Cột điện, công trình ngổn ngang: Bao giờ đường nghìn tỷ Dương Quảng Hàm 'về đích'?
Hiện trên đường Dương Quảng Hàm, cột điện, vật tư, nhiều đoạn công trình xây dựng vẫn ngổn ngang chưa hoàn thiện, khiến người dân không biết khi nào dự án này mới 'về đích'.
Ngổn ngang từ cột điện đến vật tư công trình
Dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp, Tp.HCM) là một trong những công trình giao thông trọng điểm được đặt mục tiêu hoàn thành và thông xe vào cuối năm 2024.
Tuy nhiên đến nay, con đường trên vẫn ngổn ngang cột điện. Các đơn vị thi công đang đào cống, san đường, bụi khắp nơi khiến người dân quanh tuyến đường rất vất vả.
Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Bốn (ngụ trên đường Dương Quảng Hàm) cho biết: "Dự án đã giải tỏa từ lâu và xây dựng được mấy năm rồi. Hiện nay, 2 bên đường người dân đã xây lại xong nhà cửa, chuẩn bị mọi thứ để kinh doanh mua bán và ổn định cuộc sống. Nhưng cứ thấy đường ì ạch mãi không xong, chúng tôi phải sống trong cảnh bụi mù mịt một thời gian dài rồi".
Chị Hồng, kinh doanh cà phê trên đường Dương Quảng Hàm, cũng bày tỏ sự mong chờ đối với dự án trên: "Nhiều năm rồi, chúng tôi chỉ mong đường làm nhanh hoàn thiện còn buôn bán, chứ ngày nào cũng bụi mù mịt, cột điện chằng chịt thế này, không làm ăn được gì".
Theo người dân, do một số đoạn đường đã hoàn thiện cơ bản nên các phương tiện giao thông, đặc biệt xe tải chạy qua rất nhiều. Mỗi khi 2 xe tránh nhau thì vướng cột điện ở giữa, khiến người đi đường gặp khó khăn nhất là vào ban đêm.
Chưa thể di dời cột điện, "chờ" đồng bộ để ngầm hóa
Trả lời Người Đưa Tin, ông Trần Điền Anh, Phó Giám Đốc Ban Quản lý dự án lưới điện phân phối thuộc Tổng công ty Điện lực Tp.HCM (EVNHCMC) cho biết, hiện nay đối với dự án đường Dương Quảng Hàm vẫn chưa thể hoàn thành việc di dời và ngầm hóa hệ thống điện.
Theo ông Trần Điền Anh, về nguyên tắc, khi nào chủ đầu tư hạ tầng giao thông bàn giao mặt bằng cho điện lực hoàn tất, thì ngành điện mới triển khai kéo cáp, thi công. Sau khi kéo cáp điện, mới đấu nối thông tuyến, đóng điện lưới ngầm, sau đó mới thu hồi lưới nổi và trụ điện hiện hữu.
"Chúng tôi không thể làm theo kiểu có mặt bằng đoạn nào thì làm đoạn đó, cũng không thể cắt điện liên tục để làm vì phải cung cấp điện cho dân sử dụng. Việc chưa nhận được đầy đủ mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công kéo cáp của nhà thầu do phải kéo cáp liên tục, để liên kết lưới điện", đại diện EVNHCMC cho hay.
Theo thông tin từ phía EVNHCM, đơn vị này mới chỉ nhận tiếp nhận được một phần mặt bằng không liên tục của Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông (Ban Giao thông), theo các biên bản ngày 23/10/2024 và ngày 5/11/2024.
"Hiện nay, Ban quản lý dự án lưới điện phân phối Tp.HCM (Ban ALĐPP) đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bằng cách thực hiện kéo cáp, lắp đặt thiết bị trước các vị trí đã được chủ đầu tư hạ tầng giao thông bàn giao mặt bằng.
Đồng thời, ngành điện chủ động liên hệ với chủ đầu tư hạ tầng giao thông nắm được tiến độ di dời hạ tầng, giải phóng mặt bằng, để chuẩn bị kịp thời triển khai thực hiện ngầm hóa khi được chủ đầu tư hạ tầng giao thông bàn giao mặt bằng", ông Điền Anh thông tin.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, việc bàn giao mặt bằng giữa các bên hiện nay đang gặp nhiều khó khăn.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Tp.HCM (Ban Giao thông, chủ đầu tư), đến nay, địa phương mới bàn giao mặt bằng 415/425 trường hợp. 10 trường hợp còn lại chưa được giải quyết, gây khó khăn cho việc thi công đồng bộ tuyến đường. Chính vì vậy, Ban Giao thông chỉ có thể bàn giao mặt bằng rời rạc cho ngành điện lực.
Dự án trước đó được đặt mục tiêu thông xe vào ngày 31/12/2024. Nhưng với tiến độ như hiện nay, mục tiêu thông xe cuối năm 2024 khó có thể đạt được.
Theo hiểu của Người Đưa Tin, dự án nâng cấp mở rộng đường Dương Quảng Hàm được khởi công từ cuối năm 2019, với tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng gồm cả giải phóng mặt bằng và xây lắp, đoạn đường dài gần 2,5km từ Công viên Văn hóa (quận Gò Vấp) đến quận Bình Thạnh được mở rộng lên 32m, kết hợp xây hệ thống chiếu sáng, thoát nước, cây xanh... nhưng phải tạm ngưng chỉ sau 9 tháng thi công do vướng mặt bằng.
Đến tháng 8/2023, dự án được tái khởi động trở lại. Đến nay, con đường trên vẫn chưa thể đi vào sử dụng, việc kéo dài thời gian dự án đã gây ra không ít khó khăn cho người dân sinh sống và kinh doanh tại khu vực này.