Covid-19 ở Đức: Thách thức cũ, tiếp cận mới

Chính phủ mới ở Đức đang đẩy mạnh các biện pháp ứng phó đại dịch Covid-19 nhưng chặng đường phía trước không hề dễ dàng khi nhiều thách thức nội tại đan xen.

Tân Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach (trái) tiếp nhận vị trí từ người tiền nhiệm Jens Spahn (phải) với nhiều thách thức trong cuộc chiến chống Covid-19. (Nguồn: DW)

Tân Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach (trái) tiếp nhận vị trí từ người tiền nhiệm Jens Spahn (phải) với nhiều thách thức trong cuộc chiến chống Covid-19. (Nguồn: DW)

Kỳ vọng về tân Bộ trưởng Y tế

Bộ trưởng Y tế liên bang Karl Lauterbach hôm Chủ nhật có những tuyên bố cứng rắn trên truyền hình về cách thức chính quyền mới tuyên chiến với Covid-19. Phát biểu trong chương trình truyền hình Anne Will, ông Lauterbach nhấn mạnh: Chú trọng các biện pháp hạn chế tiếp xúc, thực hiện các mũi tiêm tăng cường và tăng tốc độ phát triển các loại vaccine phù hợp hơn để chống lại các biến thể mới.

Bộ trưởng Lauterbach cũng hứa sẽ huy động sự tham gia của các nhà khoa học nhiều hơn vào quá trình ra quyết định chính trị liên quan đến cuộc chiến ứng phó Covid-19.

Không giống như người tiền nhiệm Jens Spahn, người không có bằng cấp về y tế, ông Lauterbach là bác sĩ và nhà dịch tễ học nổi tiếng từng giảng dạy tại Đại học Harvard, Mỹ.

Ông Lauterbach là nghị sĩ của đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD) từ năm 2005 và giành chiến thắng trong khu vực bầu cử của mình với tỷ lệ áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9. Trong suốt đại dịch, ông không ngần ngại nêu ý kiến của mình bằng cách tham gia nhiều cuộc trả lời phỏng vấn báo chí và thu hút được lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội.

Những dự đoán của ông Lauterbach về sự lây lan của virus và các đề xuất chống dịch bằng các biện pháp nghiêm ngặt đã được chứng minh là chính xác. Ông được đánh giá cáo về khả năng chuyên môn và nhiều người dân Đức tin tưởng ông sẽ tạo dựng được dấu ấn trên cương vị mới.

Nhưng việc kết hợp hai "vai diễn" không hề đơn giản. Bình luận về một nghiên cứu mới công bố của Anh liên quan đến khả năng lây lan của biến thể Omicron, ông Lauterbach viết trên Twitter với hơn 700 nghìn người theo dõi của mình rằng: "Việc tiêm nhắc lại có vẻ hợp lý, có lẽ là cần thiết".

Tuy nhiên, ông Ruprecht Polenz, thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu (CDU), đảng đứng đầu trong chính phủ của cựu Thủ tướng Angela Merkel, nhanh chóng phản ứng: "Tôi không cho rằng đó là cách nói phù hợp của một Bộ trưởng Y tế. “Có lẽ cần thiết” có nghĩa là gì, chính xác đến đâu?".

Nhóm chuyên gia nhiều tranh cãi

Để tránh sự thiếu gắn kết giữa các tư vấn chuyên môn của các nhà khoa học và các quyết sách của các chính trị gia, chính phủ mới của Thủ tướng Olaf Scholz vừa thành lập một hội đồng chuyên gia khoa học thuộc Văn phòng Thủ tướng nhằm mục đích gắn kết hơn nữa giữa các nhà khoa học và chính trị gia.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết biến thể Omicron đã được ghi nhận ở 77 quốc gia. Tính tới ngày 14/12, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết có 2.127 trường hợp mắc Omicron, nhiều nhất là Anh, Đan Mạch, Na Uy, Pháp, Đức và Bỉ.

Có 19 thành viên là chuyên gia trong các lĩnh vực virus học, miễn dịch học và y học nói chung, cũng như đạo đức và tâm lý học.

Hội đồng chuyên gia tư vấn về Covid-19 cũng bao gồm những người đứng đầu của hai tổ chức trung ương: Viện Robert Koch (RKI), cơ quan liên bang chịu trách nhiệm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, và Ủy ban tiêm chủng thường trực (STIKO).

