Cụ thể hóa kế hoạch chống buôn lậu từng địa bàn

6 tháng đầu năm nay, ngành đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 8.201 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2023 với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 16.173 tỷ đồng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết: Đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tập trung ở các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không và các tuyến địa bàn ngoài cửa khẩu với nhiều phương thức, thủ đoạn diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, Tổng cục Hải quan đã cụ thể hóa, triển khai các kế hoạch trọng tâm, trọng điểm ở từng địa bàn nhằm cảnh báo và hướng dẫn địa phương siết chặt kiểm soát chống buôn lậu, nhất là tại các địa phương vùng biên.

Là một tỉnh nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long với hai nhánh chính là sông Tiền và sông Hậu cùng hàng nghìn tuyến kênh rạch lớn nhỏ chằng chịt, việc lợi dụng buôn lậu trên các tuyến đường sông là một trong những thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng của tỉnh An Giang.

Đặc biệt, An Giang là tỉnh vùng biên, phía Bắc và Tây Bắc giáp hai tỉnh Kandal và Tà Keo của Campuchia với đường biên giới dài gần 104 km, cửa khẩu vừa đường bộ, đường sông. Nhiều nơi đường biên ở giữa dòng sông rất thuận lợi cho việc vận chuyển trái phép, nhập lậu hàng hóa qua biên giới. Hơn nữa, dân cư ở sát ven sông nên khó khăn cho tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng; trong đó có cả lực lượng hải quan.

Theo đánh giá của Cục Hải quan An Giang, địa phương này tiềm ẩn rủi ro cao về buôn lậu, vẫn còn tình trạng đối tượng dùng xuống máy tốc độ cao, xe gắn máy hoặc thuê người đai vác hàng lậu qua biên giới. Theo đó, nửa đầu năm 2024 Cục Hải quan An Giang đã bắt giữ 2 vụ vận chuyển trái phép tiền qua biên giới, tham gia phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 2 vụ ma túy, thu giữ tang vật trên 1 kg.

Hay tại cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn), ở miền núi phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc mỗi ngày có khoảng 75 phương tiện chở hàng hóa thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa. Hoạt động thông thương hàng hóa sôi động trở lại cũng song hành với nguy cơ gia tăng các thủ đoạn vận chuyển hàng lậu qua biên giới cửa khẩu của các đối tượng đầu nậu.

Đặc biệt, lợi dụng sự hạn chế về nhận thức của một bộ phận người dân trên biên giới, các đối tượng đã thuê xách hàng từ bên kia biên giới vào Việt Nam. Việc xách hàng tuy nhỏ lẻ nhưng lại đi thành nhiều chuyến, nếu được tập trung, thu gom lại sẽ thành số lượng tương đối lớn…

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma Đoàn Tuấn Anh cho biết: Để kiểm soát chặt, không để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại hàng hóa qua biên giới, ngoài việc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ giám sát các phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu, Hải quan cửa khẩu Chi Ma ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý rà soát thông tin doanh nghiệp, ngăn chặn những lô hàng lậu do gian lận trong khai báo.

Theo Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thời gian qua diễn biến phức tạp, các đối tượng lợi dụng sự tạo thuận lợi về cơ chế chính sách, sự phát triển của thương mại điện tử, phương thức chuyển phát nhanh để buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép như: động vật hoang dã, dược phẩm, mỹ phẩm, đồ điện tử, vàng, thuốc tân dược, khoáng sản…

6 tháng đầu năm nay, ngành đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 8.201 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2023 với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 16.173 tỷ đồng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ bày tỏ, nhiều phương thức, thủ đoạn phổ biến được Tổng cục Hải quan phát hiện và xử lý như: Cất giấu hàng hóa trong hành lý ký gửi, hành lý xách tay; khai sai tên hàng, mã số HS, số lượng, chất lượng, trị giá; giả mạo hồ sơ, chứng từ... Hay thủ đoạn gửi hàng qua đường chuyển phát nhanh, sử dụng địa chỉ không chính xác để gửi hàng hoặc thông qua dịch vụ đại lý khai thuê làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa là quà biếu cá nhân không nhằm mục đích thương mại.

Hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất qua biên giới cũng diễn biến hết sức phức tạp tại tuyến đường hàng không và tuyến đường biển. Các băng nhóm, đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia lợi dụng chủ trương ưu đãi, thu hút đầu tư, hoạt động thương mại tìm cách thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam để vận chuyển phương tiện, thiết bị, nguyên liệu, thuê kho bãi… phục vụ hoạt động sản xuất, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và tiếp tục đưa đi nước thứ ba tiêu thụ, biến Việt Nam trở thành điểm trung chuyển mới. Bên cạnh đó, tiền chất nhập khẩu cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng, sử dụng điều chế, sản xuất trái phép ma túy.

Trong bối cảnh trên, Tổng cục cũng đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Văn phòng Thường trực 389 Quốc gia ban hành, hướng dẫn kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm; các mặt hàng nóng như vàng theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Song song với đó, Tổng cục đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các hoạt động xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất vàng của các doanh nghiệp được cấp phép. Đồng thời, giám sát chặt chẽ hàng hóa, hành lý, xuất, nhập qua các cửa khẩu, các lô hàng có dấu hiệu vi phạm, tiến hành kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho hay, ngành sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch liên quan đến chống buôn lậu, gian lận thương mại như: kế hoạch kiểm soát hải quan năm 2024, kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa và kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các cảng hàng không quốc tế...

Đặc biệt, ngành hải quan sẽ hiện đại hóa trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan như đầu tư, mua sắm trang thiết bị như hệ thống máy soi container, máy soi hành lý, camera giám sát, thiết bị phát hiện nhanh ma túy, seal điện tử... phục vụ cho giám sát trực tuyến, soi chiếu, phân tích hình ảnh để kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hành lý của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh. Điều này vừa tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại vừa phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận thương mại.

Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cu-the-hoa-ke-hoach-chong-buon-lau-tung-dia-ban/342635.html
Zalo