Cu li không bao giờ khóc – Dĩ vãng đã tráo đổi
Vào đầu phim, người đàn bà cao tuổi kéo va li vào căn nhà trong ngõ hẹp sau chuyến đi châu Âu. Không phải là một chuyến thăm thú, lời tự sự cho biết bà vừa sang đó để mang về hộp tro cốt của chồng, kèm một con cu li là vật kỷ niệm cuối cùng của người quá cố.
Người xem chờ cách xử lý của bà đối với hai vật đó. Bà sẽ chọn cách táng nào cho chỗ di cốt? Và con cu li mắt tròn xoe kia, bà sẽ tiếp tục nuôi giữ trong nhà hay cho ai đó, hay trả nó về với tự nhiên?
Đúng với tính cách của nhân vật bà Nguyện, người xem có thể dự đoán được cách bà xử lý với con cu li.
Còn di cốt của người chồng thì sao? Cảnh bà Nguyện đem hộp tro cốt lên thả xuống ở công trình thủy điện đồ sộ là một trường đoạn gây ấn tượng. Đến đây người xem mới biết lý do bà chọn nhà máy thủy điện. Đấy là nơi hàng chục năm trước bà đã gặp người chồng khi họ cùng tham gia xây dựng nhà máy. Cũng từ đó người chồng đã sang châu Âu và bây giờ trở lại trong hình hài bụi tro.
Không lạm dụng cảm xúc đến mức lấy nước mắt của người xem – đó không phải là đích đến của bộ phim. Bà Nguyện đứng bên hành lang của nhà máy thủy điện, trước mắt là khối nước khổng lồ không ngừng cuồn cuộn, bọt tung trắng xóa. Thật chậm rãi suy tư, bà vốc từng nắm tro cốt thả xuống dòng sông. Thật kính cẩn chăm chút, bà tiếp tục thả từng nắm di hài của người chồng. Nhưng những vốc tro bụi ấy không rơi xuống dưới. Sức gió từ dưới những khối bọt nước ầm ào đẩy đám tro bụi thành từng tia mảnh bay vút lên cao. Hướng gió bay lên rất lạ. Đám tro cốt cứ thế bay lên phía cao xanh. Thủy táng đã chuyển thành thiên táng.
Đến đây, cái sự cố do đứa cháu rể gây ra cho bình tro cốt trước đó mới trở lại và định hướng suy tư cho người xem. Người viết bài này không tiết lộ sự cố đó và nhiều chi tiết then chốt khác trong phim, để dành chỗ cho người xem tự khám phá và cảm nhận. Chỗ tro cốt kia là thứ thuộc về dĩ vãng, là tình nghĩa trăm năm, là lòng kính cẩn… nhưng có thật là nó đấy không? Có phải quá vãng và cảm xúc sâu đậm của bà lại không phải là đồ thật, có thể bị thay thế, bị đánh tráo? Những điều bà yêu bà trân trọng và đặt niềm tin không lay chuyển biết đâu cũng không còn ở đấy nữa. Nó đã biến hình, đã bị tráo đổi, chỉ người xem biết, nhưng người trong cuộc như bà Nguyện không hề biết.
Cũng phải đến trường đoạn này, bộ phim mới thu gom tất cả những ý tưởng rải rác về một mối. Chỉ mới trước đó, những người làm phim đã bày biện ngổn ngang một hiện thực của người nghèo trong ngõ nghèo đô thị. Cô cháu gái chuẩn bị lấy chồng, cả chồng và vợ đều chỉ mới ở tuổi vừa qua trẻ con, lấy nhau là vì cô gái đã có thai. Đứa chồng non choẹt không có công ăn việc làm rõ ràng. Đứa vợ thì phải làm nghề trông trẻ, một đám trẻ con loanh quanh trong căn phòng hẹp, có những sự cố như chúng bị ngứa dị ứng mà đêm hôm cô trông trẻ không biết xử lý thế nào. Cô cháu gái đổ lỗi gây dị ứng cho con cu li và quyết không chịu sống chung với nó trong một căn phòng.
