'Cú huých' giúp người nghèo vượt khó - Bài 2

BÀI 2: KHÔNG ĐỂ NGƯỜI NGHÈO VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH 'BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU'

Việc triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) đã kịp thời chuyển tải nguồn vốn TDCSXH đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp người dân được tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm, vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cầu nối giúp người dân thoát nghèo

Anh Hoàng Tòn Pu, xã Hoa Thám (Nguyên Bình) là một trong những hộ phát huy hiệu quả nguồn vốn TDCSXH vươn lên thoát nghèo chia sẻ: Tôi được vay vốn đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 50 triệu đồng đầu tư nuôi trâu sinh sản và trồng cây ăn quả. Nhờ nỗ lực, quyết tâm của bản thân cùng sự mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đến nay, gia đình tôi có 4 con trâu, 2 ha quýt đã cho thu hoạch, ngoài ra tôi nuôi thêm lợn nái, lợn thịt và gà. Nguồn thu từ trồng trọt và chăn nuôi hơn 200 triệu đồng. Nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực sự đã làm thay đổi cuộc sống gia đình tôi, giúp những hộ nghèo như tôi vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành các tiêu chí XDNTM tại địa phương.

Gia đình anh Đàm Văn Quý, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) được vay vốn hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, anh xây dựng mô hình trồng dưa trong nhà màng với diện tích hơn 1.000 m2 trồng 1.700 gốc dưa lưới, dưa vàng, dưa sữa bạch kim. Anh Quảng tâm sự: Nhờ nguồn vốn tiếp sức kịp thời, đến nay, mô hình trồng dưa của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, trung bình 1 quả dưa đạt trọng lượng từ 1 - 2 kg, bán ra thị trường từ 45 - 50 nghìn đồng/kg. Hiện nay, dưa của gia đình là nguồn hoa quả sạch được các cửa hàng thực phẩm, siêu thị trên địa bàn tỉnh tiêu thụ, tin dùng.

Gia đình anh Đàm Văn Quý, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) được vay vốn tín dụng chính sách phát triển mô hình dưa lưới đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình anh Đàm Văn Quý, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) được vay vốn tín dụng chính sách phát triển mô hình dưa lưới đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chỉ thị số 40, Kết luận số 06 đưa hoạt động TDCSXH ngày càng tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Hiện nay, tỉnh triển khai thực hiện 19 chương trình TDCSXH với tổng dư nợ gần 4.492 tỷ đồng với 61.636 hộ nghèo và các đối tượng chính sách dư nợ, bình quân 1 hộ dư nợ 72,9 triệu đồng, tăng 47,7 triệu đồng so với năm 2014. Trong đó, dư nợ TDCSXH phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm đạt hơn 4.051 tỷ đồng; phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt 441 tỷ đồng.

Vốn tín TDCSXH đầu tư đến 161/161 xã, phường, thị trấn, 100% thôn, xóm, khu phố; góp phần giúp 43.924 hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho 38.730 lao động; hỗ trợ 298 người lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng 48.975 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; hỗ trợ 928 học sinh, sinh viên được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng; hỗ trợ 590 gia đình hoàn cảnh khó khăn vay vốn mua máy tính, thiết bị phục vụ học sinh học tập trực tuyến; hỗ trợ xây dựng 4.806 căn nhà cho hộ nghèo và xây dựng 332 căn nhà cho hộ có thu nhập thấp theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Đến đầu năm 2024, toàn tỉnh còn 32.060 hộ nghèo (tương đương 24,71%), 19.747 hộ cận nghèo (tương đương 15,22%), trong đó có đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn TDCSXH.

Đưa tín dụng chính sách xã hội đến gần dân

Để chuyển tải kịp thời nguồn vốn TDCSXH đến đúng các đối tượng cần vay, NHCSXH tỉnh chỉ đạo Phòng Giao dịch NHCSXH các huyện tham mưu UBND cấp xã, phường, thị trấn rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, kịp thời bổ sung vào danh sách những hộ thuộc diện nghèo, diện cận nghèo của địa phương để có căn cứ xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí quy định. Các xã, phường, thị trấn phân phối nguồn vốn đến xóm, tổ dân phố và thực hiện kế hoạch, bảo đảm không để tồn đọng, lãng phí vốn.

Rà soát, kiện toàn chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), thực hiện tốt khâu bình xét cho vay bảo đảm công khai, minh bạch; đôn đốc, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đối chiếu dư nợ, xử lý nợ quá hạn, UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo trưởng xóm, tổ dân phố tham gia giám sát ngay từ khâu bình xét cho vay tại các tổ TK&VV nâng cao chất lượng tín dụng.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Hòa giải ngân tại điểm giao dịch xã.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Hòa giải ngân tại điểm giao dịch xã.

Bà Đinh Thị Nụ, Tổ trưởng Tổ TK&VV tổ dân phố Hòa Nam, thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa) nhiệt tình tuyên truyền các chương trình về vốn vay, những quy định mới về thời hạn vay, mức vay, lãi suất, hướng dẫn các hộ có nhu cầu làm hồ sơ vay vốn. Thực hiện bình xét công khai, dân chủ, ưu tiên hộ nghèo, hộ đang có nhu cầu sử dụng vốn. Đến nay, tổ quản lý hơn 5,2 tỷ đồng với 40 khách hàng vay. Trung bình mỗi năm tổ giúp 1 - 2 tổ viên thoát nghèo. Bà Nụ cho biết: Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, ban quản lý tổ thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của tổ viên để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ vốn vay kịp thời. Trước mỗi đợt giải ngân, tổ họp bình xét công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Để giảm gốc cuối kỳ và phòng lúc gặp rủi ro trong quá trình vay vốn, ban quản lý tổ TK&VV vận động các thành viên tham gia gửi tiết kiệm với số tiền từ 50 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/hội viên/tháng. Đến nay, số tiền gửi tiết kiệm qua tổ trên 160 triệu đồng.

Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp với NHCSXH tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về TDCSXH đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn, giúp người vay sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác đạt 4.476,4 tỷ đồng, chiếm 99,64%/tổng dư nợ với 2.133 tổ TK&VV, 61.395 khách hàng dư nợ, dư nợ tăng 2.836,7 tỷ đồng so với năm 2014.

Tại các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn thực hiện công khai dư nợ của hộ vay, có đầy đủ nội quy giao dịch, biển hiệu điểm giao dịch, hòm thư góp ý. Hoạt động của tổ giao dịch tại điểm giao dịch đã giải quyết 99% lượng giao dịch của khách hàng với NHCSXH. Các phòng giao dịch NHCSXH phối hợp với địa phương tư vấn phát triển sản xuất; hướng dẫn các hộ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; triển khai các mô hình kinh tế phù hợp để bà con áp dụng, từ đó phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.

Với những quyết sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đã giúp hoạt động TDCSXH - chính sách riêng của Đảng, Nhà nước dành cho người nghèo ngày càng lan tỏa sâu rộng, xứng đáng với sứ mệnh là một chính sách an sinh xã hội đặc biệt, tiếp sức, trợ lực, góp “cần câu” cho người nghèo, các đối tượng chính sách trong hành trình vượt lên trên đói nghèo, để không ai trong số họ bị bỏ lại phía sau.

Bài cuối: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

Bài 1: Khi chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống

Kim Thoa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/cu-huych-giup-nguoi-ngheo-vuot-kho-bai-2-3170906.html
Zalo