COVID-19 đã là bệnh truyền nhiễm nhóm B, người mắc có cần cách ly y tế?

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận gần 150 ca mắc COVID-19 và có sự gia tăng nhẹ 3 tuần gần đây. Tuy nhiên, từ tháng 10/2023, COVID-19 đã là bệnh lưu hành, được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B giống như cúm. Vậy người mắc bệnh có cần phải cách ly y tế?

Người dân không nên quá lo lắng về các ca COVID-19 hiện nay

Theo Bộ Y tế hiện nay trên thế giới đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng tại một số quốc gia như Brazil, Anh, Thái Lan...

Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc COVID-19 tại 27 tỉnh, thành phố và không có ca tử vong.

Trong thông tin gửi báo chí về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và Việt Nam, Bộ Y tế khẳng định không ghi nhận các ổ dịch tập trung, tuy nhiên có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình với 20 ca mắc/tuần.

Trước tình hình bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã chủ động tăng cường công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình COVID-19, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng; sẵn sàng thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao (phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi…), không để xảy ra các trường hợp tử vong.

Thăm khám cho người điều trị COVID-19.

Thăm khám cho người điều trị COVID-19.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (nay là Cục Phòng bệnh) Bộ Y tế, cho biết, hiện nay COVID-19 là bệnh lưu hành, được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B. Bệnh không mất đi vì thế sẽ có lúc tăng lúc giảm số ca mắc, thậm chí có tính chất chu kỳ như cúm.

Do đó, chuyên gia cho rằng người dân không nên quá lo lắng về các ca COVID-19 hiện nay. Dịch vẫn tồn tại trong cộng đồng với các ca bệnh rải rác, nhưng chưa ghi nhận trường hợp nặng hay tử vong.

Biến thể đang lưu hành chủ yếu của COVID-19 hiện vẫn là chủng nhẹ của Omicron. Dù vậy, chuyên gia lưu ý, nhóm nguy cơ cao như người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai… khi mắc bệnh vẫn có thể chuyển nặng, phải nhập viện.

Vì thế, những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang; Đồng thời, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay…

PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Người dân không quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan. Chúng ta không thể loại trừ khả năng COVID-19 có diễn biến bất ngờ. Do đó, các cơ sở y tế cần có sự chuẩn bị để nếu không may có bất ngờ thì chúng ta có đủ giường bệnh, cơ sở cách ly để dịch không bùng phát mạnh, không nhiễm khuẩn chéo dẫn đến tử vong như trước đây.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trong phòng chống bệnh truyền nhiễm, các ca mắc COVID-19 được xử lý như các cúm mùa.

COVID-19 là nhóm B, phòng chống bệnh này thế nào, cách ly ra sao?

Liên quan đến dịch bệnh COVID-19, từ tháng 10/2023, Bộ Y tế đã ban hành quyết định điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Việc chuyển COVID-19 sang nhóm B có nghĩa là bệnh này không còn là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, rộng và gây tử vong cao. Theo đó, các hoạt động phòng, chống COVID-19 được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 được bổ sung bởi quyết định 3896/QĐ-BYT (năm 2023), nhóm B gồm các bệnh nguy hiểm, lây nhanh, có thể gây tử vong như: Viêm đường hô hấp do virus Corona (COVID-19), HIV/AIDS, bạch hầu, cúm, dại, ho gà, lao phổi, liên cầu lợn, lỵ amíp, lỵ trực trùng, quai bị, sốt xuất huyết, sốt rét, sốt phát ban, sởi, tay chân miệng, than, thủy đậu, thương hàn, uốn ván, rubella, viêm gan virus, viêm màng não do não mô cầu, viêm não virus, xoắn khuẩn vàng da, tiêu chảy do virus Rota, virus Zika, viêm đường hô hấp do virus Adeno.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về giám sát, phòng chống COVID-19 khi bệnh thuộc nhóm B, đối với ca bệnh xác định, việc thu dung, quản lý điều trị, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

COVID-19 lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp (qua giọt bắn là chủ yếu) và qua bàn tay tiếp xúc với các vật dụng, bề mặt bị nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng. Bệnh cũng có khả năng lây truyền qua hạt khí dung ở trong những không gian kín, đông người và thông gió hạn chế hoặc nơi có nhiều thao tác tạo khí dung như trong các cơ sở điều trị.

Bộ Y tế khuyến cáo đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế.

Bộ Y tế khuyến cáo đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế.

Người mắc COVID-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, có thể không có triệu chứng, có triệu chứng nhẹ hoặc có biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), nhiễm khuẩn huyết, suy chức năng đa cơ quan và tử vong.

Nhóm nguy cơ mắc bệnh nặng bao gồm người cao tuổi, người có bệnh nền nặng như tiểu đường/tim mạch, những người có bệnh lý suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai...

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người mắc COVID-19 điều trị ngoại trú cần thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm như sau:

+ Người mắc COVID-19 phải đeo khẩu trang. Khuyến khích tự cách ly tại nơi lưu trú ít nhất 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên hoặc từ khi có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính và nên đeo khẩu trang hết ngày thứ 10 để tránh lây nhiễm cho người khác.

Nếu cần rời khỏi nơi lưu trú cần tuân thủ đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc với người khác.

+ Người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người bệnh phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

+ Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; vệ sinh khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa… hàng ngày và khi dây bẩn.

+ Giữ thông thoáng, vệ sinh nơi lưu trú.

Để chủ động phòng, chống bệnh COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế.

2. Hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết).

3. Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý.

5. Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời…

Người dân đến và về từ các nước có số ca mắc COVID-19 cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe để phòng, chống COVID-19 cho bản thân, gia đình và người tiếp xúc gần.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới theo dõi chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/covid-19-da-la-benh-truyen-nhiem-nhom-b-nguoi-mac-co-can-cach-ly-y-te-169250521093659282.htm
Zalo