COVID-19 tới 6 giờ sáng 8/1: Thế giới ghi nhận trên 2 triệu ca mắc/ngày; Nhiều nước cảnh báo tình trạng quá tải vì Omicron
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 2.246.124 trường hợp mắc COVID-19 và 6.382 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 303 triệu ca, trong đó trên 5,49 triệu người không qua khỏi.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 303.080.489 ca, trong đó có 5.496.746 người tử vong.
Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại ở nhiều nơi.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong là đáng ngại và bất thường, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới. Số ca mắc mới ghi nhận trên toàn cầu cũng liên tiếp xô đổ các kỷ lục, có ngày lên tới trên 2,5 triệu ca mới.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 700.000 ca), Anh và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu dịch tới nay chứng kiến trên 200.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 2.000 ca.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 257.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 37 triệu ca và trên 92.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 7/1, thế giới có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 86 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong bối cảnh có nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng có, nhiều nước đã quyết định hủy sự kiện hoặc giới hạn hoạt động chào mừng Năm mới 2022, do lo ngại việc tụ tập đông người sẽ tạo cơ hội cho biến thể Omicron lây lan.
Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước và khiến thế giới đối mặt với nguy cơ một “trận sóng thần” COVID-19 mới.
Tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, số ca nhiễm biến thể Omicron đang khiến các bệnh viện trên khắp nước này phải hoãn các cuộc phẫu thuật tự chọn để giải phóng giường bệnh.
Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy hầu hết các khu vực mà bệnh viện đang tạm ngừng phẫu thuật đều có tỷ lệ nhập viện vì COVID-19 hằng ngày cao nhất hoặc tăng đột biến trong suốt tháng 12/2021 hoặc tháng 1.
Cũng theo CDC Mỹ, tỷ lệ trung bình bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 trong 7 ngày đã tăng 60% so với tuần trước lên 16.458 người/ngày, chỉ thấp hơn 0,2% so với mức đỉnh được ghi nhận trên toàn nước Mỹ cách đây đúng một năm. Đến nay Mỹ ghi nhận 59.564.116 ca mắc COVID-19, trong đó có 855.843 ca tử vong.
Ngày 7/1, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến nghị tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna cho người trên 18 tuổi tối thiểu khoảng 5 tháng sau các mũi tiêm đầu, theo đó rút ngắn so với thời gian chờ hiện nay là 6 tháng.
Trong tuyên bố của mình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá sinh học của FDA, ông Peter Marks nhấn mạnh: "Tiêm phòng là biện pháp bảo vệ tốt nhất của chúng ta chống lại dịch COVID-19, bao gồm các biến thể đang tồn tại hiện nay. Quyết định rút ngắn khoảng thời gian giữa các mũi vaccine cơ bản và mũi tăng cường có thể giúp giảm thiểu nguy cơ hệ miễn dịch suy yếu".
Động thái trên được đưa ra sau khi FDA ngày 3/1 đưa ra quyết định rút ngắn thời gian chờ giữa 2 mũi vaccine đầu với mũi vaccine tăng cường của Pfizer/BioNTech từ 6 tháng xuống còn 5 tháng. FDA nhấn mạnh sự điều chỉnh như vậy có thể cung cấp khả năng bảo vệ sớm hơn trước biến thể Omicron lây lan nhanh.
Xếp thứ hai là Ấn Độ với 35.226.386 ca mắc COVID-19 và 483.178 ca tử vong. Ngày 7/1, Ấn Độ phát hiện 171.100 ca mắc mới, tăng gấp 5 lần chỉ trong vòng một tuần và vượt qua cả mức cao đỉnh điểm ghi nhận trong các đợt bùng phát dịch trước đó khi biến thể Omicron lây lan nhanh và trở thành biến thể phổ biến tại nhiều thành phố. Do lo ngại dịch bệnh lây lan, từ ngày 11/1, nước này áp dụng quy định cách ly bắt buộc tại nhà trong 7 ngày đối với tất cả hành khách quốc tế nhập cảnh.
Tại Nhật Bản, chính phủ nước này ngày 7/1 đã cho phép chính quyền các tỉnh Okinawa, Yamaguchi và Hiroshima áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm sau khi ghi nhận mức tăng đột biến số ca mắc mới COVID-19 tại các địa phương này. Đây là lần đầu tiên các biện pháp như vậy được thực thi kể từ khi Thủ tướng Fumio Kishida nhậm chức vào đầu tháng 10/2021.
Theo đó, từ ngày 9-31/1 tới, các cơ sở kinh doanh ăn uống phải rút ngắn thời gian hoạt động và tạm dừng phục vụ đồ uống có cồn. Các trường hợp không tuân thủ quy định có thể bị phạt tới 200.000 yen (khoảng 1.700 USD). Ngày 6/1, Nhật Bản phát hiện 4.475 ca nhiễm mới, tăng gần gấp đôi so với con số 2.638 ca được ghi nhận một ngày trước đó và cao nhất kể từ ngày 18/9/2021.
