Cốt yếu là công khai, minh bạch

Trước những dấu hiệu bất thường trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 134/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ liên quan, các địa phương kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất; qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả và góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn lại thực tế thời gian qua cho thấy, công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại một số địa phương vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định.

Nổi lên là hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá, hoặc thông đồng, cấu kết thao túng giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Đáng chú ý là gần đây, việc tổ chức đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn. Với các chiêu thức tinh vi nhằm qua mặt cơ quan chức năng, một số đối tượng đã thông đồng, trả cao tới gần 100 triệu đồng/m2, cá biệt có đối tượng trả tới mức 30 tỷ đồng/m2, sau đó bỏ không đấu giá nữa. Căn cứ kết quả điều tra vụ việc, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội) đã bắt giữ 6 đối tượng liên quan vụ việc để tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước vụ việc trên, một số huyện trên địa bàn thành phố cũng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và đã xảy ra tình cảnh tương tự, khiến dư luận không khỏi băn khoăn về thị trường bất động sản cũng như giá trị thực của các thửa đất trúng đấu giá khi giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá chênh lệch nhau một cách phi lý. Hành vi này rõ ràng là lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Đấu giá quyền sử dụng đất là một trong những giải pháp quan trọng tạo điều kiện tăng thu ngân sách và phát triển hạ tầng ở các địa phương. Nhưng nếu quá trình thực hiện phiên đấu giá không công khai, minh bạch và không bảo đảm quy trình, quy định thì ắt ảnh hưởng lợi ích của Nhà nước và người dân. Trong đó, hệ quả lớn nhất là có thể tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường bất động sản; đặc biệt là người dân có nhu cầu mua nhà đất để ở thực sự khó tiếp cận…

Hiện nay, thị trường bất động sản nói chung và công tác đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng có nhiều vấn đề cần quan tâm để kịp thời chấn chỉnh. Nổi lên là việc xác định giá khởi điểm theo bảng giá đất cần căn cứ cập nhật theo quy định tại Luật Đất đai năm 2024. Theo đó, trước khi xác định giá khởi điểm theo bảng giá đất phục vụ công tác đấu giá quyền sử dụng đất phải tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung giá đất tương ứng trong bảng giá đất tại khu vực, vị trí tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai. Làm sao để giá khởi điểm đưa ra đấu giá phải phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng đã đầu tư và mặt bằng giá đất thực tế tại khu vực tổ chức đấu giá.

Một giải pháp quan trọng nữa là việc xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất phải bảo đảm chặt chẽ, khoa học, có sự kiểm soát của cơ quan chức năng, tránh tình trạng lợi dụng việc đấu giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường. Trong đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để bảo đảm công khai, minh bạch. Lưu ý là căn cứ quy định hiện hành, có biện pháp phù hợp để quản lý chặt chẽ thông tin về lịch sử tham gia đấu giá và dòng tiền trong tài khoản thanh toán của người trúng đấu giá.

Công tác đấu giá quyền sử dụng đất cốt yếu là phải công khai, minh bạch. Vì vậy, ngoài các quy định liên quan đến lĩnh vực này, các địa phương cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị khu vực tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và các khu vực lân cận. Chỉ có như vậy, việc đấu giá quyền sử dụng đất mới thực sự phát huy đúng mục đích là góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

Bắc Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cot-yeu-la-cong-khai-minh-bach-687740.html
Zalo