Cú 'lột xác' trong sản xuất nông nghiệp ở Phú Yên nhìn từ những mô hình công nghệ cao tiền tỷ
Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên đang chứng kiến sự 'lột xác' mạnh mẽ khi ngày càng nhiều mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số được triển khai rộng khắp các địa phương.
Không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, xu hướng này còn mở ra hướng đi mới, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đặc biệt, các HTX đã và đang đóng vai trò hạt nhân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp.
Bắt nhịp công nghệ
Bắt nhịp với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh Phú Yên đã chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ vùng đồng bằng ven biển đến miền núi, vùng gò đồi, làn gió đổi mới đang lan tỏa khắp các cánh đồng, mang theo kỳ vọng về một nền nông nghiệp năng suất cao.
Trong xu thế đổi mới, các hộ sản xuất ở Phú Yên không còn bám ruộng vườn theo cách truyền thống. Thay vào đó, họ chủ động tiếp cận với khoa học – công nghệ, từng bước làm chủ kỹ thuật canh tác mới, mạnh dạn thử nghiệm mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Nông dân, HTX ở Phú Yên đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng công nghệ cao (Ảnh: BPY).
Như tại huyện Phú Hòa, mô hình trồng rau thủy canh, dưa lưới trong nhà màng đã không còn xa lạ với nhiều nông hộ. Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết như trước, giờ đây người dân đã biết áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, giám sát môi trường trồng bằng cảm biến, tự động hóa khâu chăm sóc.
Nhờ ứng dụng công nghệ giúp nông dân Phú Hòa giảm đáng kể chi phí sản xuất và rủi ro dịch bệnh. Nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ áp dụng công nghệ cao.
Đáng chú ý, không chỉ dừng lại ở công nghệ sản xuất, chuyển đổi số trong quản lý và tiêu thụ sản phẩm cũng đang được tỉnh Phú Yên quan tâm thúc đẩy. Nhiều HTX và cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chủ động áp dụng công nghệ số trong quản lý chuỗi sản xuất, truy xuất nguồn gốc, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
HTX Nông nghiệp Kinh doanh Tổng hợp Đồng Din (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc gắn tem QR truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm OCOP như trái khóm, bánh khóm, rượu khóm, giấm khóm và nước rửa chén.
Việc có “định danh” rõ ràng không chỉ giúp nâng cao uy tín, niềm tin của người tiêu dùng mà còn giúp HTX Đồng Din mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại điện tử.
Đưa nông sản vươn xa
Cùng với đó, các nền tảng số như mạng xã hội, sàn giao dịch nông sản trực tuyến, các ứng dụng di động… cũng được nông dân và HTX tận dụng hiệu quả. Đây chính là “cánh tay nối dài” giúp nông sản Phú Yên tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng khắp cả nước và từng bước hướng tới thị trường quốc tế.
Không chỉ tổ chức sản xuất, nhiều HTX còn thực hiện vai trò dẫn dắt, hỗ trợ thành viên từ khâu chọn giống, kỹ thuật canh tác, quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu đến tiêu thụ sản phẩm.
Điển hình như HTX Nông nghiệp Kinh doanh Dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa) đã liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm để sản xuất lúa hữu cơ theo quy trình khép kín. Sản phẩm gạo Tây Hòa của HTX này hiện được dán mã QR truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng và an toàn, qua đó tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng.
HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hòa Hội (huyện Phú Hòa) cũng là một mô hình hiệu quả khi triển khai trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm của HTX được doanh nghiệp bao tiêu với mức giá ổn định, giúp nông dân yên tâm sản xuất và có thu nhập khá.

Ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ mang lại lợi ích kép về kinh tế, môi trường (Ảnh: BPY).
Ngoài ra, các HTX như Hòa Mỹ Tây, Hòa Bình 1, Hòa Vinh, Bình Kiến 2… đã mạnh dạn ứng dụng KH-CN vào chuỗi sản xuất lúa giống, nuôi tôm càng xanh xen canh lúa, trồng nấm ăn và nấm dược liệu. Nhờ vậy, không chỉ tăng hiệu quả kinh tế mà còn tạo thêm hàng trăm việc làm cho người dân địa phương, nhất là lao động nông thôn và phụ nữ.
Điểm chung của các HTX, tổ hợp tác này là đều chú trọng phát triển chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, nhà phân phối và thị trường tiêu dùng. Qua đó, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Phú Yên trong bối cảnh hội nhập.
Những thành công của hàng loạt HTX cho thấy các chính sách hỗ trợ của ban ngành địa phương, đặc biệt là sự đồng hành của Liên minh HTX tỉnh và Liên minh HTX Việt nam đang đi đúng hướng.
Cụ thể, trong những năm gần đây, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Phú Yên đã phối hợp triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao năng lực cho các HTX mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất, kinh doanh và cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Hướng tới nông nghiệp hiện đại
Một trong những điểm nhấn là chương trình phối hợp giữa Liên minh HTX tỉnh Phú Yên và Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024-2030.
Chương trình này tập trung vào việc phát triển mô hình HTX nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với du lịch cộng đồng, xây dựng các HTX thủy sản ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua liên kết liên vùng.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam cũng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên triển khai Đề án 01/QĐ-TTg, hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030.
Thông qua các hoạt động như tập huấn, tư vấn pháp lý, hỗ trợ tiếp cận vốn và xây dựng thương hiệu, nhiều HTX do phụ nữ điều hành đã được thành lập và hoạt động hiệu quả, tiêu biểu như HTX Nông nghiệp hữu cơ An Xuân Phát và HTX Kinh doanh dịch vụ Xương rồng Nopal Phú Yên.
Có thể nói, sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và các tổ chức liên quan, kinh tế hợp tác tại Phú Yên đang từng bước khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương.
Tính đến cuối năm 2024, tỉnh Phú Yên đã có 206 HTX đang hoạt động với tổng vốn lên đến 673,45 tỷ đồng, thu hút hơn 112.000 thành viên và tạo việc làm cho gần 3.200 lao động thường xuyên. Doanh thu bình quân đạt khoảng 3,4 tỷ đồng/HTX/năm.
Nhìn lại chặng đường đổi mới trong nông nghiệp Phú Yên có thể thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số đã góp phần tạo ra những bước chuyển tích cực, hiệu quả trong sản xuất. Không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xu hướng này còn mở ra nhiều cơ hội mới cho người nông dân – từ cải thiện thu nhập đến kết nối thị trường.
Đặc biệt, vai trò của các HTX, tổ hợp tác không chỉ dừng lại ở việc “giúp nhau làm ăn” mà thực sự trở thành những “đầu tàu” sáng tạo, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng. Với định hướng đúng đắn, chính sách hỗ trợ kịp thời và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Phú Yên đang vững bước trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, xanh – sạch – thông minh và hội nhập quốc tế.