Tại Bangladesh, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh xấu đi, chính phủ nước này đã quyết định không cho phép học sinh trong độ tuổi từ 12-17 chưa tiêm phòng COVID-19 quay lại trường.
Thư ký Nội các Bangladesh Khandker Anwarul Islam cho biết chính phủ đang triển khai các bước nhằm đảm bảo tiêm phòng COVID-19 cho toàn bộ trẻ em nước này. Nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, chính phủ có thể sẽ giảm một nửa công suất hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng.
Số ca nhiễm mới tại Bangladesh đang có dấu hiệu tăng nhanh. Tổng Giám đốc Dịch vụ Y tế Bangladesh cho hay trong 7 ngày qua tính đến sáng 6/1, nước này đã ghi nhận thêm 4.920 ca mắc COVID-19 mới. Tính đến ngày 6/1, Bangladesh ghi nhận tổng cộng 1.589.947 ca mắc COVID-19 và 28.097 ca tử vong.
Tại châu Âu, số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt tại nhiều nước. Ngày 6/1, Bộ Y tế Italy thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 219.441 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất kể từ đầu dịch đến nay.
Trong khi đó, số ca mắc mới COVID-19 tại Pháp trong ngày 6/1 dù đã giảm từ mức kỷ lục hơn 332.000 ca của ngày trước đó xuống còn 261.418 ca nhưng vẫn là mức cao thứ hai thế giới sau Mỹ. Tính trung bình cả tuần, số ca mắc mới theo ngày tại Pháp lần đầu vượt 200.000 ca kể từ đầu dịch.
Tại Anh, số ca tái mắc COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng ở những người trên 30 tuổi. Theo dữ liệu của Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA), ít nhất 268.517 người đã mắc COVID-19 nhiều hơn một lần tính tới cuối tháng 12 năm ngoái.
Nhà dịch tễ học Meaghan Kall của UKHSA cho biết con số này có thể thấp hơn đáng kể so với thực tế do công tác xét nghiệm bị hạn chế trong đợt dịch COVID-19 đầu tiên. Bộ Quốc phòng Anh thông báo đã bắt đầu triển khai quân đội để hỗ trợ các bệnh viện đang bị thiếu nhân lực và chịu sức ép lớn do số ca mắc COVID-19 tăng nhanh.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tiến hành tiêm mũi vaccine tăng cường cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan mạnh trên khắp đất nước.
Bộ Y tế nước này cho biết những trẻ em trong độ tuổi trên được tiêm mũi thứ 2 cách đây 3 tháng đều đủ tiêu chuẩn để tiêm mũi tăng cường. Cho đến nay, tổng cộng 135 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm cho người dân, bao gồm 20,7 triệu mũi tăng cường.
Số ca mắc COVID-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên 68.413 ca vào ngày 6/1. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca trước đó cho biết số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 ở Istanbul đã vượt qua một nửa tổng số ca của cả nước.
Tại châu Mỹ, Cuba đối diện đợt bùng phát mới dịch COVID-19, trong khi Argentina tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ đầu dịch. Cụ thể, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Cuba trước đó ghi nhận chưa tới 100 ca mỗi ngày nhưng đã gia tăng nhanh chóng trong 2 tuần gần đây.
Cuba ngày 6/1 ghi nhận 1.429 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ và một trường hợp tử vong do dịch bệnh này. Bộ Y tế Cuba cho biết nước này đang đối mặt với một đợt bùng phát mới của đại dịch do sự xuất hiện biến thể Omicron.
Còn tại Argentina, 109.608 ca mắc mới đã được ghi nhận trong ngày 6/1, mức cao nhất kể từ đầu dịch. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp nước này ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục.
Trong khi đó, Brazil thông báo ghi nhận 35.816 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng 8/2020. Đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 22.386.930 ca mắc, trong đó có 619.641 ca tử vong. Số ca tử vong do COVID-19 tại Brazil hiện chỉ xếp sau Mỹ và Nga.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 7/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 50.730 ca mắc mới COVID-19 và 416 ca tử vong. Tổng số ca bệnh ở khu vực này tới nay vượt 15.100.000 trường hợp và 306.948 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Số ca tử vong nhìn chung tiếp tục giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Song diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể.
Ngày 7/1, Philippines ghi nhận số ca bệnh mới tăng vọt, dẫn đầu toàn khối với trên 21.000 ca bệnh. Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á với trên 16.000 ca mắc mới và 233 ca tử vong. Đây cũng là số ca tử vong trong ngày cao nhất ở châu Á trong 24 giờ qua. Việt Nam đã ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm biến thể Omicron.
Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 7/1 ghi nhận thêm trên 7.000 ca bệnh mới và 19 người tử vong.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 11 bệnh nhân mới và không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.
Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 100.000, số ca mắc mới đang trên đà giảm những cũng vượt 1.000 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 10 người.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.