Nhưng con cu li lại là kẻ gắn bó với người chồng quá cố của bà Nguyện. Nó từ một cánh rừng ở Việt Nam nơi người chồng có nhiều kỷ niệm rồi đi cùng ông sang châu Âu. Cu li đã làm bạn với ông một vòng ra ngoài biên giới để bây giờ nó trở về nguyên vẹn, còn ông chỉ là bụi tro.
*
* *
Nắm tro cốt tung lên trên thác nước thủy điện cũng khiến người xem trở lại với những chi tiết trước đó về tâm tư nhân vật chính. Bà Nguyện thường lui tới một quán cà phê, nơi từng đôi cao tuổi đến để nghe những bài hát thời đã qua và khiêu vũ. Họ nhảy với nhau, từng đôi, chỉ có bà nhảy một mình. Anh chàng tóc nhuộm vàng phục vụ trong quán tỏ lòng cảm thông, đến dìu bà đi trong những bước nhảy. Sự cảm thông dẫn đến chỗ bà đưa ra lời mời: Em có thể đi xa với tôi một chuyến được không?
Chuyến đi xa này chính là để đến nhà máy thủy điện. Và khi đã hoàn thành việc thủy táng (hay thiên táng) cho người chồng, bà đưa tiền cho chàng thanh niên thì anh ta phẫn nộ. Anh ta cho rằng bà hiểu nhầm và xúc phạm anh.
Sự hiểu nhầm không hề được giải tỏa. Nhưng từ đây có hé lộ một chút lý do anh chàng nhuộm tóc vàng dễ dàng nhận lời đi xa với bà Nguyện. Lý do đó cũng xoay quanh vấn đề đối với người cao tuổi.
Cảnh trong phim Cu li không bao giờ khóc. Ảnh: CGV
Nhân vật chính là một người cao tuổi nặng trĩu suy tư. Những nhân vật đứng ở trung tâm đều rất trẻ, như mới qua thời trẻ con. Những chi tiết bày biện tưởng như rời rạc nhưng rõ ràng có định hướng. Nói là phim cho người già cũng được mà dành để nói với người trẻ cũng được. Ẩn dụ về một nhà máy thủy điện xây từ quá khứ đã trở nên lỗi thời trong thời đại cần giữ gìn môi trường cho hành tinh xanh. Ẩn dụ về sự khiếm khuyết của thân thể, khiếm khuyết về hoàn cảnh và phận người. Bản thân tuổi già cô đơn của bà Nguyện với những ràng buộc của định kiến và dĩ vãng cũng là một kiểu thiếu khuyết...
*
* *
Phim có dấu ấn khá rõ của dòng phim tân hiện thực (neorealism). Cấu trúc phân mảng, lắp ghép, chồng lấn nhiều sự kiện. Sự dàn dựng tưởng như tự nhiên chủ nghĩa, có gì quay nấy, gây cảm tưởng “như thật”, như phim tài liệu. Cái kết mở, tự nhiên như mọi sự ở đời, không phải cái gì cũng được giải quyết – cuộc đời của bà Nguyện và đôi trẻ vẫn còn tùy thuộc vào chặng đường phía trước. Đó sẽ là gì? Người xem không biết và người làm phim cũng chưa thể dự tính thay cho nhân vật.
