Củ hủ dừa - Tiềm năng vào OCOP

Những năm gần đây, mô hình trồng dừa phát triển mạnh trên địa bàn xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, được nông dân trong xã hưởng ứng nhiệt tình. Theo đó, có nhiều hộ nông dân chuyển hướng trồng dừa thu hoạch củ hủ, góp phần tăng giá trị kinh tế từ cây dừa.

Sau khi Nhà nước có chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang một vụ lúa - một vụ tôm, vì lợi nhuận thu nhập từ tôm, cua quá lớn nên phần lớn diện tích đất vườn trồng cây ăn trái, nhiều nhất là cây dừa, đã bị phá đi, ban bờ, lấp kênh để mở rộng diện tích mặt nước nuôi thủy sản. Ðồng thời, do ảnh hưởng của nước mặn xâm nhập, tạo ra môi trường sống không thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của dừa, nên một phần diện tích dừa còn lại tiếp tục bị suy thoái, kém hiệu quả, thậm chí chết. Từ đó, diện tích dừa còn lại rất ít, thậm chí một vài khu vực trong xã cây dừa hầu như bị xóa sổ.

Tuy nhiên, qua thời gian nuôi thủy sản, người dân nhận thấy việc tái tạo lại vườn cây ăn trái là hết sức cần thiết để phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày cho hộ gia đình, tạo cảnh quan và môi trường sống xung quanh nhà cho không khí mát mẻ hơn, đồng thời góp phần cải thiện kinh tế gia đình. Khi đó, bà con cũng nhận thấy, một trong những loại cây trồng thích hợp nhất đó là cây dừa.

Bên cạnh trái và các phụ phẩm khác thì trồng dừa thu hoạch củ hủ để tận dụng được tối đa diện tích đất bỏ trống, không để cỏ dại mọc ra ven đường.

Bên cạnh trái và các phụ phẩm khác thì trồng dừa thu hoạch củ hủ để tận dụng được tối đa diện tích đất bỏ trống, không để cỏ dại mọc ra ven đường.

Theo đó, từ năm 2015, một số hộ dân trên địa bàn xã đã tái tạo lại vườn dừa. Bên cạnh việc trồng những liếp dừa rợp bóng, cho trái sai, đến những năm 2018-2020, nhiều hộ dân trong xã đã bắt đầu trồng giặm thêm khoảng trống, hoặc tận dụng sân vườn, bờ liếp, các khu đất trống để trồng cây dừa với mật độ dày hơn, mục đích không chỉ thu hoạch trái và các sản phẩm phụ khác từ cây dừa, mà còn thu hoạch sản phẩm củ hủ dừa.

Ông Trần Quốc Duy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mỹ, cho biết: “Ðến nay, mô hình đã được nông dân trong xã hưởng ứng nhiệt tình. Hiện tổng diện tích trồng dừa là 86/160 ha diện tích trồng cây ăn trái của toàn xã. Sau khi tham quan, học hỏi, tìm hiểu mô hình xây dựng sản phẩm OCOP từ củ hủ dừa của tỉnh bạn, Hội Nông dân sẽ tham mưu lãnh đạo xã phát triển thêm sản phẩm OCOP từ lợi thế này của địa phương”.

Củ hủ dừa rất được khách hàng ưa chuộng, nhu cầu sử dụng sản phẩm này ngày càng tăng, giá cả ổn định, nên nhiều hộ dân đã trồng dừa chuyên để thu hoạch củ hủ, bán sản phẩm củ hủ dừa, mang lại nguồn kinh tế khá. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã Phú Mỹ có Khu Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Ðước và tiếp giáp với đầm Thị Tường, là lợi thế lớn và có tiềm năng để phát triển du lịch; nhiều đoàn khách đến đây tham quan đã được giới thiệu về sản phẩm củ hủ dừa, một vài đoàn khách còn được người dân cho trải nghiệm thu hoạch củ hủ dừa, ăn tại chỗ, tạo sự lý thú cho du khách.

Củ hủ dừa có nhiều cách dùng, nhưng đặc sắc hơn hết vẫn là làm nhân bánh xèo cùng với thịt vịt xiêm, là món bánh trứ danh của miền Tây Nam Bộ.

Củ hủ dừa có nhiều cách dùng, nhưng đặc sắc hơn hết vẫn là làm nhân bánh xèo cùng với thịt vịt xiêm, là món bánh trứ danh của miền Tây Nam Bộ.

Tái tạo, trồng lại vườn dừa, bên cạnh việc thu hoạch trái và các phụ phẩm khác thì trồng dừa thu hoạch củ hủ dừa để tận dụng được tối đa diện tích đất bỏ trống, không để cỏ dại mọc ra ven đường, tạo cảnh quan tươi đẹp, không khí mát mẻ hơn; bên cạnh đó còn tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Ðồng thời, tiến tới giới thiệu sản phẩm du lịch “trải nghiệm thu hoạch củ hủ dừa và ăn tại vườn” tạo thú vui tao nhã, trải nghiệm lý thú cho du khách khi đến tham quan đầm Thị Tường.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, cho biết: "Cây dừa là một trong những thế mạnh ở địa phương. Ðể thay đổi tập quán trồng dừa theo kiểu truyền thống và nhằm tăng lợi nhuận cho nông dân, từ năm 2020 đến nay, xã đã triển khai mô hình trồng dừa thu hoạch củ hủ làm sản phẩm thương mại, kết hợp xây dựng sản phẩm tiềm năng phát triển du lịch. Mô hình đang được triển khai, nhân rộng trên địa bàn”.

Về hướng đi bền vững, chính quyền địa phương sẽ phối hợp ngành chức năng liên quan hỗ trợ người dân giới thiệu máy móc, thiết bị chế biến, bảo quản sản phẩm củ hủ dừa có thời hạn sử dụng lâu hơn phương pháp truyền thống, giữ được độ tươi ngon; thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác trồng dừa, tạo vùng nguyên liệu ổn định, rộng lớn; xây dựng sản phẩm củ hủ dừa thành sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện Phú Tân, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và cho xã hội.

Củ hủ dừa là sản phẩm của người dân xã Phú Mỹ nói riêng và huyện Phú Tân nói chung, có tiềm năng vào OCOP trong thời gian tới. Dừa được trồng với mật độ dày hơn so với thu hoạch trái, chuyên để khai thác sản phẩm củ hủ, thời gian trồng từ 2-3 năm là có thể thu hoạch; có thể trồng dọc theo các tuyến kênh, các bờ vuông tôm, khu vực đất trống xung quanh nhà... Củ hủ dừa là thực phẩm sạch, giòn, ngọt, mát, thích hợp chế biến rất nhiều món ăn như hầm thịt, xào hải sản, trộn gỏi, làm nhân bánh xèo... hoặc ăn sống trực tiếp như một loại trái cây, đều rất ngon./.

Phú Hữu

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/cu-hu-dua-tiem-nang-vao-ocop-a34391.html
Zalo