COVID-19 có xu hướng gia tăng, nhiều trẻ em nhiễm bệnh
Nhiều bệnh viện đang chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị ca mắc COVID-19 nhập viện. Theo một số bệnh viện ở Hà Nội, thời gian gần đây tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ mắc COVID-19 vào điều trị.
Tuy không có ca nặng phải thở máy, nhưng biến chứng viêm phổi thì có. Người lớn mắc COVID-19 tuy chưa có trường hợp nào nặng phải can thiệp ECMO, nhưng vẫn có trường hợp phải điều trị tích cực. COVID-19 là bệnh lưu hành, được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B giống như cúm, những ngày qua nhiều người thắc mắc, khi mắc bệnh có phải cách ly hay không.
Phân luồng để chống lây nhiễm chéo
Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Hà Nội tiếp nhận nhiều trẻ em mắc COVID-19 vào nhập viện. TS.BS Đỗ Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, từ đầu năm tới nay, bệnh viện ghi nhận hơn 100 ca mắc, trong đó từ đầu tháng 5 số mắc có xu hướng gia tăng. Riêng ngày 19/5, có 18 cháu nhiễm COVID-19 phải nhập viện. Tuy chưa có ca nặng đến mức phải thở máy, nguy kịch, nhưng có tình trạng biến chứng viêm phổi nhập viện. Bệnh viện Nhi Hà Nội cũng lập phòng cách ly điều trị COVID-19 để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Khu vực cách ly điều trị COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Thanh Nhàn.
Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận điều trị cho 12 ca mắc COVID-19, trong đó 6 trường hợp nặng phải điều trị. Ngoài COVID-19, nơi đây đang tiếp nhận nhiều ca bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết. Bệnh viện Thanh Nhàn đã lập các khu cách ly riêng biệt cho từng nhóm bệnh nhằm đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân. Đồng thời, bệnh viện tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, sàng lọc và phân luồng bệnh nhân ngay từ khâu tiếp nhận ban đầu.
TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho hay, ngay sau khi nhận được văn bản của Cục Quản lý Khám chữa bệnh về việc tăng cường phòng chống COVID-19, bệnh viện đã họp rà soát lại phân luồng từ phòng khám, bố trí khu vực cách ly điều trị, cập nhật kế hoạch thu dung như trường hợp nào thì cho về tự điều trị, trường hợp nào nhập viện. Bệnh viện sẵn sàng thu dung khi số ca mắc gia tăng, đảm bảo an toàn cho người bệnh trong các khu điều trị khác.
Là bệnh viện đầu ngành về truyền nhiễm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn tiếp nhận rải rác ca mắc COVID-19. Thời gian gần đây có xu hướng tăng hơn, một số trường hợp nặng phải điều trị hồi sức, thở máy. Tuy nhiên, những ca nặng phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) như trước kia không có. Đa số những bệnh nhân phải nhập viện vào đây đều mắc bệnh nền, cao tuổi.
Bệnh lưu hành nhưng không được chủ quan
COVID-19 đang gia tăng ở một số nước, đặc biệt tại nước láng giềng Thái Lan, từ đầu năm đến nay, quốc gia này ghi nhận hơn 108.000 ca nhiễm và 27 trường hợp tử vong. Thái Lan cũng ghi nhận biến thể XEC của COVID-19 lây lan nhanh gấp 7 lần cúm mùa. Điều này gây lo ngại khi liệu dịch có bùng phát tại Việt Nam hay không? Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay nước ta ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc tại 27 tỉnh, TP, không có ca tử vong. Nước ta không ghi nhận các ổ dịch tập trung, nhưng có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần trở lại đây.
Trước lo ngại của người dân, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, COVID-19 hiện là bệnh lưu hành, được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B. Bệnh không mất đi mà sẽ có lúc tăng, lúc giảm số ca mắc, thậm chí có tính chất chu kỳ như cúm. Vì thế, người dân không nên quá lo lắng.
Chuyên gia nhấn mạnh, dịch vẫn tồn tại trong cộng đồng với các ca bệnh rải rác, nhưng chưa ghi nhận trường hợp nặng hay tử vong. Biến thể đang lưu hành vẫn là chủng nhẹ của Omicron. Dù vậy, nhóm nguy cơ cao như người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai… khi mắc bệnh vẫn có thể chuyển nặng, phải nhập viện. Để phòng bệnh, ông Phu khuyến cáo, những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang.
Đồng thời, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay… Tuy là bệnh lưu hành nhưng người dân cũng không được chủ quan bởi không thể loại trừ khả năng COVID-19 có diễn biến bất ngờ. Vì thế các cơ sở y tế cần có sự chuẩn bị để nếu không may có bất ngờ thì có đủ giường bệnh, cơ sở cách ly để dịch không bùng phát mạnh, không nhiễm khuẩn chéo dẫn đến tử vong như trước đây.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người mắc COVID-19 điều trị ngoại trú cần đeo khẩu trang, khuyến khích nên tự cách ly tại nơi lưu trú ít nhất 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên hoặc từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính và nên đeo khẩu trang hết ngày thứ 10 để tránh lây nhiễm cho người khác. Nếu cần rời khỏi nơi lưu trú cần tuân thủ đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc với người khác. Người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người bệnh phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, phần lớn người dân đã có miễn dịch nên nguy cơ chuyển nặng rất thấp. COVID-19 hiện nay cũng như cúm thông thường, nhóm cần chú ý là có bệnh nền nặng, đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn, suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai.