COP 28 góp thêm những tiếng nói về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch
Loại bỏ nhiên liệu hóa thạch tiếp tục là chủ đề được dư luận đặc biệt quan tâm tại Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP 28) đang diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Tiếp tục thảo luận tại COP 28, xuất hiện thêm nhiều tiếng nói từ Mỹ và EU kêu gọi loại bỏ vĩnh viễn loại nhiên liệu hóa thạch ra khỏi đời sống xã hội hôm 4/12.
Phát biểu tại hội nghị hôm qua (4/12), Đại diện khí hậu Mỹ John Kerry đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không nên có thêm bất cứ nhà máy điện đốt than nào trên thế giới được phép xây dựng. Theo đại diện khí hậu Mỹ, đây là bước đi thiết yếu để duy trì mức nhiệt độ thế giới 1,5 C trong tầm tay.
"Chúng ta có những nguồn năng lượng sạch. Dù một số có thể chỉ là tạm thời nhưng chúng sạch và chắc chắn là tốt hơn khi mở ra một nguồn năng lượng mới. Nhiên liệu bẩn nhất trên thế giới là than đá và chúng ta nên ngừng giết chết bản thân bằng cách sử dụng loại nhiên liệu đó. Điều này sẽ giúp ích nhiều cho sức khỏe cũng như thay đổi dòng chảy của cuộc khủng hoảng carbon”.
Trong khi đó, giới chức Liên minh châu Âu cho biết, các đại biểu COP 28 của khối này đang tìm cách xây dựng đồng thuận trong loại bỏ nhiên liệu hóa thạch ngay tại hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc lần này. Một trong những giải pháp được các nước Liên minh châu Âu đang tìm cách thực hiện là loại bỏ dần các khoản trợ cấp cho việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, với thời hạn hoàn thành là năm 2030.
Phát biểu trước báo giới đại diện Hội đồng châu Âu Valvanera Ulargui nhấn mạnh: “Bạn không thể duy trì mức nhiệt độ thế giới trong phạm vi 1,5 độ mà không loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch và loại bỏ việc sử dụng chúng càng sớm càng tốt. Đây là thông điệp mà chúng tô muốni gửi đến tất cả mọi người”.
Theo một báo cáo có tên là Ngân sách carbon Toàn cầu, được công bố trong khuôn khổ hội nghị về khí hậu COP 28, hôm qua các nhà khoa học cho biết lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, qua đó làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu và gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan tàn khốc hơn.
Nếu không hành động nhanh chóng, việc gia tăng lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính sẽ khiến thế giới khó lòng ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trước đó, ngay trong những ngày đầu của hội nghị, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã từng nhiều lần nhấn mạnh rằng cần phải chấm dứt hoàn toàn việc đốt nhiên liệu hóa thạch và việc con người cắt giảm sử dụng loại nhiên liệu này sẽ là không đủ để ngăn đà tăng nhiệt của Trái Đất.