Cứ khoảng 13 người có 1 người mắc đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường đang có xu hướng gia tăng nhanh và cứ khoảng 13 người thì có 1 người mắc bệnh. Điều đáng nói là hiện có hơn 60% người mắc đái tháo đường tại Việt Nam chưa được chẩn đoán.
Ngày 14-11 được Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF) chọn làm Ngày thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường với mục tiêu nâng cao nhận thức về căn bệnh này.
Chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường năm 2024 là “Hiểu nguy cơ của bạn để phòng bệnh” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ nguy cơ mắc bệnh, từ đó có những biện pháp phòng ngừa kịp thời để duy trì sức khỏe.
Theo số liệu của IDF, năm 2021 số người mắc bệnh đái tháo đường trên toàn cầu ở con số 537 triệu người. Dự đoán số người mắc bệnh sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và tới mức 783 triệu vào năm 2045.
Thống kê cũng cho thấy, trên 70% người mắc đái tháo đường đang sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình do sự tăng lên nhanh chóng của việc tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, lối sống ít vận động. Tỷ lệ người béo phì ngày càng tăng trong khi lứa tuổi mắc bệnh đái tháo đường đang trẻ hóa. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động.
Theo số liệu điều tra tại Việt Nam năm 2020, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường là 7,3%, xấp xỉ con số 7 triệu người mắc trên cả nước, đồng nghĩa là khoảng 13 người thì có 1 người mắc đái tháo đường, trong đó có 55% bệnh nhân đái tháo đường type 2 đã xuất hiện biến chứng về tim mạch, về mắt, thần kinh và về thận. Biến chứng đái tháo đường không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.
Điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết trung ương (năm 2002) cho thấy, tỷ lệ bệnh đái tháo đường trên toàn quốc là 2,7%. Sau 10 năm, tỷ lệ này đã tăng lên 5,4%.
Trong đó, tỷ lệ người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán tại Việt Nam hiện tại là hơn 60% và có hơn 1/2 số người trưởng thành chưa bao giờ được làm xét nghiệm đường huyết để phát hiện bệnh.
Các chuyên gia y tế lo ngại, lứa tuổi mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa, có bệnh nhân chỉ khoảng 15-16 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu do chế độ ăn uống không lành mạnh, hút thuốc lá, sử dụng nhiều bia, rượu và ít vận động… Nếu bệnh này phát hiện muộn và không được điều trị kịp thời, thường xuyên sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm lên các bộ phận khác của cơ thể, làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống.
Tiến sĩ-bác sĩ Lâm Mỹ Hạnh, khoa Đái tháo đường (Bệnh viện Nội tiết trung ương) cho biết, khi bệnh nhân xuất hiện biến chứng thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn, nhất là những biến chứng cấp tính đe dọa tính mạng. Khi bệnh nhân bị đái tháo đường lâu năm mắc các biến chứng mạn tính thì những biến chứng đó làm cho chất lượng cuộc sống của bệnh nhân suy giảm, cùng với đó là gia tăng chi phí của người bệnh.
Chính vì vậy, bác sĩ đưa ra lời khuyên, trong quá trình bệnh nhân điều trị đái tháo đường, thứ nhất cần phải điều trị theo đơn của thầy thuốc, không tự ý mua thuốc ở ngoài. Thứ hai là cần phải thăm khám thường xuyên giúp bác sĩ nắm bắt được tình trạng chung của bệnh nhân, cũng như chỉ số đường máu để có sự điều chỉnh phác đồ kịp thời.
Để phòng bệnh, đối với bệnh nhân thừa cân, béo phì phải có chế độ kiểm soát cân nặng hợp lý, phải tập luyện thể dục thể thao, không giảm cân một cách đột ngột mà phải giảm cân khoa học, thay đổi thói quen ăn uống, không lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, không sử dụng chất kích thích, chất tạo ngọt, chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao.
Ngoài ra, mỗi người nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ. Khi gia đình có cha hoặc mẹ bị đái tháo đường thì những người con nên được tầm soát bệnh định kỳ. Riêng với phụ nữ mang thai phải tầm soát đái tháo đường thai kỳ vào tuần thứ 24 đến 28 của kỳ thai. Hiểu được nguy cơ và biết hành động là biện pháp hiệu quả góp phần điều trị và phòng ngừa bệnh đái tháo đường.