Cú sốc sau vụ ông Trump bị ám sát hụt lần 2

Nhiều nước trên thế giới lo ngại rằng nền dân chủ Mỹ đã rạn nứt tới điểm giới hạn và cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 sẽ không kết thúc trong êm đẹp.

 Cựu Tổng thống Donald J. Trump phát biểu trên sân khấu trong Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa tại Milwaukee vào tháng 7. Ảnh: New York Times.

Cựu Tổng thống Donald J. Trump phát biểu trên sân khấu trong Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa tại Milwaukee vào tháng 7. Ảnh: New York Times.

Trong 9 năm kể từ khi ông Donald J. Trump bước chân vào chính trường, nước Mỹ trong mắt người dân trên toàn thế giới dần mang hình ảnh một quốc gia lục đục, ẩn chứa nhiều sự khó lường. Hai lần ám sát hụt nhắm vào vị cựu Tổng thống càng nêu bật nỗi quan ngại của phương Tây về nguy cơ bất ổn dẫn đến bạo lực và nội chiến ở Mỹ.

Thủ tướng Anh Keir Starmer bày tỏ thái độ "rất lo lắng" và "rất đỗi băn khoăn" trước vụ ông Trump bị ám sát hụt tại sân golf chưa đầy 50 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và chỉ 2 tháng sau sự việc tương tự ở bang Pennsylvania.

"Bạo lực không có chỗ trong bất kỳ tiến trình chính trị nào", ông Starmer nói.

Hoài nghi số phận nền chính trị Mỹ

Nhiều quốc gia trên thế giới đang lo ngại rằng cuộc bầu cử vào tháng 11 tới sẽ không có kết thúc tốt đẹp và nền dân chủ Mỹ đã rạn nứt đến điểm bùng nổ.

Chẳng hạn, theo giáo sư lịch sử người Pháp Corentin Sellin, "tình trạng bạo lực hóa trong nền chính trị Mỹ" đã khiến Pháp "tự hỏi liệu chiến dịch tranh cử tổng thống có thể kết thúc trong hòa bình hay không".

Ông Sellin nói nước Pháp đã choáng váng trước việc người ủng hộ ông Trump xông vào Điện Capitol tại Mỹ vào ngày 6/1/2021. Lúc này ở Pháp, người ta vẫn "cho rằng câu chuyện bắt đầu từ cuộc bạo loạn đó vẫn chưa kết thúc" và sẽ chỉ ngã ngũ sau cuộc bầu cử ngày 5/11 tới.

Theo New York Times, mối đe dọa bạo lực luôn là một phần cốt lõi trong những thông điệp ông Trump đưa ra.

Ngay từ lúc này, cựu Tổng thống đã gieo rắc nghi ngờ về kết quả cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới. Trong các phát ngôn của mình, ông liên tục đưa ra lời kêu gọi "đấu tranh" và sử dụng từ ngữ gây kích động để hạ thấp người nhập cư. Ngay trước khi xảy ra cuộc bạo loạn Điện Capitol ngày 6/1, ông từng thúc giục người ủng hộ "chiến đấu đến cùng".

Đáp trả, đảng Dân chủ mô tả ông Trump là mối đe dọa trực tiếp đối với nền dân chủ Mỹ, và là "mối đe dọa đối với nền tự do của chúng ta", theo lời Phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ.

 Hạ nghị sĩ Pat Fallon chất vấn ông Kimberly Cheatle, khi đó là Giám đốc Sở Mật vụ, về vụ ám sát hụt ông Trump hồi đầu tháng 7. Ảnh: New York Times.

Hạ nghị sĩ Pat Fallon chất vấn ông Kimberly Cheatle, khi đó là Giám đốc Sở Mật vụ, về vụ ám sát hụt ông Trump hồi đầu tháng 7. Ảnh: New York Times.

Nhưng một số người ở châu Âu lại nhìn nhận mọi thứ theo hướng rất khác.

