Cứ 4 phút, trên thế giới lại có 1 trẻ bị sát hại
Đó là một trong những con số đáng chú ý trong dữ liệu toàn cầu mới nhất về tình hình bạo lực trẻ em do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa công bố.
Bạo lực với trẻ em - cuộc khủng hoảng toàn cầu
Trong dữ liệu toàn cầu được UNICEF công bố còn có nhiều con số đáng báo động khác như:
- Khoảng 90 triệu trẻ còn sống hiện nay từng phải trải qua bạo lực tình dục.
- 650 triệu trẻ em gái và phụ nữ từng phải chịu bạo lực tình dục khi còn nhỏ, trong đó có hơn 370 triệu trẻ em từng bị cưỡng hiếp hoặc bị tấn công tình dục. Trong những hoàn cảnh mong manh, trẻ em gái phải đối mặt với nguy cơ thậm chí còn lớn hơn.
- Gần 50 triệu trẻ em gái vị thành niên từng là nạn nhân của bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục do chồng hoặc bạn tình gây ra trong năm qua.
- Có 410 - 530 triệu bé trai và nam giới từng trải qua bạo lực tình dục khi còn nhỏ. Trong đó, có 240-310 triệu trẻ em đã từng bị cưỡng hiếp hoặc bị tấn công tình dục.
- 1,6 tỷ trẻ em thường xuyên phải chịu hình phạt bạo lực về thể chất và tâm lý tại nhà.
- Trung bình, bạo lực cướp đi sinh mạng của khoảng 130.000 trẻ em và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi mỗi năm.
- Trẻ em trai có nguy cơ tử vong do bạo lực cao hơn: Cứ 3 trong số 4 trẻ em và thanh thiếu niên bị giết do bạo lực là trẻ em trai.
- Nguy cơ tử vong do bạo lực tăng mạnh vào cuối tuổi vị thành niên: 7 trong số 10 trẻ em tử vong do bạo lực ở độ tuổi từ 15 đến 19, hầu hết là trẻ em trai.
- Gần 550 triệu trẻ em sống với những bà mẹ là nạn nhân của bạo lực do bạn đời gây ra.
Tình trạng bạo lực đối với trẻ em sẽ làm suy yếu sự thịnh vượng và sự ổn định của xã hội. Bạo lực gây ra những chi phí kinh tế và xã hội, làm xói mòn mọi khoản đầu tư vào giáo dục, sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ em.
Không có con đường nào để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững nếu không cải thiện tình trạng bạo lực mà trẻ em đang phải chịu đựng.
Bằng cách đầu tư vào các dịch vụ phòng ngừa, giáo dục và hỗ trợ, chúng ta có thể phá vỡ chu kỳ bạo lực và xây dựng một thế giới, nơi trẻ em được an toàn”.
Sheema SenGupta, Giám đốc Bảo vệ Trẻ em của UNICEF
Bạo lực đối với trẻ em - dù là bạo lực thể chất, tinh thần hay tình dục - là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, đang diễn ra trong gia đình, trường học, cộng đồng và trên mạng. Tác động của nó là nghiêm trọng, dẫn đến những chấn thương, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo âu và trầm cảm, thậm chí là tử vong.
Việc tiếp xúc sớm với bạo lực có thể gây căng thẳng, ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và dẫn đến hành vi hung hãn, nghiện ma túy và phạm tội ở tuổi trưởng thành. Trẻ em trải qua bạo lực cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi vòng tròn của bạo lực và sang chấn tâm lý khi trưởng thành, ảnh hưởng đến cả cộng đồng nơi các em sống.
Xác định 3 lĩnh vực cần thúc đẩy hành động
Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu đầu tiên về chấm dứt bạo lực đối với trẻ em được tổ chức tại Bogota (Colombia) vào ngày 7 và 8/11/2024 có sự tham gia của 119 quốc gia, hơn 80 bộ trưởng cùng với các nhà lãnh đạo trẻ, trẻ em, thanh thiếu niên.
Các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến tác động của bạo lực đến trẻ em. Trong không gian này, tiếng nói của trẻ em là điều cần thiết được tính đến trong các thỏa thuận. Tầm quan trọng của việc đảm bảo tất cả trẻ em được sống không có bạo lực trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững cũng đã được nêu bật.
Ngoài ra, các vấn đề như không tái diễn tình trạng trẻ em và thanh thiếu niên bị bạo lực trên phương tiện truyền thông và tác động của cuộc xung đột ở Palestine, nơi trẻ em phải đối mặt với bạo lực nghiêm trọng, chấn thương về mặt cảm xúc và trong nhiều trường hợp là tử vong, đã được thảo luận.
Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau thảo luận để đưa ra chương trình hành động và giải pháp để ngăn chặn và chấm dứt bạo lực đối với trẻ em. Hội nghị cũng tìm kiếm giải pháp phòng ngừa để hiện thực hóa mục tiêu Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, để mọi trẻ em được sống trong môi trường không có bạo lực.
UNICEF kêu gọi sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ, các chính sách và can thiệp dựa trên bằng chứng, cùng ngân sách đầy đủ, thúc đẩy hành động trong 3 lĩnh vực chính:
1) Phổ cập tiếp cận các chương trình làm cha mẹ;
2) Kiến tạo môi trường học tập an toàn và hỗ trợ cho tất cả trẻ em;
3) Cung cấp các dịch vụ ứng phó và hỗ trợ mang tính trọng tâm cho tất cả trẻ em cần được hỗ trợ.
Còn Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho rằng, vấn nạn bạo lực trẻ em có thể ngăn ngừa được thông qua những quy định pháp luật phù hợp nhằm thay đổi những chuẩn mực xã hội liên quan đến bạo lực trẻ em, giúp các bậc phụ huynh trở thành những ông bố, bà mẹ tốt, chăm sóc tốt hơn con cái của mình.
Hiện các quốc gia đã triển khai một số giải pháp để ngăn ngừa và hạn chế bạo lực trẻ em, tuy nhiên quá trình triển khai còn chậm. Thông qua Gói kỹ thuật INSPIRE của WHO, các bên liên quan đã thống nhất ủng hộ một bộ chiến lược để giảm bạo lực đối với trẻ em.
INSPIRE cung cấp một bản thiết kế mà mỗi quốc gia có thể điều chỉnh phù hợp với bối cảnh thực tế. Hơn một nửa số quốc gia đang triển khai ít nhất một chiến lược INSPIRE: Tăng cường hiệu quả của pháp luật; thúc đẩy môi trường an toàn của trẻ em tại nhà, trường học và cộng đồng; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực.
Nguồn: UNICEF, WHO