CSGD mầm non ngoài công lập thường khó tuyển, giữ chân giáo viên

Việc chưa có chính sách cho học sinh tại các cơ sở mầm non tư được cấp bù học phí đang gây bất lợi cho công tác phát triển xã hội hóa giáo dục đối với mầm non.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Tờ trình dự thảo "Về việc xây dựng Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 4 tuổi" gửi Chính phủ.

Theo Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục hiện hành chỉ quy định phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi. Do đó, để có thể thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 42-NQ/TW và Kết luận số 91-KL/TW, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục như tạo điều kiện để cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục – đặc biệt là cơ sở độc lập tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân.

Vì sao khó thu hút nhà đầu tư phát triển cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập?

Trước đề xuất trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Chiến – Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho hay, việc phổ cập giáo dục mầm non tất yếu ảnh hưởng đến sự phát triển, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp đang quan tâm đến lĩnh vực giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, vấn đề này hiện đang gặp phải một số rào cản. Trước hết là do tâm lý học trường công lập được miễn học phí. Thực tế hiện nay, nhà nước đang thực hiện miễn học phí cho học sinh công lập từ mầm non 5 tuổi đến trung học cơ sở (đến hết lớp 9). Điều này đã khiến cho nhiều trường mầm non ngoài công lập, tư thục, cơ sở độc lập không còn mấy học sinh 5 tuổi do xu hướng dịch chuyển từ trường dân lập, tư thục sang công lập.

Việc chưa có các chính sách kèm theo để học sinh học tập tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được cấp bù học phí đã gây ra không chỉ sự thiệt thòi cho học sinh dân lập, tư thục mà còn là thách thức cho phát triển xã hội hóa giáo dục đối với giáo dục mầm non.

 Học sinh Trường Mầm non Việt Tiến, Thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang trong giờ học. Ảnh: vietyen.bacgiang.gov.vn.

Học sinh Trường Mầm non Việt Tiến, Thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang trong giờ học. Ảnh: vietyen.bacgiang.gov.vn.

Trên thực tế, công nhân tại các khu công nghiệp hầu như phải gửi con từ khi trẻ còn rất nhỏ và gửi cả vào những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính (công nhân thường không được nghỉ ngày cuối tuần, hay tan làm trễ). Do đó, nếu họ gửi trẻ tại các cơ sở mầm non độc lập, trường mầm non tư thục, dân lập sẽ phù hợp hơn so với trường công lập.

Tại một địa bàn có nhiều khu công nghiệp như Thị xã Việt Yên hiện đang có tới 51 cơ sở độc lập, trường mầm non tư thục nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thường khó tuyển giáo viên, khó giữ chân giáo viên. Thực trạng này xảy ra do nhiều giáo viên mầm non khi thi đỗ cơ sở công lập sẽ nghỉ công tác tại trường tư thục hoặc do cảm thấy mức thu nhập chỉ ngang với mức lương bậc 1 của giáo viên biên chế, thấp hơn nhiều so với đi làm công nhân.

Không những vậy, công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất ở khu công nghiệp, xung quanh khu công nghiệp là rất khó khăn để doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường mầm non tư thục, dân lập.

Trước những khó khăn trên, thầy Chiến cho rằng, khi thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi, bên cạnh chính sách miễn học phí cho học sinh từ 3-5 tuổi tại cơ sở giáo dục mầm non công lập, cần ban hành kèm theo cơ chế hỗ trợ cấp bù học phí cho những học sinh từ 3-5 tuổi tại cơ sở độc lập, tư thục. Mức cấp bù tương đương với mức học phí đã miễn cho học sinh tại cơ sở công lập.

Đồng thời, duy trì chính sách bền vững như cấp tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng trường, lớp cho giáo dục mầm non; thực hiện những chế độ chính sách ưu tiên từ cơ chế thuê đất, giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, phải có chế độ, chính sách hỗ trợ giáo viên tại các trường mầm non dân lập, tư thục, cơ sở độc lập để họ được đảm bảo thu nhập khi phải dạy dài hơn, nhiều ngày hơn.

Từ đó, sẽ giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp yên tâm để đầu tư, phát triển thêm các cơ sở mầm non ngoài công lập để đáp ứng nhu cầu của thị trường và san sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước.

