COP16: Chạy đua cứu thiên nhiên

Tốc độ tàn phá thiên nhiên thông qua các hoạt động như khai thác gỗ hoặc đánh bắt cá quá mức vẫn chưa giảm như kỳ vọng

Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Đa dạng sinh học lần thứ 16 (COP16) khai mạc tại TP Cali - Colombia hôm 20-10 với sự tham gia của 196 phái đoàn. Tại sự kiện dự kiến kéo dài 2 tuần này, các đại biểu sẽ tranh luận về cách thức có thể cứu lấy thiên nhiên khỏi tốc độ phá hủy nhanh chóng hiện nay. Trong thông điệp gửi đến lễ khai mạc, Tổng Thư ký LHQ António Guterres kêu gọi các quốc gia và vùng lãnh thổ "hòa hợp với thiên nhiên", củng cố kế hoạch ngăn chặn tình trạng mất môi trường sống, cứu các loài có nguy cơ tuyệt chủng và bảo tồn các hệ sinh thái quý giá.

Sau 2 năm kể từ khi COP15 nhất trí về Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal, gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ phải nêu rõ cách thức đạt được hơn 20 mục tiêu đề ra, trong đó có việc dành 30% lãnh thổ cho mục đích bảo tồn, cắt giảm trợ cấp cho doanh nghiệp gây hại cho thiên nhiên, yêu cầu các công ty báo cáo tác động của họ đến môi trường… Theo Reuters, tốc độ tàn phá thiên nhiên thông qua các hoạt động như khai thác gỗ hoặc đánh bắt cá quá mức vẫn chưa giảm bớt. Ngoài ra, các chính phủ cũng không đáp ứng được hạn chót cho các kế hoạch hành động về đa dạng sinh học và nguồn kinh phí cho công tác bảo tồn còn thiếu hàng tỉ USD so với mục tiêu năm 2025.

Tổng thống Colombia Gustavo Petro phát biểu tại lễ khai mạc COP16 hôm 20-10 tại TP Cali Ảnh: REUTERS

Tổng thống Colombia Gustavo Petro phát biểu tại lễ khai mạc COP16 hôm 20-10 tại TP Cali Ảnh: REUTERS

Tại COP15 ở TP Montreal - Canada, các quốc gia phát triển nhất trí bắt đầu đóng góp ít nhất 20 tỉ USD/năm từ năm 2025 để giúp các nước đang phát triển đạt được mục tiêu về thiên nhiên. Con số này dự kiến tăng lên 30 tỉ USD vào năm 2030. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các chính phủ đã cung cấp khoảng 15,4 tỉ USD để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển về đa dạng sinh học trong năm 2022, so với mức 11,4 tỉ USD năm 2021. Vấn đề tăng cường tài trợ hơn nữa làm một nội dung thảo luận quan trọng tại COP16.

Hội nghị cũng hướng đến mục tiêu thiết lập hệ thống đa phương toàn cầu để trả tiền cho việc truy cập thông tin trình tự kỹ thuật số (DSI). Đây là thông tin di truyền lấy từ thực vật, động vật và vi khuẩn có thể được sử dụng để nghiên cứu và phát triển các loại thuốc, mỹ phẩm hoặc hợp chất thương mại mới. Một thỏa thuận như thế sẽ nêu rõ dữ liệu loại nào cần được chi trả, ai chi trả và tiền sẽ được chuyển đến đâu nhằm loại bỏ những bất ổn về mặt pháp lý khi làm việc với trình tự gien.

Bên cạnh đó, nước chủ nhà COP16 còn đưa vấn đề hòa nhập cộng đồng bản địa và truyền thống vào trọng tâm chương trình nghị sự tại Cali. COP16 sẽ tìm cách hoàn thiện một chương trình mới để đưa kiến thức truyền thống vào các kế hoạch và quyết định bảo tồn quốc gia, cũng như kế hoạch lập nên cơ quan thường trực về người bản địa để bảo đảm các nhóm này được đại diện trong quá trình LHQ ra quyết định về đa dạng sinh học.

Các chuyên gia cũng cho rằng COP16 nên nhấn mạnh vai trò của thiên nhiên trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo họ, biến đổi khí hậu và sự suy giảm thiên nhiên có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Bảo vệ thiên nhiên giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, trong khi sự nóng lên toàn cầu cũng đang hủy hoại đa dạng sinh học và dẫn đến sự tuyệt chủng. Một bước đi như thế sẽ tăng áp lực lên Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 29 (COP29), dự kiến diễn ra tại TP Baku - Azerbaijan vào tháng 11.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cop16-chay-dua-cuu-thien-nhien-196241021210748729.htm
Zalo