Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề về việc làm và y tế

Ngày 9/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh và Trà Vinh có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề để lấy ý kiến về vấn đề việc làm và y tế.

Cử tri Tây Ninh góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)

Ông Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh chủ trì, phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: Giang Phương/TTXVN

Ông Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh chủ trì, phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: Giang Phương/TTXVN

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Trần Hữu Hậu thông tin một số nội dung dự kiến làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Hoàng Thị Thanh Thúy, thông tin thêm về các nội dung liên quan Luật Việc làm (sửa đổi); đồng thời đề nghị các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức trao đổi, thảo luận, góp ý, bổ sung hướng đến giải quyết vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, xử lý kịp thời vấn đề mới phát sinh, tạo cơ sở pháp lý để hoàn thiện Luật Việc làm (sửa đổi).

Các cử tri quan tâm đến một số nội dung còn chưa phù hợp trong thực tiễn của Luật Việc làm cần được sửa đổi; kiến nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp để đảm bảo hài hòa lợi ích của đóng và hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Để Luật Việc làm (sửa đổi) đảm bảo đầy đủ, phù hợp với thực tiễn, cử tri Lê Trường Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp kiến nghị, xem xét bỏ điểm đ khoản 3 Điều 87 Chương VII của Luật Việc làm là: “Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo trong trường hợp: Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng”.

Ông Lê Trường Thọ lý giải: Đây là thời gian tham gia chế độ bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Nếu không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo thì có thể dẫn đến tình trạng người lao động có thời gian tham gia bằng hoặc dưới 144 tháng nghỉ việc (chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật) để làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Đồng thời, trong thời gian này, nếu người lao động nghỉ với số lượng lớn mà doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động sẽ ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cử tri Hồ Văn Khanh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh nêu một số khó khăn trong việc triển khai về đối tượng vay vốn. Cử tri Huỳnh Hiếu Nghĩa, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Trảng Bàng băn khoăn hiện nay chưa có quy định đối tượng là người mãn hạn tù, đặc xá, chấp hành án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng được vay vốn giải quyết việc làm, duy trì, mở rộng việc làm.

Kết luận Hội nghị, ông Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho biết sẽ tổng hợp ý kiến và xem xét kiến nghị đến Quốc hội trong thời gian tới.

Nhấn mạnh, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ liên quan rất nhiều đến các chính sách hỗ trợ như: Đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục được xem xét hỗ trợ, các cơ quan, các nguồn, cơ chế để hỗ trợ, ông Phạm Hùng Thái đề nghị cử tri, nhất là những người trực tiếp làm công tác có liên quan đến lao động việc làm tại địa phương, cơ sở đã có nhiều cọ xát trong thực tiễn tiếp tục nghiên cứu các nội dung trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) và gửi các ý kiến đến Cổng thông tin điện tử hoặc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để tổng hợp, kiến nghị theo thẩm quyền.

Cử tri Trà Vinh kiến nghị giải quyết nhiều khó khăn cho ngành Y tế

Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Trà Vinh chủ trì buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Trà Vinh chủ trì buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Tại hội nghị tiếp xúc với cử tri ngành Y tế, cử tri Trà Vinh nêu nhiều ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động hiện nay; đồng thời đóng góp ý kiến đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; đề xuất phụ cấp ưu đãi nghề trong ngành Y tế…

Đáng chú ý là các ý kiến về những bất cập trong công tác đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế cho các cơ sở y tế công lập, việc chậm quyết toán và phải xuất toán kinh phí thanh toán khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế… khiến các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động.

Bác sĩ Lâm Quốc Danh, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Duyên Hải cho biết, việc chi trả tiền lương theo phương án tự chủ hiện nay tại đơn vị rất bất cập, do nguồn thu khám, chữa bệnh không ổn định. Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm chậm quyết toán kinh phí khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế khiến đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, công tác đấu thầu cung ứng thuốc, phân cấp cho từng đơn vị tự đấu thầu cũng gặp khó, do có nhiều mặt hàng thuốc kiểm soát đặc biệt (gây nghiện hướng thần, thuốc độc bảng A, B…), thuốc sử dụng số lượng ít nên đa phần các công ty không tham gia đấu thầu dẫn đến đơn vị bị thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh có phương án đấu thầu (thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm chẩn đoán) chung cho tất cả các đơn vị khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh để các đơn vị có sự điều chuyển phù hợp.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh yêu cầu các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, bất cập cho ngành Y tế thuộc thẩm quyền phụ trách. Những ý kiến thuộc thẩm quyền xử lý của Trung ương, Đoàn sẽ tổng hợp trình Quốc hội xem xét, giải quyết.

Ông Ngô Chí Cường mong muốn, ngành Y tế tỉnh Trà Vinh khắc phục khăn, tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ, tiếp cận với kỹ thuật, các tiến bộ y khoa mới của tuyến trên để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Giang Phương - Thanh Hòa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cu-tri-kien-nghi-nhieu-van-de-ve-viec-lam-va-y-te-20241009185847799.htm
Zalo