Cú hích cho phát triển kinh tế

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, có chiều dài 1.541km đi qua 23 nhà ga được xác định sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỷ USD và thời gian hoàn thành vào năm 2035.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đây là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Việc đầu tư đường sắt tốc độ cao sẽ là cú hích cho phát triển kinh tế thể hiện trên nhiều khía cạnh như: đáp ứng nhu cầu vận tải, tái cơ cấu vận tải theo hướng phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức; mở ra không gian phát triển kinh tế mới, nguồn lực mới thông qua khai thác hiệu quả quỹ đất; phát triển công nghiệp xây dựng; phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị; giảm ô nhiễm môi trường; tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo ra hàng triệu việc làm và trong thời gian xây dựng ước tính góp phần tăng GDP bình quân của cả nước tăng khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội đường sắt quốc tế, đường sắt tốc độ cao là phương thức vận tải bền vững, góp phần hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế chia cắt cộng đồng. Ngoài ra, đây là phương thức vận tải xanh và là giải pháp hữu hiệu để thực hiện các cam kết của Việt Nam đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Bên cạnh đó, tuyến đường sắt hiện hữu bị hạn chế khổ giới hạn nên việc đầu tư đường sắt tốc độ cao có thể vận chuyển các loại hàng hóa đặc chủng phục vụ quốc phòng, an ninh, hình thành thêm trục dọc cơ động khi có tình huống khẩn cấp.

Tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tinh thần chỉ đạo khẩn trương, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị để quyết tâm thực hiện dự án, góp phần mở ra không gian phát triển kinh tế mới cho đất nước.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là khát khao chính đáng mà bất cứ quốc gia, người dân nào cũng mong muốn, không chỉ góp phần giải quyết tình trạng mất cân đối của thị trường vận tải, mà còn để hạ tầng giao thông vượt lên một tầm cao mới, hiện đại, văn minh, đáp ứng nhu cầu của người dân và nền kinh tế. Song đường sắt cao tốc cần nhiều sự chuẩn bị và cần nhiều điều kiện để có thể phát huy hiệu quả tối ưu.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cu-hich-cho-phat-trien-kinh-te-397005.html
Zalo