COP29 thông qua khuôn khổ thị trường carbon toàn cầu, nhưng còn nhiều lo ngại
Các quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu 2024 của Liên hợp quốc (COP29) đã nhất trí thông qua các tiêu chuẩn chất lượng tín dụng carbon, ngay trong ngày đầu tiên tại sự kiện kéo dài 2 tuần ở Baku, Azerbaijan.
Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc khởi động thị trường carbon toàn cầu do Liên hợp quốc hậu thuẫn nhằm tài trợ cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, qua đó ngăn tình trạng nóng lên toàn cầu đang rất nghiêm trọng hiện nay.
Một nhà đàm phán cho biết thỏa thuận hôm thứ Hai có thể cho phép thị trường carbon toàn cầu do Liên hợp quốc hậu thuẫn, vốn đã được xây dựng trong nhiều năm, có thể bắt đầu hoạt động sớm nhất vào năm tới.
Các nước cũng có ý định đưa ra một thỏa thuận tài chính khí hậu, mặc dù kỳ vọng đã giảm mạnh bởi chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump, người đã tuyên bố ông sẽ một lần nữa rút Mỹ khỏi thỏa Thuận khí hậu toàn cầu Paris.
Về mặt lý thuyết, tín dụng carbon cho phép các quốc gia hoặc công ty chi trả cho các dự án ở bất kỳ đâu trên hành tinh nhằm giảm lượng khí thải CO2 hoặc loại bỏ CO2 khỏi khí quyển và sử dụng tín dụng do các dự án đó tạo ra để bù đắp lượng khí thải của chính họ.
Các ví dụ về dự án có thể bao gồm việc trồng rừng ngập mặn hấp thụ CO2 hoặc phân phối bếp sạch để thay thế các phương pháp nấu ăn gây ô nhiễm ở các cộng đồng nông thôn nghèo.
Dù các tiêu chuẩn được phê duyệt tại Baku nhằm mục đích xoa dịu mối lo ngại rằng nhiều dự án không mang lại lợi ích về khí hậu, những người vận động cho biết chúng vẫn còn thiếu sót trong nhiều lĩnh vực, bao gồm bảo vệ quyền con người của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các dự án.
Rebecca Iwerks, đồng giám đốc của nhóm phi lợi nhuận Namati, chia sẻ: "Nhiều nhà tài trợ lo ngại rằng thị trường không đủ ổn định, không đủ uy tín để có thể đầu tư nhiều hơn".
Bà cho biết về thỏa thuận hôm thứ Hai: "Nó thực sự có thể cản trở sự phát triển của thị trường nếu bạn không có một tiêu chuẩn vững chắc".
Một số nhà đàm phán cũng chỉ trích cách thức thực hiện thỏa thuận. Các tiêu chuẩn đã được một nhóm nhỏ các chuyên gia kỹ thuật đưa ra, với một số quốc gia cho biết họ không được trao quyền công bằng trong các quy tắc cuối cùng.
Kevin Conrad, Giám đốc điều hành Liên minh các quốc gia rừng nhiệt đới và cựu đặc phái viên về khí hậu của Papua New Guinea cho biết ban giám sát đã vượt quá thẩm quyền của mình. "Chúng tôi tán thành những gì họ đã làm, chứ không phải cách họ đã làm", ông nói.
Các quốc gia tham dự COP29 cũng sẽ cố gắng hoàn thiện các quy tắc khác nhằm tạo ra một thị trường mạnh mẽ.
Hiệp hội Giao dịch Khí thải Quốc tế, một nhóm kinh doanh ủng hộ thị trường carbon toàn cầu, cho biết tổng giao dịch trên thị trường này có thể tạo ra 250 tỷ đô la mỗi năm vào năm 2030 và cắt giảm 5 tỷ tấn khí thải carbon hàng năm.