Công viên phần mềm Đà Nẵng: Mô hình phát triển kinh tế số
Xây dựng Khu Công viên phần mềm đầu tiên từ năm 2008, và sẽ khánh thành Khu Công viên phần mềm thứ 2 vào tháng 1 này, cùng nhiều khu công nghệ cao đã và đang xây dựng, Đà Nẵng hướng tới trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống của châu Á.
17 năm trước, Đà Nẵng xây dựng Khu Công viên phần mềm đầu tiên
Từ những năm 2000, công nghệ thông tin (CNTT) đã được xác định là lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn phát triển của Đà Nẵng thông qua Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 3/10/2000 của Ban Thường vụ Thành ủy về một số chủ trương phát triển công nghiệp phần mềm và Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/3/2003 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT.
Với chủ trương Nghị quyết số 06-NQ/TU và Nghị quyết 07-NQ/TU, cách tiếp cận lấy ứng dụng CNTT tạo động lực để phát triển công nghiệp CNTT, Thành phố Đà Nẵng đã bố trí ngân sách đầu tư xây dựng Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng. Đây là mô hình điểm đầu tiên trong phát triển công nghiệp CNTT thành phố.
Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng đưa vào sử dụng từ tháng 10/2008 và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu CNTT tập trung tại Quyết định số 1967/QĐ-TTg ngày 7/12/2017.
Với tổng mức đầu tư 161 tỷ đồng, đến nay, Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng đã thu hồi vốn nộp ngân sách 218 tỷ đồng, tỷ lệ 135%. Tỷ lệ lấp đầy toàn Khu là 99%; thu hút 66 doanh nghiệp (trong đó 18 doanh nghiệp FDI) với hơn 2.000 nhân lực làm việc, thu nhập bình quân 16 triệu đồng/tháng/người.
Tổng doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động trong Khu đạt gần 58 triệu USD với diện tích 1,08 ha, hiệu suất sử dụng đất khoảng 55 triệu USD/ha/năm; năng suất lao động trung bình khoảng 540 triệu đồng/năm.
Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số là một trong năm lĩnh vực ưu tiên nguồn lực, tập trung phát triển.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, Đà Nẵng cơ bản hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Hơn 30 doanh nghiệp đăng ký thuê Khu Công viên phần mềm số 2
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng chuyển đổi số trên địa bàn thành phố, từ thành công của Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng và định hướng phát triển theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, thành phố đã triển khai các thủ tục quy hoạch và lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2.
Khu công viên phần mềm mới sẽ giúp Đà Nẵng chuyển từ gia công phần mềm sang làm sản phẩm, dịch vụ CNTT, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, chuyển đổi số toàn diện, xây dựng thành phố thông minh.
Tuy nhiên, sau 2 lần tổ chức đấu giá, Đà Nẵng không lựa chọn được nhà đầu tư để triển khai do dự án không có khả năng hoàn vốn trực tiếp. Thành phố đã quyết định sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư Khu Công viên phần mềm số 2 và khởi công xây dựng công trình vào ngày 10/10/2020, để chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII.
Tổng mức đầu tư của Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 ban đầu khoảng 799 tỷ đồng; bổ sung 186 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và theo kết luận kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, việc tiếp tục triển khai dự án Khu Công viên phần mềm số 2 chậm tiến độ.
Ngày 1/2/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Thành phố Đà Nẵng, theo đó bổ sung quy định Khu CNTT tập trung là tài sản kết cấu hạ tầng thông tin và HĐND thành phố được xem xét, quyết định việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển tài sản kết cấu hạ tầng thông tin đối với Khu CNTT tập trung từ nguồn ngân sách thành phố.
Ngày 20/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1238/QĐ-TTg phê duyệt mở rộng Khu Công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà nẵng số 2.
Đây là quyết định then chốt, khơi thông nguồn lực vốn đầu tư công của thành phố, HĐND thành phố tiếp tục bố trí vốn đầu tư công với hơn 414 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư dự án lên gần 1.400 tỷ đồng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Khu CNTT tập trung - Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2.
Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 là công trình trọng điểm để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị tại Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 tiếp tục triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, trong đó ưu tiên “Triển khai hiệu quả chuyển đổi số để phát triển các ngành, lĩnh vực mới,…”, “Phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và vi mạch bán dẫn”.
