Công ty Vàng bạc đá quý SJC có quyền Tổng Giám đốc mới
Ông Đào Công Thắng là quyền Tổng Giám đốc mới của SJC. Được biết ông Thắng nguyên là Phó Tổng giám đốc công ty này.
Theo thông tin đăng tải trên website chính thức của Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cập nhật, ông Đào Công Thắng giữ chức quyền Tổng Giám đốc. Ông Trần Văn Tịnh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên và ông Nguyễn Tiến Phước làm thành viên Hội đồng thành viên.
Trước ông Thắng, bà Lê Thúy Hằng là Tổng Giám đốc Công ty SJC. Bà Hằng chính thức nhận chức tổng giám đốc Công ty SJC từ tháng 12/2019. Đây là diễn biến nhân sự mới tại công ty này.
Trước đó tại họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 09/11/2024, thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên (Phó Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an) cho biết 6 người tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn và các đơn vị liên quan đã bị khởi tố do lợi dụng mua bán vàng bình ổn giá, lập khống chứng từ, chiếm đoạt tài sản.
Ông Tuyên cho biết, kết quả điều tra ban đầu cho thấy các bị can đã lợi dụng việc mua bán vàng bình ổn giá, lập khống chứng từ sổ sách, chiếm đoạt tài sản. "Bộ Công an đang tập trung củng cố tài liệu chứng cứ, mở rộng điều tra, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt", ông Tuyên nói.
Tuy nhiên, cơ quan công an chưa công bố danh tính và hành vi cụ thể của những người này.
Được biết, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có quyền sản xuất vàng miếng độc quyền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao từ năm 2014.
Trong thời gian qua, giá vàng miếng SJC liên tục lập đỉnh, chênh lệch lớn so với giá vàng quốc tế. Để đối phó với tình hình này, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá vàng và ổn định thị trường.
SJC thành lập vào năm 1988, hiện là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM. Từ năm 2012, SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia do Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước lựa chọn.
Công ty cho biết quy trình sản xuất vàng miếng từ đó đến nay được quản lý rất nghiêm ngặt từ khâu kiểm tra sản phẩm, đánh số series, đến đúc và dập vàng miếng, với toàn bộ nguyên liệu vàng đều do Ngân hàng Nhà nước cung cấp.
Theo báo cáo tài chính năm 2023, doanh thu thuần của SJC đạt 28.408 tỷ đồng, tăng nhẹ chưa đến 5% so với năm 2022. Giá vốn hàng bán là 28.166 tỷ đồng.
Tuy doanh thu có nhích lên nhưng lợi nhuận gộp chỉ đạt 241,6 tỷ đồng, giảm khoảng 8 tỷ đồng so với năm trước, do giá vốn chiếm tới 99% doanh thu, khiến biên lợi nhuận gộp rất thấp, chỉ đạt 0,85%, thấp hơn mức 0,92% của năm 2022. Lợi nhuận ròng của SJC đạt gần 61 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022.
Báo cáo cũng cho thấy tồn kho của SJC (chủ yếu là vàng) đạt 1.446 tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng đáng kể so với năm 2022. SJC đã nâng mức trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho từ 26 tỷ đồng năm 2022 lên gần 84 tỷ đồng năm 2023. Tuy nhiên, công ty kiểm toán A&C, đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính của SJC, cho biết chưa đủ cơ sở để xác định tính hợp lý của mức trích lập dự phòng này do SJC tự đánh giá.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của SJC đạt 1.898 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2022. Phần lớn tài sản này là tài sản ngắn hạn, bao gồm tiền mặt, khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho.
Về kế hoạch kinh doanh cho năm 2024, Hội đồng thành viên của SJC đề ra mục tiêu đạt doanh thu 30.145 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 92,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 70,2 tỷ đồng, với tỷ suất sinh lời ròng chỉ 0,23%. Mục tiêu này được xây dựng dựa trên kế hoạch tiêu thụ 31.692 lượng vàng miếng và 444.912 sản phẩm trang sức, với số thuế dự kiến phải nộp là 93,6 tỷ đồng.
Năm 2022, SJC ghi nhận doanh thu thuần đạt 27.153 tỷ đồng và lãi sau thuế ở mức 48 tỷ đồng. Mức lợi nhuận tương đối “mỏng” so với doanh thu của doanh nghiệp.
Những năm trước đó, tình hình kinh doanh của SJC cũng không ghi nhận kết quả khả quan hơn. Theo đó, năm 2018 doanh thu 20.807 tỷ đồng, lợi nhuận 27 tỷ đồng; năm 2019 doanh thu 18.609 tỷ đồng, lợi nhuận 52 tỷ đồng; năm 2020, doanh thu 23.491 tỷ đồng, lợi nhuận 55 tỷ đồng; năm 2021, doanh thu 18.689 tỷ đồng, lợi nhuận 43 tỷ đồng.