựng ở một số địa phương chưa đáp ứng kịp yêu cầu dự án. Nguyên nhân chủ quan là việc chậm giải ngân liên quan đến thủ tục hành chính, quy định chưa được tháo gỡ kịp thời.

Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, ông Trương Hiền Phương cho rằng, thời gian tới, các đơn vị, chủ đầu tư dự án cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương trong việc triển khai các dự án; đồng thời cần có sự quyết liệt hơn từ Trung ương đến địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính… ở các dự án đầu tư công.

Cũng dưới góc độ chuyên gia kinh tế, ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết, thời điểm hiện tại, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có phần chậm lại so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính của việc giải ngân chậm chủ yếu là do các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách và sự lo ngại trách nhiệm ở một số bộ phận cán bộ quản lý Nhà nước.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, vai trò người đứng đầu tại một số bộ, ngành và địa phương chưa được phát huy đầy đủ. Trong khi đó, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân; công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án chưa tốt; giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm… đã khiến việc giải ngân đầu tư công chưa như kỳ vọng.

Do đó, để tháo gỡ "điểm nghẽn" giải ngân đầu tư công, ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, cần có các giải pháp tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác lập kế hoạch đầu tư công. Người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án để bảo đảm hiệu quả đầu tư. Đồng thời cần cải thiện thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách trong đầu tư công; công khai, minh bạch các dự án đầu tư để phòng, chống tham nhũng và lợi ích nhóm trong đầu tư công…

H.Chung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cu-tri-mong-muon-thao-go-diem-nghen-trong-giai-ngan-von-dau-tu-cong-20241105140725877.htm
Zalo