Khu công viên phần mềm mới cũng nhằm thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, trong đó có các chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược, phát triển lĩnh vực lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 với 3 tòa nhà ICT1, ICT2 và ICT có tổng diện tích đất là 2,8 ha; tổng diện tích sàn xây dựng là 92.787 m2; tổng diện tích khu sản xuất, kinh doanh dịch vụ CNTT hơn 38.000 m2. Dự kiến nơi đây sẽ thu hút 6.000 nhân lực làm việc.
Khu này ưu tiên cho các đối tác chiến lược, các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của lĩnh vực thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo theo tinh thần của Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội.
Với quyết tâm, cam kết chính trị của Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự phối hợp, đồng hành của các sở, ban, ngành và các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, công trình Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 dự kiến khánh thành vào tháng 1/2025 và đưa vào hoạt động, khai thác Tòa nhà ICT1.
Hiện nay, đã có hơn 30 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu thuê văn phòng tại Tòa nhà ICT1 với tổng diện tích đăng ký khoảng 25.000 m2 , vượt quá diện tích khai thác cho thuê của Tòa nhà ICT1.
Trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống
Khu CNTT tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng đã tạo nền tảng để thành phố tiếp tục thu hút đầu tư, huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng CNTT-TT.
Đến nay, trên địa bàn thành phố có 3 Khu CNTT tập trung đang hoạt động gồm Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu CNTT Đà Nẵng - giai đoạn 1, Khu phức hợp Văn phòng FPT.
Trong đó, Khu CNTT Đà Nẵng - giai đoạn 1 được đưa vào hoạt động năm 2019, diện tích 131 ha; tổng mức đầu tư hơn 666 tỷ đồng và đã được công nhận là khu CNTT tập trung (Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 6/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ). Khu này do Công ty Cổ phần phát triển Khu CNTT Đà Nẵng làm chủ đầu tư.
Hiện nay, nơi đây đã khánh thành đi vào hoạt động sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao với công nghệ bo mạch SMT, đang chuẩn bị đầu tư 16 line lắp ráp và 16 line SMT gồm 2 nhà máy quy mô mỗi nhà máy 8.000 m2. Chủ đầu tư dự án đang kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào hoạt động trong Khu CNTT Đà Nẵng.
Còn Khu phức hợp Văn phòng FPT do Công ty TNHH Phần mềm FPT Miền Trung làm chủ đầu tư, đã đưa vào hoạt động từ năm 2016 với diện tích 5,9 ha, có tổng vốn đầu tư hơn 1.395 tỷ đồng và đã được công nhận là khu CNTT tập trung. Hiện nay, Khu phức hợp có hơn 6.000 người làm việc với doanh thu báo cáo thuế 2022 là 2.200 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 25-30%/năm.
Đà Nẵng còn có 3 khu CNTT đang thực hiện chủ trương đầu tư, gồm: Dự án Không gian sáng tạo, Dự án Khu CNTT Đà Nẵng Bay và Tòa nhà công nghệ cao Viettel.
Cụ thể, Khu CNTT Đà Nẵng Bay có diện tích 35.196 m2; vốn đầu tư 700-1.000 tỷ đồng, do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) làm chủ đầu tư.
Còn Tòa nhà công nghệ cao Viettel có diện tích 11.000 m2 với vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, do Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel làm chủ đầu tư.
Với động lực từ các khu CNTT, công viên phần mềm, Đà Nẵng có doanh thu ngành công nghiệp CNTT, xuất khẩu phần mềm tăng trưởng bình quân 15%/năm, giá trị kinh tế số năm 2023 chiếm khoảng 20,69% trong cơ cấu GRDP thành phố (vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 05-NQ/TU của Thành ủy vào năm 2025 là 20%); đóng góp đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Theo quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm tại bài viết “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” nhân dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”.
Khu CNTT tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng sẽ là trụ cột then chốt để thúc đẩy phát triển phương thức sản xuất mới, chú trọng các lĩnh vực mũi nhọn mới như: vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tài chính (Fintech); phát triển ngành CNTT, điện tử viễn thông trở thành ngành kinh tế chủ đạo với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp 2-2,5 lần tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố. Hướng đến mục tiêu năm 2030, quy mô kinh tế số chiếm 35-40% GRDP thành phố.
Những khu công nghệ cao này còn là cơ sở để Đà Nẵng hướng tới hoàn thành mục tiêu năm 2030 xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực Đông Nam Á và mục tiêu đến năm 2045 trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.