Cử tri Đà Nẵng, Long An kiến nghị nhiều vấn đề dân sinh, phát triển địa phương
Ngày 25/4, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng và tỉnh Long An đã có buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Cử tri Nguyễn Thanh Ngọc (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) phát biểu tại buổi tiếp xúc - Ảnh: TTXVN
Tại các điểm tiếp xúc, nhiều vấn đề về tổ chức bộ máy, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng vùng đã được cử tri quan tâm kiến nghị.
Tại thành phố Đà Nẵng, các đại biểu Quốc hội đã ghi nhận và phản hồi ý kiến cử tri liên quan đến tiến độ sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính; giải pháp hỗ trợ việc làm cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã sau khi kết thúc nhiệm vụ; cũng như định hướng phát triển thành phố trong giai đoạn mới.
Nhiều cử tri bày tỏ lo lắng trước việc sẽ chấm dứt sử dụng lực lượng không chuyên trách ở cơ sở. Cử tri Nguyễn Thị Ái Ly (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) chia sẻ, chị đã làm cán bộ không chuyên trách hơn 10 năm nay. Chính sách hiện hành còn bất cập, chưa hợp lý khi phân biệt giữa người giữ chức danh do bầu cử và không bầu cử, trong khi đóng góp thực tế lại tương đương. Cử tri đề nghị cần có chế độ đánh giá theo thời gian công tác và chức vụ đảm nhận; đồng thời kiến nghị thành phố xây dựng cơ chế hỗ trợ tìm việc, ưu tiên tuyển dụng cho nhóm lao động này, bởi đa phần đã ngoài 35 tuổi, gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập thị trường lao động.
Cử tri Nguyễn Thị Hương (phường Phước Ninh, quận Hải Châu) cho rằng đội ngũ không chuyên trách ở cơ sở hiện nay hầu hết là đảng viên, có trình độ, thông thạo công nghệ số và nắm chắc tình hình địa bàn. Vì vậy, nên cân nhắc bố trí lực lượng này tham gia các vị trí chủ chốt ở thôn, tổ dân phố, tránh lãng phí nguồn nhân lực.
Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định, thành phố trân trọng và đánh giá cao vai trò của lực lượng không chuyên trách, coi đây là nguồn đóng góp quan trọng cho phát triển địa phương trong thời gian qua. Theo định hướng chung, lực lượng không chuyên trách sẽ từng bước chuyển giao vai trò cho đội ngũ chuyên trách. Lãnh đạo thành phố đang nghiên cứu để xây dựng chính sách phù hợp, vừa bảo đảm quyền lợi cá nhân vừa đáp ứng yêu cầu tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả.
Hiện thành phố Đà Nẵng có hơn 900 người hoạt động không chuyên trách, trong khi tỉnh Quảng Nam còn nhiều hơn. Trong bối cảnh cả hai địa phương đang chuẩn bị lộ trình sáp nhập theo chủ trương Trung ương, HĐND hai tỉnh thành đang bàn bạc để xây dựng cơ chế thống nhất, bảo đảm thực hiện đồng bộ sau khi hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, sau khi sáp nhập với Quảng Nam, quy mô thành phố Đà Nẵng sẽ tăng gấp 10 lần, với diện tích khoảng 12.000 km² và dân số hơn 3 triệu người, trở thành một trong những đô thị có quy mô lớn nhất cả nước. Đây là cơ hội lớn để thành phố tận dụng cơ chế chính sách đặc thù, phát triển đột phá. Việc hợp nhất với Quảng Nam cũng giúp Đà Nẵng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri - Ảnh: TTXVN
Tại tỉnh Long An, buổi tiếp xúc cử tri diễn ra với sự tham dự của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thanh Hải. Các đại biểu thông tin về những nội dung dự kiến Quốc hội sẽ xem xét tại kỳ họp tới, nhất là về công tác lập pháp, ngân sách Nhà nước và các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng.
Cử tri Long An kiến nghị Quốc hội sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, cần ban hành quy định chi tiết về tuyển dụng, đãi ngộ cán bộ làm việc trong lĩnh vực khoa học – công nghệ và chuyển đổi số; có chính sách hỗ trợ tổ công nghệ số cộng đồng ở cơ sở; hướng dẫn đánh giá hiệu quả thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước.
Một số ý kiến đề xuất Quốc hội và Chính phủ có giải pháp vĩ mô ứng phó với tác động của xung đột thương mại đến xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm giải trình nhằm tạo điều kiện cho địa phương chủ động triển khai nhiệm vụ phát triển. Nhiều cử tri cũng kiến nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm có tính liên kết vùng như cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 3 và Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, mở rộng các tuyến Quốc lộ 62, N1, N2 và các trục giao thông kết nối Long An – Tây Ninh phục vụ tiến trình sáp nhập tỉnh trong tương lai.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao các ý kiến đóng góp, đồng thời đề nghị các sở, ngành và UBND tỉnh cần chủ động rà soát, phân loại các kiến nghị, nhất là các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, kiến nghị lên Quốc hội tại kỳ họp tới, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển địa phương.