Cơ sở ngoài công lập đóng vai trò quan trọng trong công tác phổ cập giáo dục mầm non

Cùng bàn về vấn đề trên, Thạc sỹ Lê Thanh Kính – Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bày tỏ, chủ trương thực hiện phổ cập giáo dục cho trẻ từ 3-5 tuổi là rất phù hợp nhằm thúc đẩy cho số lượng trẻ ra lớp đạt tỷ lệ cao. Đồng thời, giúp trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ nhằm đáp ứng yêu cầu khi vào học lớp 5 tuổi và chuẩn bị kiến thức để tự tin vào lớp 1 để phù hợp với nhu cầu phát triển giáo dục hiện nay.

Có thể thấy rằng, cơ sở giáo dục mầm non tư thục, dân lập, cơ sở độc lập đang góp phần rất quan trọng nhằm thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Website Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức.

Ảnh minh họa. Nguồn: Website Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức.

Hiện nay, địa bàn huyện Châu Đức đang có 19 trường mầm non công lập nhưng có tới 25 cơ sở độc lập, 5 cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Điều này đã góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy số trẻ trong độ tuổi ra lớp.

Bởi, con em công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn đòi hỏi các cơ sở mầm non phải đón trẻ sớm hơn bình thường và giữ trẻ trễ hơn, thực hiện trông cả vào thứ 7, chủ Nhật. Và thực tế này sẽ rất dễ dàng được thực hiện tại cơ sở mầm non ngoài công lập khi có thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường.

Do đó, thầy Kính cho rằng, việc tạo điều kiện để cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục – đặc biệt là cơ sở độc lập tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân là chủ trương rất đúng đắn và kịp thời để thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi.

Một mặt để người lao động an tâm công tác, một mặt vừa thúc đẩy số cơ sở mầm non ngoài công lập gia tăng, phát triển mạnh, đáp ứng quy mô và điều kiện giảng dạy.

Thầy Kính thông tin, theo quy định hiện hành của Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện trẻ nhà trẻ, mẫu giáo 3, 4 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập; học sinh trung học phổ thông đang học tại các trường trung học phổ thông công lập và ngoài công lập; học viên học chương trình giáo dục thường xuyên đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên được thành lập, cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang được hưởng chính sách hỗ trợ học phí.

Mức hỗ trợ bằng 100% mức thu học phí công lập theo quy định của Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho từng cấp học. Thời gian hỗ trợ theo số tháng học tập thực tế tại các cơ sở giáo dục nhưng tối đa không quá 9 tháng/năm học.

Đồng thời, giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập cũng đều có chính sách hỗ trợ. Việc làm này nhằm đảm bảo tính công bằng cho tất cả học sinh và nâng cao tỷ lệ trẻ ra lớp. Hiện tỷ lệ trẻ đến độ tuổi ra lớp của tỉnh đang đạt bình quân trên 97%.

Bên cạnh đó, tạo động lực cho các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư hình thành và phát triển; giảm bớt gánh nặng cho các phụ huynh là công nhân làm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thầy Kính thông tin thêm, hiện nay nhu cầu gửi trẻ ở các khu công nghiệp trên địa bàn đang có xu hướng gia tăng do ngày càng nhiều công nhân quyết định gắn bó, định cư lâu dài trên địa bàn.

Còn theo cô Trần Thị Thanh Vân – Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, vấn đề thu hút tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập hiện còn gặp phải một số khó khăn do quy trình tiếp nhận của chúng ta còn nhiều chồng chéo. Điều này đã làm cho nhiều nhà đầu tư có vốn nước ngoài ngần ngại, không muốn đầu tư.

Trên thực tế, đã từng có một tổ chức phi chính phủ muốn xây một trường mẫu giáo cho Thị xã. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn trong quá trình tiếp nhận hồ sơ dự án đã khiến họ từ bỏ, rút vốn đầu tư.

Cô Vân cũng cho rằng, việc hỗ trợ học phí cho học sinh mầm non ngoài công lập (mức hỗ trợ ngang với mức học phíđược miễn của học sinh trường công lập) là chính sách mang tính nhân văn. Vừa qua, cô cũng đã có tham mưu với lãnh đạo sở giáo dục để tham mưu cho tỉnh về vấn đề này.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/csgd-mam-non-ngoai-cong-lap-thuong-kho-tuyen-giu-chan-giao-vien-post250952.gd
Zalo