'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng: Nền tảng hợp tác quốc tế thời đại số

Công ước LHQ về Tội phạm mạng là bước ngoặt lịch sử trong hợp tác quốc tế, tạo nền tảng pháp lý quan trọng để các quốc gia cùng ngăn chặn, điều tra và xử lý tội phạm trong thời đại số, thúc đẩy an ninh và công bằng trong không gian mạng.

Chiều 24-12 (tức sáng 25-12 giờ VN), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua bằng đồng thuận Công ước LHQ về Tội phạm mạng. Công ước ra đời là dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với những mối đe dọa ngày càng tăng trên không gian mạng.

Theo quy định tại Điều 64 của Công ước, văn kiện này sẽ được mở ký tại thủ đô Hà Nội trong năm 2025. Theo đó, Công ước sẽ có tên gọi là “Công ước Hà Nội”.

Nội dung Công ước

Theo TTXVN, Công ước LHQ về Tội phạm mạng ra đời trong bối cảnh gia tăng đáng báo động của tội phạm mạng cả về quy mô, mức độ phức tạp và phạm vi tác động ước tính đã gây thiệt hại cho kinh tế thế giới khoảng 8.000 tỉ USD trong năm 2023 và dự báo lên đến 10.500 tỉ USD vào năm 2025, lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Công ước gồm 9 Chương và 71 Điều là kết quả của gần 4 năm thương lượng liên tục và kéo dài (2021-2024) giữa các quốc gia thành viên nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý đa phương toàn diện để đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này.

 Toàn cảnh phiên họp thông qua Công ước LHQ về Tội phạm mạng ngày 24-12. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Toàn cảnh phiên họp thông qua Công ước LHQ về Tội phạm mạng ngày 24-12. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Về nội dung của công ước, theo trang web chính thức của LHQ, Công ước LHQ về Tội phạm mạng thừa nhận các rủi ro đáng kể do việc lạm dụng công nghệ thông tin và truyền thông, vốn cho phép các hoạt động tội phạm diễn ra với quy mô, tốc độ và phạm vi chưa từng có.

Công ước nhấn mạnh những tác động tiêu cực mà các loại tội phạm này có thể gây ra đối với các quốc gia, doanh nghiệp, cũng như đời sống và phúc lợi của cá nhân và xã hội. Công ước tập trung bảo vệ khỏi các hành vi như khủng bố, buôn người, buôn lậu ma túy và tội phạm tài chính trực tuyến.

Công ước thừa nhận tác động ngày càng lớn của tội phạm mạng đối với các nạn nhân và ưu tiên công lý, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương. Đồng thời, văn bản đề cao sự cần thiết của hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực và hợp tác giữa các quốc gia cùng các bên liên quan khác.

Ngày qua, Tổng Thư ký LHQ António Guterres hoan nghênh việc thông qua Công ước. “Công ước này là minh chứng cho sự thành công của chủ nghĩa đa phương trong thời điểm khó khăn, đồng thời thể hiện ý chí chung của các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế để ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm mạng” - theo người phát ngôn của ông Guterres.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh rằng Công ước “tạo ra một nền tảng hợp tác chưa từng có” trong việc trao đổi bằng chứng, bảo vệ nạn nhân và phòng ngừa, đồng thời đảm bảo quyền con người trên môi trường trực tuyến.

“Tổng Thư ký tin tưởng rằng Công ước mới này sẽ thúc đẩy một không gian mạng an toàn và kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia Công ước cũng như thực hiện nó thông qua hợp tác với các bên liên quan” - người phát ngôn nói thêm.

Chủ tịch ĐHĐ LHQ Philémon Yang nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước mới trong bối cảnh nhân loại "đang sống trong một thế giới số, nơi công nghệ thông tin và truyền thông có tiềm năng to lớn cho sự phát triển xã hội, nhưng đồng thời cũng gia tăng nguy cơ từ tội phạm mạng”.

“Với việc thông qua Công ước này, các quốc gia thành viên có trong tay các công cụ và phương tiện để tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm mạng, bảo vệ con người và quyền lợi của họ trên không gian mạng” - ông Yang lưu ý.

Bà Ghada Waly - Giám đốc Điều hành Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC) - mô tả việc thông qua Công ước là một “thắng lợi lớn” cho chủ nghĩa đa phương. “Đây là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực đối phó với các tội phạm như lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng, lừa đảo trực tuyến tinh vi và rửa tiền” - bà Waly chia sẻ, đồng thời khẳng định cam kết của UNODC trong việc hỗ trợ tất cả các quốc gia ký kết, phê chuẩn và thực hiện Công ước mới.

Sau gần 20 năm kể từ Công ước LHQ về Tội phạm xuyên quốc gia, cộng đồng quốc tế mới có thêm một khuôn khổ pháp lý đa phương để xử lý tội phạm trong không gian mạng.

Ý nghĩa của Công ước

LHQ chỉ ra 5 lý do chính vì sao Công ước LHQ về Tội phạm mạng có ý nghĩa đối với mọi người dân trên toàn cầu, theo trang UN News.

