Cú đánh kép của châu Âu với Nga giữa lúc Mỹ thúc đẩy đàm phán về Ukraine

Một số quốc gia châu Âu ủng hộ Ukraine đã tăng cường nỗ lực để phong tỏa hàng tỷ USD tài sản của Nga bị đóng băng trong khi công bố các gói viện trợ mới dành cho Kiev.

Châu Âu tiếp tục thúc đẩy trừng phạt Nga

Châu Âu hiện cung cấp 60% viện trợ quân sự cho Ukraine và đang cố gắng tăng chi tiêu quốc phòng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nghĩ lại về mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ giữa Washington và các đồng minh bên kia Đại Tây Dương. Nhiều quốc gia hiện đang phải đối mặt với những câu hỏi khó về cách xây dựng năng lực quốc phòng trong khi vẫn duy trì sự hỗ trợ cho Ukraine.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Mỹ, quốc gia từng cung cấp những khoản viện trợ khổng lồ cho Ukraine, đã tạm dừng việc cung cấp vật tư quân sự cho Kiev vào tháng trước trong một nỗ lực rõ ràng nhằm thúc đẩy Ukraine đàm phán với Nga. Các chuyên gia cho biết, mặc dù châu Âu có thể tăng cường kho dự trữ và năng lực của minh trong khi hỗ trợ Ukraine nhưng đây là một yêu cầu khó khăn đòi hỏi sự quyết đoán từ lục địa này, điều mà nhiều người nghi ngờ là họ có thể làm được.

Trong một tuyên bố chung vào 31/3, các ngoại trưởng Anh, Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Ba Lan cùng nhà ngoại giao hàng đầu EU Kaja Kallas cho biết, các quốc gia cam kết "các tài sản của Moscow sẽ không thể sử dụng cho đến khi Nga chấm dứt xung đột ở Ukraine và bồi thường thiệt hại gây ra".

Mỹ, EU và các đồng minh khác của Ukraine đã đóng băng hơn 300 tỷ USD tài sản của Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, phần lớn trong số đó được giữ ở Euroclear, một tổ chức tài chính có trụ sở tại Brussels.

Tháng trước, Anh cho biết họ đã đóng băng 25 tỷ USD của Nga và các lệnh trừng phạt mà một số quốc gia áp đặt lên Nga đã khiến nền kinh tế của Moscow mất hơn 400 tỷ USD kể từ tháng 2/2022, tương đương với 4 năm chi tiêu quân sự của Nga.

Các quốc gia G7 năm ngoái đã nhất trí sẽ gia hạn khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine, được hỗ trợ bởi lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga. Trong khi một số tiếng nói có tầm ảnh hưởng cho rằng các tài sản bị phong tỏa của Nga có thể được sử dụng để tài trợ trực tiếp cho Ukraine và ngành công nghiệp quốc phòng của nước này thì ý tưởng trên vẫn gây tranh cãi và nằm trong phạm vi bị đặt câu hỏi theo luật quốc tế.

Pháp, quốc gia nổi lên là một trong những nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất tại châu Âu, tỏ ra hờ hững trong việc chuyển tài sản bị đóng băng của Nga sang Ukraine. Tuy nhiên, Politico đưa tin vào tháng trước rằng các quan chức tại Paris đang xem xét lại lập trường của mình.

Tăng cường viện trợ cho Ukraine

Vấn đề nổi cộm trong các cuộc thảo luận là sự chuyển hướng của chính quyền ông Trump khỏi châu Âu sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khiến châu lục này phải vật lộn để lấp đầy những khoảng trống cấp bách trong năng lực phòng thủ của mình.

Tổng thống Trump đã tạm dừng viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine vào tháng trước, làm nổi bật sự phụ thuộc của Kiev vào Washington và nhấn mạnh rằng châu Âu sẽ cần phải đóng góp nhiều hơn nữa để bù đắp sự khác biệt nếu không có Mỹ.

Riêng vào 31/3, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson đã công bố "gói hỗ trợ quân sự lớn nhất của nước này cho Ukraine đến nay", trị giá gần 1,6 tỷ USD. Ông Jonson cho biết, gói viện trợ sẽ bao gồm vật tư phòng không và pháo binh cũng như hỗ trợ về thông tin liên lạc vệ tinh.

Đến thăm Kiev vào 1/4, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết quyết định của các đảng cầm quyền hiện tại và tương lai ở Berlin là dành hơn 3,2 tỷ USD để hỗ trợ ngắn hạn cho Ukraine và 8,9 tỷ USD cho hỗ trợ quân sự đến năm 2029. Điều này cho thấy "sự đoàn kết vững chức" trong khắp chính giới Đức đối với Ukraine.

Pháp đã công bố một gói viện trợ mới cho Ukraine trị giá khoảng 2 tỷ euro (2,16 tỷ USD) vào cuối tháng trước. Vào đầu tháng 3, Vương quốc Anh đã hoan nghênh một thỏa thuận "lịch sử" trị giá khoảng 2 tỷ USD sẽ cung cấp cho Ukraine nhiều tên lửa phòng không hơn.

Vào giữa tháng 1, EU cho biết họ sẽ dành 148 triệu euro (khoảng 160 triệu USD) cho viện trợ nhân đạo cho Ukraine và nước láng giềng Moldova.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy ĐIển Pål Jonson cho biết hôm 31/3 rằng Thụy Điển đã "đưa ra gói hỗ trợ quân sự lớn nhất của nước này cho Ukraine từ trước đến nay".

Các ngoại trưởng Anh, Đức, Pháp, Italy, Ba Lan và Tây Ban Nha cùng nhà ngoại giao hàng đầu của EU Kaja Kallas đều khẳng định họ "sẵn sàng gây thêm áp lực lên Nga bằng mọi công cụ có sẵn, bao gồm cả việc áp dụng các lệnh trừng phạt mới, để cản trở khả năng tiến hành các cuộc tấn công của nước này cũng như đảm bảo Ukraine được đặt vào vị thế tốt nhất có thể để đảm bảo một nền hòa bình công bằng và lâu dài".

Các quốc gia cũng cho biết họ sẽ tăng tài trợ quân sự, chính trị và nhân đạo cho nỗ lực chiến đấu của Ukraine, mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Họ cũng khẳng định bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải được hỗ trợ bởi các bảo đảm an ninh đáng tin cậy cho Ukraine, đồng thời nói thêm: "Chúng tôi sẵn sàng đóng vai trò dẫn đầu trong vấn đề này". Các quốc gia cho biết họ sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào hạn chế ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine hoặc sự hiện diện quân sự của các quốc gia đối tác trên lãnh thổ Ukraine.

Dù vậy, hiện vẫn chưa biết liệu châu Âu có thực hiện cam kết tăng cường năng lực quân sự khẩn cấp và cải thiện tốc độ phản ứng trước xung đột hay không.

Kiều Anh/VOV.VN Theo: Newsweek, Reuters

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cu-danh-kep-cua-chau-au-voi-nga-giua-luc-my-thuc-day-dam-phan-ve-ukraine-post1189072.vov
Zalo