COP 16 không đạt được thỏa thuận tài trợ cho đa dạng sinh học
Hội nghị lớn nhất về bảo tồn thiên nhiên trên toàn thế giới diễn ra tại Columbia, COP16, đã kết thúc vào ngày 2/11, mà không đạt được thỏa thuận về một trong những mục tiêu lớn nhất của hội nghị - thông qua kế hoạch chi tiết để tăng tài trợ cho đa dạng sinh học.
Chủ tịch Susana Muhamad đã đình chỉ Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (CBD) lần thứ 16 (COP16) khi các cuộc đàm phán kéo dài gần 12 giờ so với kế hoạch và các đại biểu bắt đầu về nước.
Việc các đại biểu rời khỏi hội nghị đã khiến hội nghị thượng đỉnh không có đủ số đại biểu để ra quyết định, nhưng phát ngôn viên của CBD, ông David Ainsworth, cho biết nó sẽ tiếp tục vào một ngày sau đó để xem xét các vấn đề còn tồn tại.
Hội nghị có khoảng 23.000 đại biểu, được giao nhiệm vụ đánh giá và tăng cường tiến trình hướng tới một thỏa thuận đạt được ở Canada 2 năm trước để ngăn chặn sự hủy diệt tàn bạo của loài người đối với thiên nhiên.
Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF) đã được thông qua trong cuộc họp lần thứ 15 của Hội nghị các Bên (COP 15) tổ chức ở Canada, sau quá trình tham vấn và đàm phán kéo dài 4 năm.
Khuôn khổ lịch sử này, hỗ trợ việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững và được xây dựng dựa trên các Kế hoạch Chiến lược trước đây của Công ước, đặt ra một lộ trình đầy tham vọng để đạt được tầm nhìn toàn cầu về một thế giới sống hài hòa với thiên nhiên vào năm 2050.
Trong số các yếu tố chính của Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal là 4 mục tiêu cho năm 2050 và 23 mục tiêu cho năm 2030.
Trong đó, 23 mục tiêu cần đạt được chỉ trong hơn 5 năm từ năm 2024, bao gồm đặt 30% diện tích đất liền và biển được bảo vệ và 30% hệ sinh thái bị suy thoái được phục hồi vào năm 2030, giảm ô nhiễm và loại bỏ dần các khoản trợ cấp nông nghiệp và các khoản trợ cấp khác có hại cho thiên nhiên.
Hội nghị thượng đỉnh Canada cũng đã đồng ý rằng 200 tỷ đô la mỗi năm sẽ được cung cấp để bảo vệ đa dạng sinh học vào năm 2030, bao gồm cả việc chuyển 30 tỷ đô la mỗi năm từ các quốc gia giàu sang nghèo.
Trên hết, các quốc gia đã cam kết khoảng 400 triệu đô la cho Quỹ khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBFF) được thành lập vào năm ngoái để đáp ứng các mục tiêu của Liên hợp quốc.
Mục tiêu lớn nhất từ hội nghị thượng đỉnh - đưa ra một kế hoạch tài trợ chi tiết - hóa ra là một mục tiêu quá xa. Chủ tịch COP16, bà Muhamad, Bộ trưởng Môi trường Colombia, đã đề xuất thành lập một quỹ đa dạng sinh học chuyên dụng, nhưng bị Liên minh châu Âu, Thụy Sĩ và Nhật Bản bác bỏ.
Các cuộc đàm phán về tài trợ đa dạng sinh học đã “vấp ngã” ngay cả khi nghiên cứu mới được trình bày tại COP16 cho thấy hơn một phần tư thực vật và động vật được đánh giá hiện có nguy cơ tuyệt chủng. Chỉ có 17,6% đất liền và vùng nước nội địa, và 8,4% các khu vực đại dương và ven biển, là được bảo vệ và bảo tồn.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhắc nhở các đại biểu rằng nhân loại đã thay đổi ba phần tư bề mặt đất liền và hai phần ba vùng biển của Trái đất.
"Sự tồn tại của đa dạng sinh học trên hành tinh của chúng ta - và sự sống còn của chính chúng ta - đang đứng ở ranh giới", ông nói.
Cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh triển khai an ninh quy mô lớn sau các mối đe dọa từ một nhóm du kích Colombia có căn cứ hoạt động gần Cali. Không có sự cố nào được báo cáo.