Thứ nhất, đây là công cụ cần thiết trong bối cảnh mối đe dọa ngày càng gia tăng. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2023 có tới 67,4% dân số thế giới sử dụng Internet và hơn 2/3 dân số toàn cầu dễ bị tội phạm mạng tấn công.

 Tội phạm mạng đang gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh toàn cầu, nhắm vào cả cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ. Ảnh: UN

Tội phạm mạng đang gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh toàn cầu, nhắm vào cả cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ. Ảnh: UN

Tội phạm mạng khai thác hệ thống kỹ thuật số bằng phần mềm độc hại, mã độc tống tiền và tấn công mạng để đánh cắp tiền, dữ liệu, cùng các thông tin giá trị khác. Trong bối cảnh đó, Công ước mới sẽ giúp phản ứng nhanh hơn, phối hợp tốt hơn và hiệu quả hơn, từ đó bảo đảm an toàn cho cả thế giới số lẫn thế giới thực.

Thứ hai, Công ước giúp thúc đẩy hợp tác điều tra toàn cầu. Theo LHQ, việc điều tra tội phạm xuyên quốc gia đòi hỏi thu thập bằng chứng điện tử và việc này đặt ra những thách thức đặc biệt cho cơ quan thực thi pháp luật.

Một khó khăn lớn là tính phân tán của dữ liệu, mạng lưới và nhà cung cấp dịch vụ, khiến bằng chứng thường nằm rải rác ở nhiều quốc gia. Hơn nữa, bằng chứng điện tử thường cần được tiếp cận nhanh chóng để tránh bị sửa đổi hoặc xóa.

Công ước tập trung xây dựng các khuôn khổ để truy cập và trao đổi bằng chứng điện tử, hỗ trợ quá trình điều tra và truy tố. Các quốc gia tham gia Công ước cũng sẽ được hưởng lợi từ một mạng lưới hợp tác 24/7 để tăng cường hỗ trợ quốc tế trong điều tra, truy tố, thu hồi tài sản từ tội phạm, hỗ trợ pháp lý song phương và dẫn độ.

Thứ ba là giúp bảo vệ trẻ em trên môi trường trực tuyến vì các nền tảng trực tuyến thường cho phép người dùng ẩn danh nên dễ bị những kẻ xấu lợi dụng để tiếp cận, lôi kéo hoặc gây hại cho trẻ em. Công ước này là hiệp ước toàn cầu đầu tiên đặc biệt xử lý vấn đề bạo lực tình dục trẻ em qua công nghệ thông tin. Công ước trang bị cho chính phủ các công cụ mạnh mẽ hơn để bảo vệ trẻ em và truy tố những kẻ vi phạm.

Thứ tư là hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mạng. Trong đó, Công ước khuyến khích các quốc gia cung cấp cho nạn nhân các dịch vụ phục hồi, bồi thường thiệt hại, hoàn trả và xóa bỏ nội dung bất hợp pháp.

Cuối cùng là tăng cường phòng ngừa. Việc chỉ phản ứng sau khi tội phạm xảy ra là chưa đủ mà đòi hỏi các biện pháp chủ động ngăn chặn. Công ước kêu gọi các quốc gia phát triển chiến lược phòng ngừa toàn diện, bao gồm đào tạo cho cả khu vực công và tư nhân, các chương trình phục hồi và tái hòa nhập cho người phạm tội, cũng như hỗ trợ nạn nhân.

Những biện pháp này nhằm giảm thiểu rủi ro và quản lý mối đe dọa hiệu quả, hướng tới một môi trường số an toàn hơn cho tất cả mọi người.

Dấu ấn ngoại giao đa phương của Việt Nam

Theo TTXVN, việc LHQ lựa chọn thủ đô Hà Nội làm địa điểm tổ chức Lễ mở ký Công ước LHQ về Tội phạm mạng là dấu ấn quan trọng trong lịch sử đối ngoại đa phương của Việt Nam và 47 năm quan hệ đối tác Việt Nam - LHQ.

Lần đầu tiên một địa điểm của Việt Nam được ghi danh và gắn với một điều ước đa phương toàn cầu liên quan một lĩnh vực quan trọng và được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Lựa chọn này phản ánh vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của đất nước, cũng như sự tham gia đóng góp tích cực, trách nhiệm và thực chất của Việt Nam trong toàn bộ quá trình đàm phán Công ước.

Đăng cai Lễ mở ký “Công ước Hà Nội” cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò một thành viên có trách nhiệm, tin cậy của cộng đồng quốc tế, tích cực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tham gia dẫn dắt quá trình xây dựng và định hình các khuôn khổ quản trị số toàn cầu, bảo đảm an ninh mạng và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, tạo tiền đề triển khai thành công chiến lược chuyển đổi số để đưa đất nước sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đây cũng là bước cụ thể góp phần triển khai kịp thời và hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/cong-uoc-ha-noi-ve-toi-pham-mang-nen-tang-hop-tac-quoc-te-thoi-dai-so-post826744.html
Zalo