“Họ đã làm đủ mọi cách”, Andrea Di Giuseppe, nhà lập pháp thuộc đảng cánh hữu Brothers of Italy của Thủ tướng Giorgia Meloni, nói. “Họ cố hạ bệ ông Trump bằng các phiên tòa, bằng những lời bóng gió, bằng lời đe dọa ‘nếu Trump thắng, nền dân chủ sẽ cáo chung’. Sau cùng, khi không còn cách nào hiệu quả, họ đã cố sát hại ông ấy”.

Sau vụ ám sát hụt lần 2, Carsten Luther, biên tập viên quan hệ quốc tế, bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự tồn vong của nền dân chủ Mỹ trong bài viết trên tờ báo Đức Die Zeit. “Đã xuất hiện những lời cảnh báo về khả năng bùng nổ nội chiến, và chúng không còn nghe viển vông như trước”, ông viết.

“Cơn bão hoàn hảo”

Tương tự Mỹ, một số xã hội phương Tây như ở Pháp và Đức cũng chia rẽ sâu sắc, cũng xuất hiện các đảng cực hữu, bài ngoại tung ra thông điệp giống ông Trump. Nhưng các quy định ngặt nghèo về súng đạn tại châu Âu đã kiềm hãm mức độ bạo lực chính trị.

Félix Maradiaga, cựu ứng viên tổng thống Nicaragua và hiện là nghiên cứu viên tại Đại học Virginia, cho biết tình trạng chia rẽ, tâm lý hẹp hòi, và độ phổ biến rộng khắp của súng đạn tại Mỹ đã tạo ra "cơn bão hoàn hảo".

"Cả thế giới đang dõi theo cuộc bầu cử. Nguy cơ lần này đã lên đến đỉnh điểm", ông nói thêm.

Câu hỏi lúc này là đối đầu chính trị ở Mỹ còn có thể bạo lực đến mức nào? Đối với nhiều người trên khắp thế giới, có vẻ như cuộc bầu cử hiện nay đang chứa đựng mầm mống xung đột.

“Chính trị Mỹ đang xảy ra một dạng quá trình phi chính danh hóa lẫn nhau, tức là đối thủ chính trị của chúng ta không còn là đối thủ chính trị thông thường nữa, mà là kẻ thù đe dọa sự sống còn”, Mario Del Pero, giáo sư Lịch sử Mỹ và Quốc tế tại Đại học Sciences Po ở Paris, đánh giá.

 Cảnh sát tập trung quanh Tòa án Liên bang West Palm Beach vào ngày 16/9 sau khi một người đàn ông mang súng bị bắt gần sân golf của ông Trump. Ảnh: New York Times.

Cảnh sát tập trung quanh Tòa án Liên bang West Palm Beach vào ngày 16/9 sau khi một người đàn ông mang súng bị bắt gần sân golf của ông Trump. Ảnh: New York Times.

Cuộc đối đầu cốt lõi trong các xã hội phương Tây không còn xoay quanh những vấn đề nội bộ. Đó đã trở thành cuộc chiến giữa “toàn cầu hóa” và “quốc gia”, giữa những người sống kết nối trong nền kinh tế tri thức với những người bị bỏ lại phía sau ở vùng nông thôn và khu công nghiệp điêu tàn.

Những điểm yếu bộc lộ trong nền dân chủ Mỹ đã gây ra nhiều phản ứng trên toàn thế giới, từ sự hả hê của một số nước “không thân thiện” cho đến tâm lý lo lắng của châu Âu. Rất ít quốc gia đang phát triển hiện còn muốn học hỏi từ Mỹ về cách điều hành xã hội.

Một phần thế giới đang lo lắng. Thời điểm bầu cử chỉ còn cách nay chưa đầy 50 ngày, nhưng có vẻ vẫn là khoảng thời gian quá dài.

"Rốt cuộc thì những người duy nhất có tiếng nói sau cùng là người dân Mỹ", ông Di Giuseppe, nhà lập pháp người Italy, cho biết. "Nếu muốn đánh bại một người mà bạn cho là không đủ tư cách điều hành nước Mỹ, bạn phải đánh bại người đó trong một hệ thống dân chủ thông qua bầu cử, không phải qua đường tòa án hay súng Kalashnikov".

Lạc Chi

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://znews.vn/cu-soc-sau-vu-ong-trump-bi-am-sat-hut-lan-2-post1498763.html
Zalo