COP29 khởi động 'nóng' về quỹ khí hậu
Các đại biểu tập trung tại thủ đô Baku, Azerbaijan, hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh COP29.
Đó là một thỏa thuận quỹ khí hậu sẽ tài trợ hàng năm lên tới 1 nghìn tỷ USD cho các nước đang phát triển, thay thế mục tiêu 100 tỷ USD. Số tiền này sẽ giúp các nước đang phát triển chuyển đổi hệ thống năng lượng khỏi nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh sang năng lượng sạch, giảm phát thải các khí nhà kính, trong đó có khí mê-tan, đang được quan tâm.
Kêu gọi hành động
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11/2024.
Năm nay, thế giới đang trên đà nóng lên 1,5 độ và hướng đến năm nóng nhất trong nền văn minh nhân loại, theo công ty dữ liệu Copernicus công bố vào đầu tháng này. Nhưng mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris là nóng lên 1,5 độ trong khoảng hai hoặc ba thập kỷ, không phải một năm.
Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev Babayev cho biết, tác động của biến đổi khí hậu đối với các thảm họa như bão, hạn hán và lũ lụt đang ngày càng trở nên trầm trọng. "Chúng ta cần nhiều hành động hơn là lòng trắc ẩn. Nhiều hơn những lời cầu nguyện và giấy tờ. Mọi người đang kêu gọi sự lãnh đạo và hành động”.
Bộ trưởng Khí hậu Liên hợp quốc Simon Stiell, người có hòn đảo quê hương Carriacou bị tàn phá vào đầu năm nay bởi cơn bão Beryl, đã sử dụng câu chuyện địa phương để mang đến thông điệp mạnh mẽ vì cộng đồng.
Ông cũng cho rằng, việc có các khoản quỹ để hành động về khí hậu "không phải là từ thiện". "Một mục tiêu tài chính khí hậu mới đầy tham vọng sẽ hoàn toàn là vì lợi ích của mọi quốc gia, bao gồm cả những quốc gia lớn nhất và giàu có nhất" vì nó sẽ ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.
Nhà khoa học về khí hậu Friederike Otto của Đại học Hoàng gia London cho biết: "Bắc bán cầu cần phải cắt giảm khí thải nhanh hơn nữa và hiện tại phải giảm 20, 30, 40%". Nhưng các đại biểu cho rằng biến động chính trị và những vấn đề khác trên toàn cầu đang làm ảnh hưởng đến quá trình đàm phán các thỏa thuận.
Cuộc đàm phán năm nay rất quan trọng vì mọi quốc gia có thời gian cho đến đầu năm sau để đệ trình các mục tiêu mới — và có lẽ là mạnh mẽ hơn — nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính, từ việc đốt than, dầu và khí đốt tự nhiên. Đó là một phần của thỏa thuận Paris năm 2015 để các quốc gia tăng cường nỗ lực sau mỗi 5 năm.
Một số nhà nghiên cứu về khí hậu Thái Bình Dương cho biết số tiền được cung cấp không phải là vấn đề lớn nhất đối với các quốc đảo nhỏ - những quốc gia bị đe dọa nhất thế giới do mực nước biển dâng cao.
"Có thể có nguồn tài trợ, nhưng để chúng tôi có thể tiếp cận nguồn tài trợ này ở đây, tại Thái Bình Dương, là một trở ngại khá lớn", Hilda Sakiti-Waqa, từ Đại học Nam Thái Bình Dương ở Fiji cho biết. "Thái Bình Dương thực sự cần rất nhiều sự trợ giúp kỹ thuật".
Để thế giới ngăn chặn được tình trạng nóng lên hơn 1,5 độ, lượng khí thải carbon toàn cầu phải được cắt giảm 42% vào năm 2030, một báo cáo mới của Liên hợp quốc cho biết.
“Chúng ta không thể rời Baku mà không có kết quả đáng kể”, Stiell nói. “Bây giờ là lúc để chứng minh rằng sự hợp tác toàn cầu không hề giảm sút. Nó đang tăng lên từng ngày”.
Việt Nam tham gia các trọng tâm thảo luận
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP29 có đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, các thành viên Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu; đại diện một số cơ quan, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp đang triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Các trọng tâm thảo luận bao gồm về thích ứng với biến đổi khí hậu, tổn thất thiệt hại do biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, các cơ chế trao đổi, bù trừ carbon, về tài chính khí hậu và triển khai kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu lần thứ nhất.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Phó Trưởng ban công tác đàm phán của Việt Nam cho biết: Khẩu hiệu chính của Hội nghị COP 29 là: “Đoàn kết vì một thế giới xanh” và “Nâng cao tham vọng, kích hoạt hành động”.
Về phía Việt Nam, ngay từ đầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện” và kêu gọi các quốc gia cùng hành động, đạt được mục tiêu theo đóng góp do quốc gia tự quyết định và nâng cao mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo. Việt Nam mong muốn thế giới có thể đoàn kết thông qua vai trò điều phối chung của Liên hợp quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Đến với Hội nghị COP 29, Việt Nam ủng hộ quan điểm các nước phát triển cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu và công khai, minh bạch nguồn thu, cũng như các khoản chi tiêu qua các báo cáo hằng năm. Bên cạnh đó, Việt Nam đề nghị chi tiêu cho thích ứng và giảm nhẹ cần có sự tương đồng.
Theo báo cáo mới nhất, nguồn lực toàn cầu dành cho thích ứng biến đổi khí hậu nhiều năm qua chỉ chiếm khoảng 5% tổng chi tiêu cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu, đồng nghĩa với trên 90% nguồn lực đang dành cho giảm nhẹ phát thải, khoảng 2 – 3% còn lại dành cho các hoạt động vừa thích ứng, vừa giảm nhẹ.