CPI tăng 4,08%, lạm phát tăng 2,75% trong 6 tháng đầu năm

Tổng cục Thống kê cho hay, bình quân 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn tăng do dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương, giá dịch vụ y tế của một số tỉnh/thành phố được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI tháng 6 tăng 1,40% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%.

CPI bình quân quý 2/2024 tăng 4,39% so với quý 2/2023. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.

Trong mức tăng 0,17% của CPI tháng 6/2024 so với tháng trước, có 08 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 03 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

CPI bình quân quý 2/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Giáo dục tăng 8,15%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,63%; hàng hóa và dịch khác là 6,13%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,62%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,48%; giao thông tăng 4,28%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,61%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,1%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,66%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,31%. Riêng bưu chính, viễn thông giảm 1,36%.

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2023. CPI 6 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,51%; nhóm giáo dục tăng 8,58%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,07%.

Bên cạnh đó, yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm 2024 là: Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông 6 tháng đầu năm 2024 giảm 1,41% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2024 tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,08%), chủ yếu do giá lương thực, điện, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Giá vàng trong nước cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 24/6/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.348,27 USD/ounce, giảm 0,18% so với tháng 5/2024. Vào ngày 07/6/2024, Ngân hàng Trung ương của Trung Quốc (PBoC) đã công bố tạm dừng hoạt động mua vàng trong tháng 5/2024, chấm dứt 18 tháng liên tiếp mua vào kể từ tháng 10/2022 cùng với nhu cầu chốt lời của nhà đầu tư trên thị trường là những nguyên nhân chính dẫn đến giá vàng trên thế giới giảm nhẹ trong tháng qua. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 6/2024 giảm 2,64% so với tháng trước; tăng 18,26% so với tháng 12/2023; tăng 29,51% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 24,02%.

Tính đến ngày 24/6/2024, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 104,87 điểm, giảm 0,18% so với tháng trước. Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.455 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 6/2024 giảm 0,04% so với tháng trước; tăng 4,17% so với tháng 12/2023; tăng 7,66% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,64%.

Hà Linh

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/cpi-tang-408-lam-phat-tang-275-trong-6-thang-dau-nam-d49887.html
Zalo