COVID-19: Sự thật và những bí ẩn còn sót lại
5 năm trước, một loại virus bí ẩn xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.
Loại virus mới đã gây ra đại dịch toàn cầu, đồng thời phơi bày sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của thế giới và thay đổi nhận thức của công chúng về việc quản lý các mầm bệnh mới nổi gây tử vong. Loại virus này được biết đến rộng rãi với tên gọi COVID-19.
Cho đến nay, COVID-19 vẫn tồn tại, nhưng khả năng miễn dịch từ việc tiêm vắc-xin đã hạn chế rất nhiều các ca tử vong so với giai đoạn đầu của đại dịch. Mặc dù không còn nằm trong số những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, nhưng sự tiến hóa liên tục của COVID-19 đòi hỏi sự theo dõi thận trọng của các nhà khoa học trên toàn thế giới.
Theo thống kê, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 20 triệu người. Trong khi các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức báo cáo hơn 7 triệu ca tử vong, nhưng theo ước tính của WHO, số ca tử vong thực tế được cho là cao hơn ít nhất ba lần.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), COVID-19 vẫn tiếp tục cướp đi sinh mạng của con người với tốc độ trung bình khoảng 900 ca tử vong mỗi tuần trong năm qua tại quốc gia này. Trong đó, người lớn tuổi vẫn là nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Các nhà khoa học đã phát triển vắc-xin COVID-19 với tốc độ kỷ lục, cứu sống hàng chục triệu người trên toàn cầu. Những loại vắc-xin này đã trở thành nền tảng cho những nỗ lực khôi phục lại trạng thái bình thường.
Chưa đầy một năm sau khi Trung Quốc xác định được loại virus mới, các cơ quan quản lý y tế tại Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã phê duyệt vắc-xin do Pfizer và Moderna phát triển. Những đột phá này có thể thực hiện được nhờ nhiều năm nghiên cứu trước đó, bao gồm những khám phá đoạt giải Nobel đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghệ vắc-xin mRNA.
Ngày nay, các lựa chọn vắc-xin bao gồm công thức thông thường hơn từ Novavax, cùng với các phương án thay thế khác được áp dụng ở một số quốc gia. Mặc dù việc phân phối đến các quốc gia có thu nhập thấp ban đầu chậm trễ, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính đã có hơn 13 tỷ liều vắc-xin COVID-19 được tiêm trên toàn thế giới kể từ năm 2021.
Cho đến nay, nguồn gốc của loại virus này vẫn chưa rõ ràng, mặc dù các nhà khoa học xác định có khả năng bắt nguồn từ loài dơi, sau đó lây sang một loài khác trước khi lây nhiễm cho con người. Các ca bệnh đầu tiên ở người xuất hiện vào cuối tháng 11/2019, có liên quan đến một khu chợ ở Vũ Hán, nơi những loài động vật bị xử lý và giết mổ.
Con đường lây truyền này đã được ghi chép đầy đủ và được xác định là nguyên nhân gây ra đại dịch. Tuy nhiên, Vũ Hán là nơi có một số phòng thí nghiệm chuyên thu thập và nghiên cứu về virus corona, làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu virus này có thể rò rỉ từ một trong những cơ sở này hay không.
Việc xác định nguồn gốc của virus là một thách thức khoa học phức tạp, nhưng nhiệm vụ này càng trở nên quan trọng do các tranh chấp chính trị và cáo buộc từ các nhà nghiên cứu quốc tế rằng Trung Quốc đã che giấu bằng chứng quan trọng.
Nguồn gốc chính xác của đại dịch có thể vẫn là một bí ẩn trong nhiều năm tới và có khả năng sẽ không bao giờ được khám phá đầy đủ.