Cụ ông 90 kể chuyện 'sếp' Trần Đức Lương làm bản đồ địa chất miền Nam

Công trình với sự góp sức của rất đông anh em nhưng riêng ông Trần Đức Lương với tư cách là lãnh đạo của Cục Bản đồ đã rất trách nhiệm để tổ chức, thực hiện, là nhân tố đem đến sự thành công của công trình. Bản đồ cũng được đánh giá rất cao khi tạo ra một mức độ tài liệu mới nhất, có hàm lượng khoa học và đúng đắn nhất so với cả vùng châu Á.

Hòa trong dòng người đến viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, chiều 24/5, ông Nguyễn Xuân Bao (sinh năm 1934) cùng những người đồng nghiệp, thuộc cấp ở cơ quan cũ đã đến Hội trường Thống Nhất (TPHCM) để viếng vị nguyên lãnh đạo đã dành trọn đời mình cho Tổ quốc.

Vào viếng và viết sổ tang tưởng nhớ nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, ông Nguyễn Xuân Bao đã hồi tưởng những ngày đồng cam cộng khổ qua bao chuyến công tác cùng “anh Lương”, tức Trần Đức Lương, người về sau là Chủ tịch nước.

Ông Bao cho biết, ngày còn nhỏ, ông và nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cùng học chung Trường Phổ thông trung học Lê Khiết (tỉnh Quảng Ngãi). Ông lớn tuổi hơn và học trước nguyên Chủ tịch nước 2 năm. Đến đầu năm 1955, hai người cùng tập kết ra Bắc. Đây cũng gần như là lớp cuối cùng của trường Lê Khiết tập kết ra Bắc.

Ông Nguyễn Xuân Bao đến viếng người đồng đội, đồng nghiệp, đồng môn Trần Đức Lương. Ảnh: Ngô Tùng

Ông Nguyễn Xuân Bao đến viếng người đồng đội, đồng nghiệp, đồng môn Trần Đức Lương. Ảnh: Ngô Tùng

“Anh Lương là người Quảng Ngãi, tôi là người Quảng Nam. Khi tập kết ra Bắc, tôi cùng anh Lương tham gia vào lớp nghề nghiệp về địa chất đầu tiên và là lớp sơ cấp thôi. Khi ra trường, tôi đã cùng anh Lương đi công tác trong một đội để cùng làm việc với các chuyên gia Liên Xô”, ông Nguyễn Xuân Bao nói thêm.

Sau khi làm việc chung với ông Lương 2 năm thì ông Bao đi học tại Trường Đại học Bách khoa rồi về làm việc tại Đoàn Địa chất 20, có nhiệm vụ lập lại bản đồ địa chất miền Bắc tỷ lệ 1/500.000 do các chuyên gia Liên Xô thực hiện và phía Việt Nam tham gia học tập và giúp việc.

Dù ngoài 90 tuổi, ông Bao vẫn nhớ như in những kỷ niệm công tác đặc biệt cùng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Dù ngoài 90 tuổi, ông Bao vẫn nhớ như in những kỷ niệm công tác đặc biệt cùng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Kể về hành trình kế tiếp, ông Bao cho biết “anh Lương” vẫn tiếp tục công tác và học lớp trung cấp địa chất rồi vào Đảng năm 1960 và sau đó làm Đoàn phó Đoàn Địa chất 20. Ngày đó, ông Bao là nhân viên của một đội và ông Lương là “sếp” của ông Bao.

Sau khi làm bản đồ đó (bản đồ địa chất miền Bắc – PV) xong, ông Lương đi học lớp chuyên tu về địa chất để lấy bằng kỹ sư. Sau đó, ông Bao và ông Lương lại cùng về làm việc tại Cục Bản đồ địa chất và ông Lương giữ vai trò Cục phó, còn ông phụ trách kỹ thuật của một đơn vị nhỏ. “Lúc đó chúng tôi có quá trình rất gần gũi, thân thiết, hiểu biết nhau”, ông Bao tâm sự.

Bấy giờ, từ Hiệp định Paris, ông Bao được điều vào miền Nam ở các vùng giải phóng. Trải qua một năm công tác, ông trở về và đề xuất với ông Trần Đức Lương lập bản đồ đồ địa chất của vùng giải phóng ở miền Nam.

“Lúc đó anh Lương rất ủng hộ việc này và gần như với tư cách người quản lý đơn vị, anh đã tạo mọi điều kiện để tôi lập đề án và được thông qua. Rất may vừa được thông qua thì giải phóng gấp rút ở miền Nam. Anh Lương với tư cách lãnh đạo của Cục Bản đồ đã tập hợp mọi lực lượng tinh nhuệ nhất ngoài Bắc để lập ra một bản đồ gọi là Bản đồ địa chất để thực hiện đề án điều tra trên khắp miền Nam với tỷ lệ 1/500.000”, ông Bao hồi tưởng.

Tạo dựng nền tảng cho các nền khoa học kỹ thuật khác liên quan ngành địa chất

Theo ông Bao, trong ngành địa chất, đơn vị của ông là đơn vị đầu tiên “đột nhập” vào khắp miền Nam ngay sau giải phóng miền Nam. Đến đầu năm 1976, gần như toàn bộ miền Nam có hơn 500 người của đoàn địa chất trải khắp khu vực để thực hiện nhiệm vụ và đến năm 1981 thì hoàn thành bản đồ này.

Ông Nguyễn Xuân Bao cũng nhấn mạnh, công trình với sự góp sức của rất đông anh em nhưng riêng ông Lương với tư cách là lãnh đạo của Cục Bản đồ đã rất trách nhiệm để tổ chức, thực hiện, là nhân tố đem đến sự thành công của công trình. Cùng với ông Bao, công trình này có vai trò đồng chủ biên của ông Lương.

“Bản đồ này lúc đó được đánh giá rất cao khi tạo ra một mức độ tài liệu mới nhất, có hàm lượng khoa học và đúng đắn nhất so với cả vùng châu Á này, theo đánh giá, công nhận của nhiều nước”, ông Bao nêu.

Về sau, ông Trần Đức Lương giữ vai trò Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và làm cho bản đồ này trở thành nền tảng cho các nền khoa học kỹ thuật khác liên quan ngành địa chất có thể triển khai được ở khắp miền Nam, từ năm 1980 trở đi.

Chia sẻ thêm, người cán bộ ngành địa chất cho biết, từ năm tập kết ra Bắc và qua nhiều hành trình, ông và “anh Lương” đã quen biết, thân thiết nhau và có rất nhiều kỷ niệm, không chỉ trong công tác mà còn trong cuộc sống. Ông Bao vẫn luôn ghi nhớ, trân trọng. “Bây giờ anh Lương đã tạ thế, là người bạn bè thân cận nhất ngày trước, tôi tiếc thương, phải nói là có một tình cảm sâu sắc luôn nhớ tới anh Lương. Tôi nhớ tới anh với tính tích cực, tính chan hòa với đồng đội, bạn bè”, người đồng đội ngày nào của nguyên Chủ tịch nước bày tỏ.

Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển đất nước, ông Nguyễn Xuân Bao được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và cũng từng giữ cương vị lãnh đạo Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam.

Các bạn cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên, sinh viên Học viện Cán bộ TPHCM đến viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ảnh: Ngô Tùng

Các bạn cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên, sinh viên Học viện Cán bộ TPHCM đến viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ảnh: Ngô Tùng

Ngô Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cu-ong-90-ke-chuyen-sep-tran-duc-luong-lam-ban-do-dia-chat-mien-nam-post1745179.tpo
Zalo