Chủ nghĩa tân hiện thực của điện ảnh vốn xuất hiện ban đầu ở Ý từ giữa thập kỷ 1940 rồi lan ra khắp châu Âu. Dòng phim câu khách lúc ấy cho người xem vài giờ đồng hồ ngắn ngủi trong rạp được trốn tránh hiện thực, để thấy mình đang sống trong một thế giới xa hoa lộng lẫy. Dòng phim tân hiện thực đã phản kháng bằng cách phơi lộ những phần thô ráp của hiện thực, nhưng nếu chỉ trưng bày và phơi lộ thì nó không thể trở thành một trào lưu lớn, được quan tâm đến thế. Sau những chi tiết phản ảnh hiện thực phải có gì đó nặng cân và đưa phim lên những tầm cao. Cu li không bao giờ khóc(*) đã mơ hồ chạm đến điều đó. Chắc hẳn không hề là một ý tưởng ngẫu nhiên được cộng hưởng với sự suy diễn của người xem.
Gần một trăm năm qua, trào lưu tân hiện thực trong điện ảnh đã lắng, dường như bị chính phương Tây bỏ quên, nhưng lại được một số nền điện ảnh mới nổi nuôi dưỡng. Nhiều phim kiểu này chỉ dừng ở mức kể khổ của tầng lớp dưới đáy như một khoái cảm của người làm phim trước những cảnh nhem nhuốc dị mọ. Một số ít trong đó vượt lên đến tầm bao quát những vấn đề chung của nhân loại. Những phim như Cu li không bao giờ khóc dường như gợi nhắc đến dòng phim mà phương Tây không còn làm nữa, cho nên khi trình chiếu thì trở thành đồ hiếm đồ lạ, gây được sự chú ý trong những liên hoan điện ảnh quốc tế.
Trong số ba liên hoan phim quốc tế hạng A, thứ tự được sắp xếp là: 1- Cannes. 2- Berlin. 3-Venice. Vừa mới năm trước, Bên trong vỏ kén vàng của đạo diễn Phạm Thiên Ân đoạt giải Camera Vàng cho phim đầu tay hay nhất tại Cannes. Năm 2024 này đến lượt Cu li không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân giành giải phim đầu tay hay nhất ở Berlin. Đây là những tín hiệu thật sự gây cảm hứng. Họ là hai người đầu tiên của Việt Nam đoạt được giải chính thức ở hai liên hoan phim quốc tế hạng A, điều mà các thế hệ đạo diễn đàn anh đồng hương của họ chưa làm được.
Đoàn phim Cu li không bao giờ khóc tại Liên hoan phim Berlin, tháng 2.2024(Hàng sau, từ trái: diễn viên Hà Phương, Minh Châu, đạo diễn Phạm Ngọc Lân). Ảnh: TLNV
Nói thêm một chút về vai nữ chính của Minh Châu. Nhiều người đã biết về nghệ thuật diễn xuất bằng mắt của chị kể từ phim Cô gái trên sông (đạo diễn Đặng Nhật Minh, 1987) nhưng ở cảnh bà Nguyện bốc từng nắm tro cốt rải xuống dòng thác thủy điện, nhân vật hầu như quay lưng lại phía người xem. Như vậy, nghệ sĩ không có cơ hội thể hiện lợi thế của mình. Thay vào đó, chị đã diễn bằng bàn tay, và những vốc tro tung ra đã diễn tả được những cung bậc xúc cảm của nhân vật. Vai diễn này đã đưa Minh Châu đến với giải nữ diễn viên xuất sắc nhất của Liên hoan phim Las Palmas (Tây Ban Nha) năm 2024.
Giải thưởng cho tác phẩm chỉ là một thước đo giá trị. Số lượng công chúng cũng chỉ là một thước đo. Và số lượng công chúng không hề đông đảo của một tác phẩm cũng mang một ý nghĩa ở tầng sâu.
Hồ Anh Thái
(*) Cu li không bao giờ khóc. Kịch bản: Phạm Ngọc Lân, Nghiêm Quỳnh Trang. Đạo diễn: Phạm Ngọc Lân. Diễn viên: Minh Châu, Hà Phương, Xuân An, Hoàng Hà… Phim đoạt giải phim đầu tay hay nhất tại LHP quốc tế Berlin 2024 và nhiều giải thưởng khác.