Hội đồng họp mỗi tuần một lần với mục tiêu có những “cuộc tranh luận rộng rãi hơn, đa chiều hơn và minh bạch hơn”, đặc biệt trong bối cảnh biến thể mới Omicron vẫn đang là một ẩn số lớn.

Tuy vậy, như chính Bộ trưởng Lauterbach nhấn mạnh, các quyết định cuối cùng liên quan đến chính sách phòng chống Covid-19 sẽ do các chính trị gia đưa ra chứ không phải Hội đồng chuyên gia.

Ngoài ra, chính các thành viên trong hội đồng chuyên gia cũng không dễ đồng thuận: Ông Hendrik Streeck và Christian Drosten là hai trong số những nhà virus học nổi tiếng nhất ở Đức, những người thường bày tỏ ý kiến trái ngược nhau về việc kiểm soát đại dịch.

Việc dung hòa các ý kiến trái chiều này cũng là một thách thức đối với tân bộ trưởng y tế Đức.

Mối lo về vaccine

Các đợt tiêm chủng sắp tới của Đức sẽ không dễ dàng khi số lượng vaccine được Đức đặt hàng cho năm tới có khả năng không được giao đúng hẹn.

Ngân sách y tế của Đức bị cắt giảm trong nhiều năm qua. (Nguồn: DW)

Ngân sách y tế của Đức bị cắt giảm trong nhiều năm qua. (Nguồn: DW)

Bộ trưởng Lauterbach đã thông báo rằng số vaccine được đặt hàng cho ba tháng đầu năm 2022 có thể bị thiếu và ông đang tìm cách đàm phán với các nhà sản xuất để đảm bảo nguồn cung bổ sung.

Nếu việc đàm phán không thành công, Đức khó thực hiện mục tiêu tiêm chủng bắt buộc đối với các nhân viên y tế và viện dưỡng lão vào tháng 3/2022.

Tỷ lệ tiêm chủng của Đức vẫn dao động ở mức 70%. Gần đây, Đức đưa ra những hạn chế nghiêm khắc đối với những người chưa được tiêm chủng, chẳng hạn như cấm tham gia các sự kiện văn hóa và thể thao tập trung đông người.

Thách thức về cấu trúc

Có một thực tế dễ nhận thấy là Bộ trưởng Y tế liên bang có quyền lực hạn chế.

Giống như Mỹ, việc xây dựng luật thuộc về 16 bang. Thực tế gần 2 năm đương đầu với đại dịch, Đức có các chính sách hạn chế tiếp xúc, biện pháp phong tỏa của từng bang, đồng thời tổ chức tiêm chủng ở cấp bang.

Ngoài ra, việc ngân sách y tế bị cắt giảm liên tục trong nhiều năm đang gây khó khăn cho nhiều bệnh viện. Gerald Gass, người đứng đầu Hiệp hội Bệnh viện Đức, đại diện cho hơn 1.900 bệnh viện trên toàn quốc, bày tỏ hi vọng tân bộ trưởng y tế sẽ góp tiếng nói mạnh mẽ nhằm tăng ngân sách dành cho y tế.

Các đối tác liên minh của chính phủ liên bang cũng cam kết đưa ra các chính sách nhằm cải thiện điều kiện làm việc trong các bệnh viện, trong đó có việc rút ngắn thời gian ở lại bệnh viện của các bệnh nhân nội trú; tăng các cơ sở chăm sóc ngoại trú và thành lập thêm những "trung tâm cấp cứu tích hợp" nhằm đảm bảo rằng chỉ những trường hợp cấp cứu nghiêm trọng mới được đưa vào phòng cấp cứu của bệnh viện.

Nhiều người cho rằng, bằng cách tăng vai trò cho người đứng đầu ngành y tế, tăng ngân sách cho các bệnh viện thì chính phủ mới của Đức mới có thể giải quyết phần nào những hạn chế phát sinh trong cuộc chiến chống Covid-19 với chặng đường đang còn nhiều chông gai phía trước.

(theo DW)

Tường Vy

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-o-duc-thach-thuc-cu-tiep-can-moi-168152.html
Zalo